• Zalo

Trường chất lượng cao: Nên mở cửa cho tư nhân làm

Giáo dụcThứ Sáu, 10/06/2016 15:18:00 +07:00Google News

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc đầu tư xây hàng loạt các trường công lập chất lượng cao với số vốn hàng trăm tỷ đồng đang tạo ra sự bất bình đẳng vì vậy nên mở cử để khuyến khích tư nhân làm.

Chạy trường, chạy lớp

Cứ đến mỗi mùa tuyển sinh, vấn đề “chạy trường, chạy lớp” lại được các phụ huynh bàn tán xôn xao trên các diễn đàn mạng. Nhiều người còn chia sẻ với nhau cách để ‘chạy’ vào các trường điểm với chi phí hàng nghìn USD.

Khoảng chục năm nay, phụ huynh thường nhắm vào  những trường điểm đã có tiếng. Thì nay với sự xuất hiện của các trường công lập chất lượng cao, phụ huynh lại có thêm mục tiêu "hot".

chay truong

Vấn nạn "chạy trường, chạy lớp" lại nóng các diễn đàn mùa tuyển sinh

Đơn giản vì những trường công lập chất lượng cao có học phí không quá cao nhưng con em lại được học tập trong những ngôi trường khang trang, hiện đại. Trước đây, điều kiện cơ sở vật chất khang trang vốn chỉ có những trường tư thục mới đáp ứng được.      

Nghị quyết số 15/2013/NQ-HĐND ban hành ngày 17/7/2013 xác định tới năm 2015 xây dựng khoảng 30-35 trường CLC trên địa bàn thành phố, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của con em nhân dân.

Bàn về vấn đề này, một chuyên gia giáo dục băn khoăn: “Tại sao Hà Nội lại chỉ có 30 trường công lập chất lượng cao (CLC) với mức học phí lên đến hơn 3 triệu đồng/tháng mà không phải tất cả trường đều là CLC. Nhà nước chỉ đầu tư cho một số trường, còn những trường khác thì sao?”.

Vì vậy, thực tế sẽ xảy ra sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với tất cả các học sinh. Nhiều người cũng băn khoăn khi nghĩ đến việc tương lai sẽ có một lứa công dân “chất lượng cao” và những “công dân cấp thấp” vì chủ trương này. Điều này khiến trẻ em cũng tự phân biệt giàu nghèo.

Vì vậy, vị chuyên gia này băn khoăn khi nhà nước đang hướng đến sự bình đẳng trong giáo dục nhưng chính chính sách này lại đẩy mạnh khoảng cách giàu nghèo. Đáng ra, khoảng cách này phải được hạn chế tối đa trong môi trường giáo dục. Việc người dân đóng góp thuế cho nhà nước như nhau thì sự hưởng thụ sao lại khác nhau?

“Với mức sống của người dân như hiện nay, nói thực, trường công lập CLC chỉ phục vụ cho những nhà có điều kiện”, vị chuyên gia này nêu quan điểm.

thcs-nam-tu-liem-2

Trường chất lượng cao THCS Nam Từ Liêm

Trước đó, trả lời báo chí, GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phân tích trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lương tối thiểu còn thấp mà lại tăng học phí thì sẽ gây rất nhiều khó khăn cho những phụ huynh muốn cho con mình học được lớp chất lượng cao này.

"Nhưng tôi không hiểu trong khi nhà nước đang thực hiện phổ cập bậc tiểu học và trung học thì sao lại có trường công lập chất lượng cao thu học phí cao trong hệ thống trường công?”, GS Nhĩ đặt câu hỏi.

GS Nhĩ cũng cho rằng, chủ trương của nhà nước là phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục trong hệ thống trường công, nghĩa là trường nào cũng phải làm cho nó tốt hơn, chứ không phải đầu tư vào một số trường nào đó đề mà thu tiền học phí cao.

Như vậy sẽ tạo tâm lý mất bình đẳng đối với học sinh ngay trong hệ thống trường công lập. Đi ngược với chủ trương giáo dục.

Ông Nhĩ cho rằng nhà nước thu tiền thuế từ người dân để duy trì trường công thì nhà nước phải sử dụng nguồn thuế đó để đầu tư trở lại. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không đồng tình có chuyện trong trường công mà lại có trường chất lượng cao hay chất lượng thấp. Đó là điều không hợp lý.

Nếu trong trường hợp nhà nước không đủ sức đầu tư cho tất cả các trường công lập thành chất lượng cao thì nên mở cửa cho hệ thống trường tư làm.

Vị chuyên gia này đề nghị tạo điều kiện để các trường tư thục phát triển mô hình trường CLC, hãy cho họ thuê đất, cho vay vốn và hỗ trợ về thuế.

Nhà đầu tư sẽ được ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp, được thuê đất, ưu đãi thuế… với điều kiện phải cam kết về chất lượng dạy học. Ai có tiền thì cho con vào học các trường này.

Bên cạnh đó, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi còn có thể được hưởng học bổng. Học sinh ở đâu, dù học tốt vẫn được học trường CLC chứ không phải con nhà giàu, có tiền là được vào học, con nhà nghèo thì không.

Quy hoạch thế nào?

Trong khi đó, một nhà đầu tư giáo dục cho rằng cho rằng, một số quận huyện của Hà Nội đang vin vào Luật thủ đô để xây quá nhiều trường chất lượng cao nhưng không rõ quy hoạch cụ thể.

thcs-nghia-tan-

THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy) được đầu tư xây dựng lên tới 350 tỷ đồng được khánh thành năm 2014 

“Ai có thể trả lời được vấn đề quy hoạch và phân bổ trường chất lượng cao cho từng quận huyện như thế nào. Có quận nhiều trường chất lượng cao, quận lại ít trường cũng gây ra những sự bất bình đẳng nhất định”.

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng khi áp dụng Luật Thủ đô cũng cần có sự nghiên cứu, quy hoạch, đánh giá cho phù hợp.

“Nếu làm như hiện nay thì có đúng tinh thần của luật Thủ đô không? Liệu có phát triển ồ ạt để biến những trường chất lượng cao thành trường “đại trà”.

Bên cạnh đó, một chuyên gia giáo dục cũng "ví von" những trường chất lượng cao “sinh ra đã được làm vua”.

Trong khi đó, một trường học bình thường phải mất hàng chục năm phấn đấu, liên tục đầu tư về chất lượng cơ sở vật chất, giáo viên… thì mới đạt được chất lượng cao.

Điều 12, khoản 3, Luật Thủ đô nêu: “Xây dựng một số cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô theo các tiêu chí về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, phương pháp giảng dạy và dịch vụ giáo dục. Việc theo học tại các cơ sở giáo dục chất lượng cao theo nguyên tắc tự nguyện”.

Tuy nhiên, ngay trong luật Thủ đô cũng không quy định rõ mỗi quận huyện sẽ xây dựng bao nhiêu trường chất lượng cao ở các cấp học là phù hợp.

 Vì vậy, điều này sẽ dẫn tới tình trạng không đồng đều giữa các quận huyện, các phường trong cùng một quận.

Trong khi đó, điều 12, khoản 1, Luật Thủ đô cũng nêu: Thực hiện phổ cập và phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đạt chuẩn quốc gia; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô theo quy hoạch”.

Nếu không có một quy hoạch rõ ràng, chi tiết thì những nhà đầu tư giáo dục rất khó khăn trong việc đầu tư để chung tay với nhà nước nâng cao chất lượng giáo dục.

“Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo TP Hà Nội cần phải có những buổi làm việc cụ thể để rà soát các tiêu chuẩn đánh giá cho cụ thể hơn, quy hoạch các trường chất lượng cao phù hợp”, vị chuyên gia này kiến nghị.

tieu-hoc-nam-tu-liem

Trường tiểu học Nam Từ Liên cũng là một trường chất lượng cao của Quận Nam Từ Liêm  

Trong khi đó, bà Vũ Hồng Loan – Phó trưởng phòng Giáo dục Quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) – một trong những quận có nhiều cơ sở giáo dục điểm của thành phố cho biết quận có 10 phường thì các phường đã thống nhất với nhau về địa bàn tuyển sinh.

Với các trường dân lập, bà Loan cho biết không chỉ ở Quận Nam Từ Liêm quản lí, các trường này cũng đã làm báo cáo về kế hoạch tuyển sinh cho Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội. Các trường này cũng cam kết không thi tuyển đầu cấp.

Clip: Tranh cãi gay gắt chuyện "chạy trường, chạy lớp" mùa tuyển sinh

Bà Loan cũng tâm sự, trường học cũng không khác gì một doanh nghiệp, nếu thu hút được đông số lượng khách hàng thì đó là điều đáng mừng.

“Chúng ta có con đi học luôn luôn hướng tới trường tốt, đó là xây dựng một trường thương hiệu. Chúng tôi cũng đang hướng tới tất cả các trường ở quận Nam Từ Liêm cố gắng xây dựng được thương hiệu cho mình.” bà Loan chia sẻ.

Bà Loan cho biết, quận Nam Từ Liêm phấn đấu trong năm học mới có đầy đủ cơ sở học tập công lập cho học sinh trên địa bàn. Hiện tại, quận Nam Từ Liêm đang có kế hoạch xây dựng bổ sung thêm một số trường tiểu học và THCS.

Phường Xuân Phương sẽ được bổ sung xây dựng thêm một trường tiểu học và THCS, phường Mỹ Đình đang xây dựng một trường THCS.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng ngay tại Quận Nam Từ Liêm vẫn đang trong quá trình xây dựng bổ sung các trường công lập để đảm bảo cho học sinh được học tập đầy đủ thì cũng ở quận này đầu tư cho hai trường chất lượng cao, với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng.

“Vậy có lãng phí hay không khi tập trung đầu tư cho chất lượng cao trong khi địa phương vẫn đang thiếu trường? Liệu ngân sách nhà nước có lãng phí”, một chuyên gia nêu ý kiến.

Về câu chuyện này, bà Vũ Hồng Loan cho biết việc xây dựng hai trường chất lượng cao là tiểu học và THCS Nam Từ Liêm không phải ở thời điểm này, mà hai trường này đã có từ khi Quận Nam Từ Liêm chưa được tách (lúc đó là huyện Từ Liêm).

Thời điểm đó, các xã của huyện Từ Liêm đã đủ trường công ở các cấp học. Tuy nhiên, khi tách thành hai quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm thì các phường chưa đủ số lượng trường công theo quy định.

Bà Loan cho biết việc xây dựng các trường chất lượng cao là thực hiện theo Luật Thủ đô.

Luật Thủ đô yêu cầu mỗi một quận, huyện trên địa bàn thành phố thì cố gắng xây dựng ít nhất mỗi một cấp học có một trường chất lượng cao. Huyện Từ Liêm lúc đó đủ điều kiện và làm tờ trình báo cáo UBND Thành phố Hà Nội.

Như vậy, việc đầu tư trường công lập chất lượng cao là kết quả của quá khứ chứ không phải tại thời điểm hiện tại.

Hiện trên địa bàn Quận Nam Từ Liêm có một số trường tư có chất lượng như Đoàn Thị Điểm, Quốc tế Việt-Úc Hà Nội, Lê Quý Đôn, Marie Curie. Như vậy, nhiều người cho rằng với sự đầu tư ngân sách cho trường chất lượng cao như vậy đối với một quận đang nhiều trường tư chất lượng liệu có hợp lý.

Lý giải điều này, bà Loan cho rằng, các trường dân lập đóng trên địa bàn không chỉ đào tạo cho học sinh của địa phương mà còn cho cả thành phố Hà Nội.

“Trách nhiệm của lãnh đạo Quận Nam Từ Liêm là phải chăm lo cho con em của địa phương để có nhu cầu học tập tốt nhất. Hầu như các trường dân lập tốt nhất của thành phố đều nằm trên Quận Nam Từ Liêm, nhưng họ đều hướng tới hội nhập quốc tế.” bà Loan cho biết.

Rõ ràng, một số bất cập giữa việc đầu tư trường công, trường tư vẫn đang xảy ra thực tế trên địa bàn Thủ đô đòi hỏi cần có sự phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP Hà Nội để có sự quy hoạch cho phù hợp.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn