Sáng 24/12, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Tham dự Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan chủ quản báo chí; cơ quan báo chí Trung ương và địa phương; đại diện lãnh đạo các Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố…
Phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên vi phạm pháp luật có dấu hiệu gia tăng
Theo Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, tính đến ngày 30/11/2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo thực hiện hai loại hình, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PT-TH với 2 đài quốc gia (VOV, VTV)…
Năm 2021, công tác thông tin trên báo chí đã chủ động, kịp thời, đạt hiệu quả trong tuyên truyền về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt, nhiều thông tin thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thống nhất nhận thức và tạo sự đồng thuận xã hội.
Xu thế tất yếu là chuyển đổi số, do đó, nhiều cơ quan báo chí đã bắt đầu thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, thực hiện các mô hình kinh doanh báo chí mới để đa dạng hóa nguồn thu, giảm lệ thuộc vào các nền tảng xuyên biên giới, vào doanh thu quảng cáo. Nhận thức về chuyển đổi số báo chí đã rõ nét, thể hiện bằng việc ban hành các kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số…
Tuy nhiên, công tác báo chí năm 2021 cũng còn một số hạn chế, trong đó, sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý với cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời; một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; tình trạng phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, có dấu hiệu gia tăng.
Thông tin trên báo chí có nội dung chưa bao quát, chưa toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội, nhất là đối với một số tạp chí thuộc các hội, viện, còn nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội, việc giật "tít" phản cảm, sai lệch bản chất chưa có nhiều chuyển biến.
Quy hoạch báo chí là để phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong 2 năm qua, điểm nhấn của Việt Nam được ghi nhận trên trường quốc tế là lòng tin của nhân dân vào chính phủ, các biện pháp phòng chống dịch của cơ quan chức năng, dù ngay thời điểm căng thẳng nhất, hệ thống y tế tại TP.HCM bị quá tải, thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt. Trong đó có vai trò không thể thiếu của truyền thông.
“Tại thời khắc dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM, hệ thống y tế quấ tải, đôi lúc chúng ta lúng túng nhưng sau cùng nhân dân vẫn tin vào chủ trương, chính sách, biện pháp chống dịch của Đảng và Nhà nước. Có được điều đó nhờ sự đóng góp rất lớn của truyền thông. Đây là một sự thật không ai nói khác được”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Nói về việc sắp xếp quy hoạch báo chí, Phó Thủ tướng cho hay, ta đã làm được một bước, thực chất bên trong là một quá trình, không thể nóng vội.
Kết quả sau 3 năm thực hiện quy hoạch báo chí đã giảm được 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở Trung ương, giảm được 31 cơ quan báo chí thuộc các địa phương.
Đến nay, cả nước đã giảm được 70 cơ quan báo so với năm 2019 (có khoảng 195 cơ quan báo), tương đương giảm 36% tổng số cơ quan báo trên cả nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng khẳng định quy hoạch không phải là cắt xén cơ học mà là để báo chí phát triển, quy hoạch là để tiếng nói của người dân đến với chính quyền nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Để cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong bối cảnh công nghệ phát triển, mạng xã hội phát triển như hiện nay, để đấu tranh với thông tin sai trái, xấu độc không còn con đường nào khác là các cơ quan phải chủ động minh bạch thông tin một cách nhanh nhất.
Nói về chuyển đổi số trong báo chí, ông Vũ Đức Đam cho rằng, ngoài chuyển đổi tư duy của cấp lãnh đạo thì có một điều rất quan trọng đó là dữ liệu, “dữ liệu là sống còn”. Bên cạnh đó là năng lực xử lý dữ liệu và kết nối dữ liệu. Các đơn vị cần tạo điều kiện thông thoáng trong việc kết nối dữ liệu.
Báo điện tử là mặt trận mới của báo chí truyền thống
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, từ tháng 4/2021 đến nay, thế giới đánh giá Việt Nam là nước đứng thứ 3 trên thế giới về tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.
“Một ngày, Việt Nam tiêm được hơn 1 triệu liều vaccine trong khi các nước phát triển tiên tiến cũng không thể làm được. Làm được điều đó là nhờ công tác truyền thông, là sự vào cuộc của y tế và sự chỉ đạo xuyên suốt của cả hệ thống chính trị để đạt được sự đồng thuận cao của người dân. Đây là điểm nhấn cũng như bài học mà trong năm 2022 báo chí tiếp tục phát huy hơn nữa. Ngoại giao COVID-19 là thế trận thành công của Việt Nam trong nước cũng như với thế giới”, ông Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa báo chí với công tác lý luận, văn học nghệ thuật, trong đó báo chí thực hiện sứ mệnh tiên phong, cả đối nội và đối ngoại. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã tạo hiệu ứng tích cực với dư luận quốc tế, trong đó có cuộc thi “Hát lên Việt Nam” do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức vừa qua.
“Người dân hiện nay rất muốn thông tin tốt, chán ghét thông tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật. Đây là lúc báo chí truyền thông tạo sự lành mạnh trên không gian mạng. Đặc biệt báo điện tử là cánh tay nối dài, là mặt trận mới của báo chí truyền thống nên cần tập trung làm tốt hơn. Các chuyên trang, chuyên mục mở ra cần truyền tải thông điệp văn hóa và đi vào cuộc sống ngay trong mùa xuân năm 2022 này”, ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, năm 2022 là năm có ý nghĩa nền tảng, bản lề trong việc triển khai thực Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy kết quả năm 2021, nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, tiếp tục phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong giai đoạn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Quan tâm công tác xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí. Bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo.
Dịp này, Ban Tuyên giáo Trung ương tặng bằng khen cho các cơ quan, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác báo chí năm 2021, trong đó có Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam.
Bình luận