• Zalo

Trưởng đoàn đàm phán TPP kể phút cam go 'cân não' trên bàn thương lượng

Kinh tếThứ Năm, 08/10/2015 03:06:00 +07:00Google News

đàm phán TPP: Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP đã kể lại chi tiết những phút giây căng thẳng nhất trên bàn đàm phán TPP.

(VTC News) - Ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP đã kể lại chi tiết những phút giây căng thẳng nhất trên bàn đàm phán TPP để thống nhất được những thoả thuận gây tranh cãi khiến hội nghị đổ vỡ nhiều lần trước đó.

- Thưa ông, cảm xúc của ông thế nào khi TPP được các thành viên thỏa thuận xong, điều mà trước đó, không ai nghĩ có thể kết thúc được?

Chúng tôi cảm thấy rất vui. Sau gần 6 năm đàm phán, cuối cùng đàm phán TPP đã được kết thúc toàn diện. Các Bộ trưởng đã có những ngày đàm phán rất khó khăn và cuối cùng đã quyết định được tất cả các vấn đề tồn tại để kết thúc đàm phán.

- Để đạt được thoả thuận thống nhất giữa các thành viên TPP là điều rất khó khăn. Ông có thể kể về những giây phút đầy "cam go" trên bàn đàm phán được không?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh 
Thực tế, việc các bộ trưởng gặp nhau ở Atlanta lần này là để để xử lý những vấn đề còn lại sau hội nghị các bộ trưởng TPP ở Hawai vào tháng 7. Đây là những vấn đề rất khó nên hội nghị tại Hawai đã đổ vỡ mà không kết thúc được.


Đó là những vấn đề về quy tắc xuất xứ của mặt hàng ô tô, và liên quan đến thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược, và đặc biệt là các đàm phán song phương, mở cửa thị trường như dệt may, giày dép, sữa. Đó là những vấn đề rất khó, khiến hội nghị Hawai đổ vỡ.

Lần này, các bộ trưởng tập trung xử lý tiếp các vấn đề tồn tại này. Ban đầu, dự kiến là 3 ngày, nhưng đến mùng 2, có thông tin các nước Nhật Bản, Mexico, Hoa Kỳ có thể đạt được thoả thuận với nhau về mặt hàng ô tô cho nên các bộ trưởng quyết định rời ngày về và kéo dài hội nghị bộ trưởng thêm 2 ngày nữa.

Đến ngày mùng 3/10, chúng ta nhận được thông tin các nước thoả thuận được với nhau về vấn đề ô tô. Lúc đó, chúng tôi hiểu rằng, hiệp định TPP đã rất gần rồi và không một ai muốn rời Atlanta mà không có hiệp định TPP cả.

Ngày 3/10, xuất hiện lời văn thoả hiệp về vấn đề bảo hộ dữ liệu cho sinh dược. Đến ngày 4, các nước thống nhất được với nhau về sinh dược. Tới lúc đó, không còn ai muốn rời Atlanta nữa. Các bộ trưởng quyết định gia hạn thêm và tích cực đàm phán, rất khẩn trương để có thể có được kết quả cuối cùng đàm phán về mở cửa thị trường.

Trong đêm đàm phán cuối cùng, chúng tôi đã kết thúc được dệt may với Hoa Kỳ và Mexico vào lúc nửa đêm ngày mùng 4, rạng sáng ngày mùng 5. Sau đó, 3h30 sáng mùng 5, chúng tôi kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về quyền sở hữu trí tuệ, đến 4h30 giờ Atlanta tức 3h20 giờ Hà Nội cuộc đàm phán song phương cuối cùng giữa Hoa kỳ và Nhật Bản kết thúc và TPP kết thúc toàn diện.

- Theo ông, đâu là nút thắt khiến không khí của ngày họp cuối cùng này căng thẳng nhất?

Thời điểm nút thắt nhất là lúc các bên tìm kiếm thời gian bảo hộ cho vấn đề độc quyền dữ liệu thử nghiệm cho sinh dược.

Nhưng đến chiều mùng 4, khi chúng tôi nhận thấy rằng các nước đã thống nhất về vấn đề đó, tất cả đều biết sẽ có thỏa thuận đàm phán TPP.

- Tôi được biết thỏa thuận về dệt may thì Việt Nam đã đạt được khá sớm và khá thuận lợi, ông có thể tiết lộ một chút cụ thể như nào?

Thỏa thuận dệt may chúng ta đạt được vào đúng nửa đêm ngày mùng 4, rạng sáng mùng 5. Thỏa thuận đó theo tôi là thỏa thuận cân bằng, có lợi cho Việt Nam đồng thời cũng có thuận lợi cho tất cả các nước tham gia hiệp định.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của đoàn Việt Nam trong những ngày cuối cùng để góp phần là nên sự thành công của TPP?

Chúng ta đã nỗ lực cùng các nước làm nên kết quả các cuộc đàm phán, nỗ lực cùng tất cả các nước làm nên vấn đề đa phương đó là đóng góp to của đoàn đàm phán Việt Nam, đặc biệt là vai trò của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng lần này tham gia hội nghị Alanta đã có cuộc gặp rất quan trọng với một số bộ trưởng ví dụ như Bộ trưởng Mexico, Hoa Kỳ, Đại sứ Roma, trong tất cả các cuộc gặp cấp bộ trưởng đó, Bộ trưởng Hoàng đã cùng các đối tác của mình xác định, thỏa thuận các nguyên tắc lớn dựa trên cơ sở các nguyên tắc lớn đó chúng tôi mới có thể đàm phán ở phía dưới được.

- Các thành viên TPP kỳ vọng sẽ ký chính thức vào thời điểm nào?

Chúng tôi kỳ vọng chính thức ký kết hiệp định vào khoảng cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1/2016.

- TPP là hiệp định tiêu chuẩn rất cao, trong khi Việt Nam lại nước nghèo nhất trong các nước thành viên TPP và năng lực cạnh tranh thấp hơn rất nhiều. Vậy chúng ta có bất lợi trong TPP hay không?

Không ngại. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta hội nhập kinh tế quốc tế. Nếu như tính từ lần đầu tiên chúng ta tham gia vào ASEAN, trong hành trang của chúng ta đã có 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế.

Sau đó đến năm 2000, chúng ta ký Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, đến năm 2006, gia nhập WTO. Và đến bây giờ, 2015, chúng ta ký hiệp định TPP. Chúng ta tự tin để bước vào hội nhập.

- Theo ông điều gì khiến cho TPP trở thành một mốc lịch sử?

Rất nhiều bộ trưởng các nước đàm phán TPP đều cho rằng đây là hiệp định mang tính lịch sử, cá nhân tôi nhận thấy rằng TPP là hiệp định cũng có tính bước ngoặt bởi vì đây là khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay bao gồm 12 quốc gia, trước nay chỉ có ASEAN là khu vực chỉ có 10 nước.

Hơn nữa đây là khu vực thương mại tự do chiếm hơn 40% kinh tế toàn cầu, 30% thương mại toàn cầu Khi có một khu vực thương mại tự do rất lớn như vậy đó là một thời khắc phải nói là rất quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn