Trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình TVB hôm 12/6, trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga phản đối những người biểu tình đã tổ chức “một cuộc bạo loạn” và nói bà sẽ không đáp lại yêu cầu rút dự luật dẫn độ.
Bà Lâm chỉ trích những người tham gia cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố xung quanh trụ sở cơ quan lập pháp. "Rõ ràng, đây không còn là một cuộc tụ tập ôn hòa, mà là một sự bạo loạn được tổ chức. Đây không thể là một hành động thể hiện tình yêu dành cho Hong Kong. Kể từ chiều 12/6, một số người đã dùng đến các hành vi nguy hiểm, thậm chí có thể gây tử vong. Chúng bao gồm gây hỏa hoạn, sử dụng các thanh sắt mài nhọn và gạch đá tấn công các sĩ quan cảnh sát, cũng như phá hủy các cơ sở công cộng".
Bà nói những hành động như vậy đe dọa nghiêm trọng đối với sự an toàn của cư dân bình thường, những người trẻ tuổi đang có kế hoạch thể hiện quan điểm của họ một cách hòa bình, các nhà báo, cảnh sát và công chức.
Bà Lâm cho biết bà hiểu rằng có nhiều quan điểm khác nhau về dự luật dẫn độ. "Nếu cực đoan và bạo lực có nghĩa là đạt được mục đích của họ, những cảnh này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn mang lại tác hại cho Hong Kong", bà nói, kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh.
Khi được hỏi liệu bà có rút dự luật không, bà Lâm nói: "Vấn đề này gây tranh cãi là không thể chối cãi. Giải thích (dự luật) và giao tiếp sẽ hữu ích, nhưng chúng ta có lẽ không thể loại bỏ hoàn toàn những lo lắng hoặc tranh cãi này."
"Để sử dụng một phép ẩn dụ, tôi cũng là một người mẹ, tôi có hai đứa con trai. Nếu tôi để chúng làm như chúng muốn mỗi khi con trai tôi hành động như vậy, chẳng hạn như khi nó không muốn học, mọi thứ có thể ổn giữa chúng tôi trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tôi nuông chiều hành vi bướng bỉnh của nó, nó có thể hối hận khi lớn lên. Sau đó, nó sẽ hỏi tôi: ‘Mẹ, tại sao lúc đó mẹ không nhắc nhở con?'"
Bà bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng bà đã "phản bội" Hong Kong với dự luật này. "Làm sao tôi có thể? Tôi lớn lên ở đây với tất cả những người Hong Kong khác. tình yêu của tôi dành cho nơi này đã thôi thúc tôi phải hy sinh nhiều thứ" - đặc khu trưởng Hong Kong nói trong nước mắt.
"Tôi có một người chồng ở nhà, người không quan tâm đến chính trị hay các vấn đề toàn cầu. Đây là những gì ông ấy nói - 'Sao bà có thể bán Hong Kong được? Vấn đề bà gặp phải, đó là sau khi trở thành trưởng đặc khu, bà đã bán mình cho Hong Kong."
Bà Lâm cho biết thêm dự luật là chính sách riêng của chính quyền Hong Kong, không liên quan Bắc Kinh.
Khi được hỏi liệu bà có nghĩ rằng dự luật cung cấp đòn bẩy cho Mỹ trong căng thẳng thương mại với Trung Quốc hay không, bà Lâm nói thời điểm là một sự trùng hợp ngẫu nhiên và việc cuộc chiến thương mại làm tình hình trở nên phức tạp hơn nằm ngoài dự đoán của bà.
Bà không bình luận về những ý kiến rằng có những lực lượng nước ngoài can thiệp vào dự luật, khi mà Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại.
"Những gì tôi có thể nói là một số nước phương Tây - mức độ quan tâm mà họ thể hiện là điều mà tôi chưa từng thấy trước đây".
Trong khi đó, sau phát biểu của bà Lâm, nhiều ý kiến cho rằng bà Lâm đã sử dụng "nước mắt cá sấu" trên truyền hình khi phớt lờ dư luận và sự thật là có hơn một triệu người đã xuống đường biểu tình hôm 9/6. Cậu chuyện bà ví về cách giáo dục con cái cũng bị chỉ trích là không thích hợp khi đánh đồng việc nghe ý kiến dư luận là "nuông chiều" hành vi bước bỉnh của những đứa trẻ.
Theo Reuters, Hong Kong sẽ đóng cửa các văn phòng chính quyền đến hết tuần sau một ngày biểu tình bạo lực phản đối dự luật dẫn độ. Sáng sớm ngày 13/6, chỉ một số ít người biểu tình vẫn ở lại các khu vực biểu tình trên đường phố khi một cuộc dọn dẹp rộng rãi xung quanh cơ quan lập pháp diễn ra.
Cảnh sát đã bắn đạn cao su, hơi cay vào một loạt các cuộc đụng độ ngày 12/6 để giải tán người biểu tình xung quanh các tòa nhà cơ quan lập pháp. Đây là một trong những vụ bạo lực tồi tệ nhất ở Hong Kong. Bệnh viện Hong Kong cho biết 72 người đã phải nhập viện, tính đến 10h tối 12/6.
Vẫn chưa có thông tin về việc các cuộc thảo luận dự luật dẫn độ có được tiếp tục hay không và tiếp tục vào thời gian nào.
Bình luận