GS Tạ Ngọc Đôn - Vụ trưởng Vụ khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) cho hay, vừa qua, 4 đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT làm việc với 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng, 2 trường đại học sư phạm trọng điểm, 10 trường đại học thuộc các khối, ngành, khu vực khác nhau và 3 trường đại học ngoài công lập.
Bộ GD&ĐT đều thu nhận được ý kiến mong muốn nhà nước quan tâm, thúc đẩy các chính sách phát triển khoa học và công nghệ.
3 cơ chế chính sách trong các cơ sở giáo dục đại học được nêu ra lấy ý kiến gồm: Xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh; Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (cho giảng viên); Đầu tư phòng thí nghiệm gắn với chương trình nghiên cứu) mà Vụ Khoa học; Công nghệ và Môi trường được giao chủ trì xây dựng.
Các ý kiến thu được đều thể hiện sự quan tâm tới cả ba chính sách này và cho rằng rất cần thiết cho các trường đại học hiện nay.
Đối với chính sách phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, GS Tạ Ngọc Đôn cho biết có 258 ý kiến cá nhân đóng góp cho nhiều nội dung khác nhau; trong số này có đến 256 ý kiến khẳng định sự cần thiết xây dựng chính sách.
Ngoài ra, các ý kiến tập trung góp ý cho tiêu chí nhóm nghiên cứu mạnh; tiêu chuẩn trưởng nhóm nghiên cứu mạnh và 2 thành viên chủ chốt; chế độ ưu đãi với nhóm nghiên cứu mạnh; thủ tục công nhận và công nhận lại nhóm nghiên cứu mạnh…
Đối với chính sách đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, có 203 ý kiến cá nhân đóng góp nhiều nội dung khác nhau và 100% khẳng định sự cần thiết xây dựng chính sách.
Cùng với đó, các ý kiến tập trung góp ý liên quan đến việc hướng tới xếp hạng cơ sở giáo dục ĐH theo đổi mới sáng tạo; chương trình bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới sáng tạo cho giảng viên; gắn kết chuyển giao công nghệ với đổi mới sáng tạo; tăng cường hợp tác đại học và doanh nghiệp.
Các ý kiến đồng thời quan tâm tới vấn đề sở hữu trí tuệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo cho giảng viên; vấn đề tài trợ, tài chính; mô hình Trung tâm khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo trong trường đại học…
Đối với đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giảng viên, theo GS Tạ Ngọc Đôn, bên cạnh Quyết định 844/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" và Quyết định 1665/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ GD&ĐT chủ trương xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học mà đối tượng chính là các nhà khoa học và các giảng viên.
Về chính sách này, các ý kiến tham luận tập trung vào giải pháp làm thế nào để đưa các ý tưởng sáng tạo của các nhà khoa học vào thực tiễn? Làm thế nào để thu hút được kinh phí tài trợ cho phát triển các kết quả nghiên cứu từ các ý tưởng sáng tạo của giảng viên? Làm thế nào để gắn kết nhà khoa học trong trường đại học với doanh nghiệp tiếp nhận đầu tư chuyển giao công nghệ từ kết quả nghiên cứu sáng tạo?
Làm sao để các nhà khoa học có công nghệ và sản phẩm mới có thể xây dựng thành công doanh nghiệp của chính mình trong trường đại học nơi họ công tác? Vấn đề sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và chủ sở hữu các giải pháp kỹ thuật được bảo hộ và được chuyển giao vào thực tiễn?
Những ý kiến này được Bộ GD&ĐT nghiêm túc tiếp thu để hoàn thiện 3 dự thảo về xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu mạnh; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (cho giảng viên); đầu tư phòng thí nghiệm gắn với chương trình nghiên cứu. Những dự thảo này sau khi hoàn thiện sẽ được công khai rộng rãi để xin ý kiến góp ý của nhân dân.
Nói về cơ sở đề xuất 3 chính sách trên, GS Tạ Ngọc Đôn cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH có quy định: “Nhà nước tập trung đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong cơ sở giáo dục ĐH phục vụ phát triển đất nước; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ nghiên cứu ngang tầm khu vực và quốc tế”.
Bình luận