• Zalo

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh vừa bị khởi tố là ai?

Thời sựThứ Sáu, 06/04/2018 17:37:00 +07:00Google News

Trước khi được bổ nhiệm về Bộ Công an công tác, ông Vĩnh có thời gian dài làm việc ở Công an TP Nam Định, Công an tỉnh Nam Định.

vinh2

Trung tướng Phan Văn Vĩnh khi còn đương chức. (Ảnh: T.Q)

Ông Phan Văn Vĩnh sinh ngày 19/5/1955, tại thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Trước khi được bổ nhiệm về Bộ Công an công tác, ông Vĩnh có thời gian dài làm việc ở Công an TP Nam Định, Công an tỉnh Nam Định. Ông từng đảm nhiệm cương vị Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công an tỉnh Nam Định. Ông Vĩnh cũng là đại biểu Quốc hội khóa 12.

Ông Vĩnh thôi giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) từ tháng 4/2017 để nghỉ chế độ.

Trong sự nghiệp, ông Phan Văn Vĩnh được đánh giá là một vị tướng nổi tiếng trong chỉ đạo triệt phá tội phạm với danh tiếng oai hùng của Đội Cảnh sát Điều tra Thành Nam trong chiến dịch 135 tấn công tội phạm huyền thoại từ những năm 80 – 90 của thế kỉ trước.

Sau này, tướng Vĩnh ghi dấu ấn đậm nét khi từng là Trưởng ban điều tra nhiều chuyên án lớn như vụ thảm sát do Lê Văn Luyện (ở Bắc Giang) gây ra, vụ bắt "bầu" Kiên và đồng phạm, vụ thảm sát ở Bình Phước…

Nhiều ý kiến đánh giá, cái tên Phan Văn Vĩnh khi được nhắc đến đã trở thành "khắc tinh" của nhiều tên tội phạm nguy hiểm và khiến những người dân muốn tố giác tội phạm thêm vững tin vào công lý.

Oai hùng Đội CSĐT Thành Nam

Đội Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an Thành phố Nam Định chỉ tồn tại trong 9 năm (1989 - 1997) nhưng đội không chỉ là nỗi khiếp sợ của các băng nhóm lưu manh, giang hồ Nam Định mà từ đây, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ trưởng thành. Tướng Phan Văn Vĩnh là Thủ trưởng phụ trách Đội CSĐT này.

Nam Định những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỉ trước là thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam Ninh (gồm Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định). Ngày ấy, “giang hồ Nam Định” là một cụm từ đáng sợ nhất đối với bất cứ người dân lương thiện nào sinh sống trên đất Nam Định nói riêng và những vị khách có dịp phải đi qua Nam Định nói chung.

Vào thời điểm ấy, không chỉ ở Nam Định mà trên toàn quốc tình hình hình tội phạm hình sự cũng diễn biến phức tạp. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị 135/CT về tấn công các loại tội phạm, thiết lập lại kỷ cương xã hội. Thành phố Nam Định được chọn làm nơi thực hiện đầu tiên.

Trước yêu cầu trên, tháng 3/1989, Đội Cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định được thành lập trên cơ sở sát nhập Đội Điều tra xét hỏi, Đội Cảnh sát hình sự, Đội Cảnh sát kinh tế, Trại tạm giữ của Công an TP, đồng thời điều động tăng cường một số cán bộ tinh nhuệ trong Công an tỉnh. Biên chế của đội ban đầu là 87 đồng chí.

Trung tướng Phan Vĩnh thời điểm đó được điều động về làm Phó trưởng Công an TP Nam Định, đồng thời là Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, trực tiếp phụ trách đội. Nếu như Hà Nội bây giờ có Phòng CSHS "số 7 Thiền Quang" huyền thoại thì Nam Định ngày ấy có "54 Quang Trung".

5h ngày 27/9/1989, Công an TP Nam Định nổ tiếng súng đầu tiên mở màn "chiến dịch 135" trên toàn quốc.

Ngay trong ngày đầu tiên, Công an TP đã xóa sổ 8 băng cướp nguy hiểm, bắt 32 đối tượng, thu 5 súng các loại, 7 lựu đạn và hàng trăm viên đạn cùng nhiều lưỡi lê, dao, kiếm; bắt đưa đi tập trung giáo dục cải tạo gần 100 đối tượng hình sự nguy hiểm.

Đêm trước hôm mở màn Chiến dịch 135, Phó Trưởng Công an TP Nam Định Phan Văn Vĩnh đã thức trắng đêm. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ của Công an TP Nam Định cũng thế. Họ cùng Thủ trưởng của mình bí mật, khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị cho việc bắt giữ 39 đối tượng cộm cán, cầm đầu các băng nhóm.

Chiến dịch diễn ra cực kỳ nhanh gọn, bất ngờ. Bất ngờ đến nỗi, khi được mời lên cơ quan công an, các đối tượng vẫn tưởng là được gọi lên để giáo dục, răn đe như mọi lần.

Bằng cái uy và cái ân của mình, tướng Vĩnh khi đó đã phân tích cho những đối tượng này hiểu rõ mục đích của việc giáo dục cải tạo. Tất cả đều tâm phục khẩu phục, tự giác chấp hành. Chỉ trong ngày đầu tiên ra quân, lực lượng Công an TP Nam Định đã đưa được trọn vẹn cả 39 đối tượng đi tập trung cải tạo.

Ở giai đoạn 2 của “cuộc tổng tiến công tội phạm” này, Công an thành Nam vừa tấn công, vừa phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm. Cũng từ đó, phong trào “Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm” được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.

Video: Ông Nguyễn Thanh Hóa tham gia đường dây đánh bạc nghìn tỷ thế nào?

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn