Sau chiến thắng 2-1 trước Brazil, thủ thành Thibaut Courtois của Bỉ mỉa mai thái độ thi đấu của đối thủ khi cho rằng "Brazil đá cứ như thể họ vô địch World Cup rồi". Một câu nói có thể khiến người Anh giật mình, bởi trong ít ngày qua, truyền thông Anh đang vẽ nên bức tranh lạc quan cho đội tuyển cứ như thể họ đã... vào đến chung kết.
Thắng Colombia trên chấm luân lưu, Anh hả hê không chỉ bởi xóa bỏ được "lời nguyền" độc địa suốt 28 năm, mà "Tam Sư" còn lạc quan vì lý do khác. Trong khi Pháp, Bỉ, Brazil đại chiến ở nhánh bên kia, các học trò của HLV Gareth Southgate chỉ phải đương đầu với những đối thủ nhẹ ký hơn hẳn. Nói nôm na, cùng gặp đội bóng áo vàng quần xanh ở tứ kết, song đội nhất bảng G là Bỉ phải gặp... Brazil, còn đội nhì bảng G là Anh được gặp Thụy Điển.
Đúng. Anh đang có nhánh đấu nhẹ nhàng và hứa hẹn hơn nhiều so với lần gần nhất lọt vào tứ kết World Cup (và chung nhánh với... Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Brazil, Hà Lan). Croatia, Nga, Thụy Điển đều không sánh được với "Tam Sư" trên lý thuyết. Lưu ý, là trên lý thuyết. Bởi ở kỳ World Cup vốn đã xảy ra quá nhiều bất ngờ, ranh giới mạnh - yếu bỗng dưng trở nên mong manh và khó đoán định.
Hãy nhìn thất bại của Đức, Tây Ban Nha, Argentina, Bồ Đào Nha hay Brazil đêm qua để thấy. Anh có thể vui khi các cường địch rời cuộc chơi, nhưng một kịch bản tương tự có thể xảy đến với họ bất cứ lúc nào. Sự lạc quan của Anh là có thể hiểu được, song giờ là lúc phải trở lại mặt đất.
Đây mới là vòng tứ kết
... chứ không phải bán kết hay chung kết. Nếu thế hệ của những Harry Kane, Jesse Lingard, Raheem Sterling muốn tạo nên "một điều gì đó" ở World Cup năm nay, vào tứ kết mới là đi được nửa chặng đường, giống như tư duy cốc nước "chỉ còn một nửa" hay "vẫn còn một nửa".
Nếu Anh chỉ đơn thuần đặt mục tiêu đi càng xa càng tốt, họ có thể tự hào vì đã vượt qua tới 2 cửa ải (vòng bảng và vòng 1/8). Còn đã hướng tới mục tiêu xa xôi hơn, hãy nhớ rằng trước mặt còn tới 3 thử thách mới chạm được tay vào ngai vàng.
Hơn ai hết, HLV Southgate hiểu được màn trình diễn của Anh từ đầu giải là chưa thuyết phục. Tunisia và Panama quá yếu. Trận thua Bỉ không đáng nói khi "Tam Sư" chủ trương buông. Do vậy, cuộc so tài với Colombia là thang đo tốt nhất cho thấy sức mạnh thật sự của đội bóng xứ sương mù.
Anh đã đá thế nào trong trận đấu này? Đừng để loạt luân lưu che mờ đi những khuyết điểm. Trước đối thủ suy yếu đi nhiều sau World Cup 2014, lại thiếu vắng "nhạc trưởng" James Rodriguez và chơi với cặp trung vệ trẻ nhất World Cup, Anh đã gặp vô vàn khó khăn. "Tam Sư" đã phải trả giá trong 120 phút hoặc sớm hơn là 90 phút nếu đối thủ tinh quái, lọc lõi hơn.
Điểm sáng của Anh trong trận đấu này hay cả giải đấu là gì? Rất khó nói. Đừng nói Anh giấu bài, bởi Kane cùng các đồng đội không dại gì chơi giữ sức trong bối cảnh còn không chắc chắn thắng được đối thủ.
Thụy Điển không phải "tay vừa"
Người Anh có 2 lý do để lo lắng. Thứ nhất, họ từng có quãng thời gian không thắng được Thụy Điển lên tới... 43 năm (từ năm 1968 đến năm 2011), xấp xỉ... nửa đời người. Đội bóng Bắc Âu là nỗi ám ảnh với "Tam Sư" trong cả lịch sử. Nhìn rộng ra, 20 lần so tài gần nhất, Thụy Điển cũng chiếm ưu thế so với Anh.
Thứ hai, cũng là lý do quan trọng nhất: Thụy Điển ở giải đấu này là một Thụy Điển không thể bị xem thường. Không còn Zlatan Ibrahimovic trong đội hình, song những "gã Viking" không cho thấy dấu hiệu suy yếu. Trái lại, Thụy Điển còn đoàn kết và mạnh mẽ hơn dưới sự dẫn dắt của HLV Janne Andersson. Để lọt vào tới tứ kết, Emil Forsberg cùng các đồng đội đã giành ngôi nhất ở bảng đấu có sự góp mặt của cả Đức và Mexico. Trên đường tới nước Nga, Thụy Điển từng đánh bại Pháp ở vòng loại và thắng Italia trong lượt đấu play-off.
Một đối thủ như thế, Anh sẽ phải cẩn trọng hơn nhiều so với Colombia.
Thụy Điển chơi bóng rất thuần Bắc Âu, dựa vào thể lực và thể hình của những "người khổng lồ" là chính, song ở giải đấu này, đội bóng áo vàng đã có những thay đổi trong cách thức tổ chức tấn công. Sự xuất hiện của Forsberg và Albin Ekdal cho phép Thụy Điển "mềm hóa" lối chơi và chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công với tốc độ chóng mặt, trong khi Ola Toivonen và Marcus Berg luôn sẵn sàng "đón lõng" phản công ở phía trên.
Muốn biết Thụy Điển phản công lợi hại thế nào, hãy hỏi Đức. "Cỗ xe tăng" phải hứng chịu tới 3 đợt công thành của Thụy Điển chỉ trong 45 phút đầu tiên và suýt phải nhận thất bại.
Trước hàng thủ không chắc chắn của Anh, đất diễn cho Thụy Điển để phản công là rất nhiều. Đội bóng Bắc Âu đã đối đầu với cả Italia, Pháp, Đức nên không lạ lẫm không khí trong những trận cầu đỉnh cao.
Trong khi đó, dù đã thành công phần nào với Anh khi dựng xây được một tập thể đồng đều, HLV Southgate cùng các học trò vẫn thiếu đi trải nghiệm gặp đội mạnh ở một sân chơi lớn. Anh đã đối đầu với Brazil, Pháp, Italia, song đó chỉ là giao hữu.
Mà từ giao hữu đến World Cup, một Brazil thắng như chẻ tre cũng có thể luống cuống gục ngã trước Bỉ. Xét về yếu tố kinh nghiệm đá trận cầu "đinh", Thụy Điển nhỉnh hơn Anh là vì thế.
“Trong 30 năm qua, có bao nhiêu lần tuyển Anh đánh bại được Thụy Điển? Chỉ có 2 lần mà thôi. Anh sẽ dễ dàng giành chiến thắng trước Brazil hơn là vượt qua Thụy Điển. Hiện tại, Thụy Điển là đội bóng rất khó bị đánh bại” - cựu HLV Sven Goran Eriksson nhận định.
“Khi Thụy Điển cần phòng ngự, các tiền đạo của họ có thể trở thành các hậu vệ và lui về sân nhà. Trong thời gian tôi dẫn dắt tuyển Anh, chúng tôi đã 4 lần gặp Thụy Điển. Chúng tôi để thua 1 trận còn các trận khác là hòa. Còn trước đó, Thụy Điển cũng thắng Anh ở những trận cầu lớn".
Sau cùng, những cuộc đối đầu trong nội bộ châu Âu ở World Cup năm nay luôn diễn ra rất khó lường. Tây Ban Nha bị Nga "hất cẳng" là ví dụ điển hình, hay Đức phải vất vả lắm mới thắng được Thụy Điển bằng pha lập công trong khoảng thời gian bù giờ. Càng hiểu nhau, các đội sẽ càng đá chặt chẽ và khó phân định thắng bại hơn. Kinh nghiệm cho thấy, được đá "cửa trên" ở World Cup chưa chắc đã là hay. Ít ai quên một Bỉ "cửa trên" trước Nhật Bản khác xa so với Bỉ "cửa dưới" trước Brazil như thế nào.
Nói tóm lại, Anh sẽ bước vào trận tứ kết với Thụy Điển với tư thế ngang bằng, không ai hơn ai. Đã vào đến đây, gặp đối thủ nào chỉ còn mang tính... tương đối. Quan trọng nhất, "Tam Sư" phải gạt bỏ được tâm lý "không vô địch năm nay thì biết bao giờ mới vô địch" hay "nằm nhánh đấu dễ thì phải đi sâu".
Mơ tưởng quá sớm đến trận chung kết sẽ khiến nhiều đôi chân không giữ được trên mặt đất, nhất là khi nhiều "sư tử trẻ" vẫn đang lâng lâng ngay khi mới vượt qua được vòng 1/8.
Bình luận