Robert Morin là người làm công việc sắp xếp các thư mục trong thư viện với 18 năm kinh nghiệm. Trong suốt quãng thời gian từ năm 1979 – 1997, ông đã xem trên 22.000 bộ phim – trung bình 3 phim mỗi ngày. Morin cũng đọc những cuốn sách xuất bản ở Hoa Kỳ từ năm 1930 đến năm 1938, ngoại trừ sách giáo khoa, sách thiếu nhi và sách dạy nấu ăn.
Những thói quen ấy là một phần trong lối sống tiết kiệm của ông. Ông chỉ tiêu một chút tiền cho thực phẩm và quần áo. Khi ông qua đời ở tuổi 77 vào tháng 3/2015, ông đã tích luỹ được một số tiền lớn lên tới 4 triệu USD trong tài khoản tiết kiệm.
Và ông đã để lại tất cả số tiền ấy cho Đại học New Hampshire, nơi ông từng làm việc. Trường New Hamsphire đã công bố về sự hiến tặng này vào hồi cuối tháng 8, sau khi được sự chấp thuận của toà án chứng thực di chúc.
Tuy nhiên vài tuần sau, câu chuyện lại được làm nóng lên bởi chính các sinh viên về cách sử dụng số tiền này của lãnh đạo trường. Nhiều người cho rằng, cách chi tiêu số tiền hiến tặng của trường không phù hợp và không góp phần vào việc duy trì và phát triển tình yêu suốt đời của Morin dành cho sách.
Morin đã làm việc tận tuỵ cho thư viện và ngôi trường mà ông đã tốt nghiệp vào năm 1963. Ông làm việc như một người săp xếp các danh mục trong thư viện Diamond của trường gần 50 năm qua và là một người quen thuộc với tất cả sinh viên trong trường.
Khu vực gần thư viện là nơi ông đặc biệt yêu thích. “Ông hút một chiếc tẩu, thường xuất hiện ở sân trước của thư viện và đặc biệt là rất thích nói chuyện với sinh viên”, Erika Mantz – một người đại diện của trường chia sẻ. “Và ông ấy cũng rất tận tâm với những sinh viên làm việc trong thư viện của chúng tôi”.
Theo như Mantz viết trong email gửi cho tờ Huffington Post thì “toàn bộ cuộc sống của ông ấy là thư viện”.
Thật dễ hiểu khi ông chỉ định rõ một số tiền dành cho toà nhà nơi mà ông đã dành nhiều thời gian để viết miêu tả cho những chiếc đĩa DVD.
Trong số 4 triệu USD thì 100.000 USD được dành cho thư viện Dimond. Một chiếc tràng kỷ bên ngoài thư viện hiện đang được gắn tên của ông.
Phần lớn số tiền được nhà trường đầu tư cho cơ sở vật chất trong trường: 2,5 triệu USD để mở rộng trung tâm nghề nghiệp sinh viên; 1 triệu USD được chi để mua một tấm bảng video tại Sân vận động Wildcat của trường.
Một thông cáo báo chí của trường viết: “Trong 15 tháng cuối cùng, Morin sống trong một trung tâm sinh hoạt nơi ông đã xem những trận bóng đá trên truyền hình, hiểu về luật chơi và tên của các cầu thủ cũng như đội bóng”.
Tuy nhiên, với những người khác thì một tấm bảng thông báo tỷ số trị giá 1 triệu đô ở sân vận động không phải là ý nguyện của một người có lối sống giản dị như Morin.
Claire Cortese, một sinh viên của New Hampshire đã viết: “Dường như nhà trường cho rằng chi 1 triệu USD là cho khoa thể thao thì có ý nghĩa hơn 100.000 USD cho thư viện, thậm chí là sau khi đã chi tới 25 triệu USD cho việc cải tạo sân vận động”.
Cortese than thở rằng, ngân quỹ đang chi quá nhiều tiền cho sân vận động trong khi trường vẫn đang thiếu chỗ đậu xe, phòng tối để chụp ảnh thì thiếu nước.
Nhiều người chỉ trích đã lên Facebook của trường để bày tỏ quan điểm của mình.
Trên Blog Title IX, Kristine Newhall viết: “Là một cựu sinh viên của trường, là một người quan tâm tới thể thao, là một nhà giáo dục và vận động cho giáo dục, tôi thất vọng về việc chi 1 triệu USD để mua một chiếc bảng thông báo tỷ số cho sân vận động mới”.
Thể thao trong trường đại học đang trở thành một vấn đề gây tranh cãi khi học phí tiếp tục tăng nhanh hơn lạm phát. Theo các báo cáo vào tháng 10/2015, một số trường đại học hiện thu phí bắt buộc để hỗ trợ cho hoạt động thể thao. Các chương trình thể thao lớn nhất ở đại học có thể tạo ra doanh thu khổng lồ nhưng cũng tiêu tốn nhiều tiền để mở rộng cơ sở vật chất, thuê huấn luyện viên, nhân viên và các chi phí khác.
“Một triệu đô đã mất trong cuộc chạy đua vũ trang bóng đá này”, Newhall viết. “Với một ngôi trường không được biết đến về thành tích nổi trội trong môn bóng đá thì đây là một sự lãng phí”.
Bình luận