• Zalo

Trung thu ngày trước tuổi thơ bây giờ

Tổng hợpThứ Năm, 01/09/2011 07:16:00 +07:00Google News

Đêm Trung Thu ở miền quê được hưởng đầy đặn nhất ánh trăng từ sân nhà mình. Mặt trăng trong vắt nhìn rõ hình cây đa có chú cuội nằm vắt vẻo trên cành cao...

   Đêm rằm là đêm ngày 15 giữa tháng Lịch Trăng.

Một năm có 12 đêm rằm.

Đêm rằm có Ông Trăng tròn to như cái nia dán lên bầu trời đêm đầy sao cao cao tỏa sáng muôn nơi. Sáng trăng dịu mát vô cùng.

Nhưng Ông Trăng tròn nhất là vào đêm Rằm Tháng Tám Lịch Trăng.

Tháng Tám là tháng giữa mùa thu. Vậy mới gọi là đêm Rằm Trung Thu.

Nói vậy thì dài dòng quá. Gọi ngắn là đêm Trung Thu. Rồi từ khi nào không hay cứ nói Trung Thu là thiên hạ hiểu ngay là đêm Rằm Trung Thu hoặc Rằm Tháng Tám.

 

 

Rằm Trung Thu là ngày dành cho trẻ con, cho tuổi thơ.

Tuổi thơ tôi nửa đầu ở một miền quê, nửa cuối ở một thành phố. Ở đâu thì Rằm Trung Thu cũng vui ngây ngất.

Đêm Trung Thu ở miền quê không thể thiếu một mâm cỗ Trung Thu. Mâm cỗ “Trông Trăng”. Mâm cỗ đầy ắp quả, đặt giữa sân ngập ngụa ánh trăng soi. Đó là những trái bưởi lóc vỏ ngoài vòng tròn bằng dao sắc, để vỏ bưởi vẹn nguyên chiều dài có hình xoắn lò xo treo lên hiên nhà, treo lên dây phơi cho gió đưa đẩy lung linh. Những múi bưởi đào phớt hồng được tẽ ra tép bưởi nở bung như hoa mẫu đơn. Đó là những trái hồng chín mọng đỏ như son, đặt xen những trái hồng ngâm tro vàng rộm. Rồi chuối tiêu trứng cuốc tỏa hương thơm lừng. Táo, nhãn, ổi, doi, na… đủ thứ. Toàn của nhà trồng. Mẹ xào cốm đường đắp đầy chục đĩa be bé. Nhào bột nếp với nước dừa mứt bí đao dập nặn vài chiếc bánh dẻo không nhân. Có cả kẹo vừng và kẹo dồi chó. Trăng sáng vằng vặc vẫn cứ phải thắp vài ngọn nến cho có lửa. Anh tôi có sáng kiến ngâm hạt bưởi chiết tinh dầu nhờn làm dầu thắp bấc. Ba bốn ngày trước cha chẻ tre vót nan làm khung đèn ông sao và đèn kéo quân, cho bọn trẻ chỉ việc phất giấy trổ con giống. Con giống là hình con trâu, con bò, bố cầy ải trên đồng và mẹ chổng mông cấy lúa. Vui ơi là vui. Công việc nhộn nhịp như có hội.

Đêm Trung Thu ở miền quê được hưởng đầy đặn nhất ánh trăng từ sân nhà mình. Mặt trăng trong vắt nhìn rõ hình cây đa có chú cuội nằm vắt vẻo trên cành cao. Cười nói tào lao dưới ánh trăng, nghe ông kể chuyện cổ tích chú Cuội nói dối như Cuội, lúc sau ngắn ngủi là phá cỗ. Lúc phá cỗ là thú vị nhất, ăn uống thỏa thuê hơn nhiều những ngày thường. Thấy cháu con vui ông bà bố mẹ sung sướng đe “vừa vừa thôi kẻo chết no”.

Đêm Trung Thu ở thành phố lại vui theo kiểu ở phố. Không bày mâm cỗ “Trông Trăng”. Cả buổi chiều chỉ nháo nhào chuẩn bị đồ nghề luyện tập múa kỳ lân. Anh thì đội đầu lân múa. Anh cầm gậy múa vờn mồi đầu lân. Anh cầm quả cầu to vừa di chuyển vừa dứ lân. Anh đánh trống bỏi trống cái và một anh dập chụm chọe nạo bạt. Còn một lũ nhóc con như tôi nhảy nhót bát nháo chi khươn phất cờ và tung cái đuôi lân dài ngoẵng. Tập tành múa sao cho thật vui và thành thục. Khúc khó nhất là hai anh lớp trên tập công kênh nhau múa mà không ngã để vươn lên ban công… hớp tiền thưởng. Hai anh lớp trên vốn là những tay “trèo me trèo sấu” giỏi giang. Vào cuộc trong đêm Trung Thu lại bợm nghệ mức cao thủ. Phố nào cũng có đội múa lân như bọn chúng tôi. Kéo nhau đi hết phố này qua phố khác mua vui cho người đi đường, mua vui cho các nhà mặt phố có cửa hàng cửa hiệu.

 
   Ngày trước các thương nhân sống tốt bụng và hào phóng. Người ta thấy bọn trẻ rước lân đến trước cửa nhà họ múa mà lòng họ vui khấp khởi. Ngày ấy nhà phố cao chỉ hai tầng. Có chiếc ban công nhô ra nơi cửa ra vào trông ra mặt phố. Ở nơi cao cao ấy ông bà chủ nhà đã chuẩn bị sẵn một chiếc gậy có treo sợi dây mảnh mà cuối dây treo một chiếc phong bì tiền thưởng, mà chỉ chồng hai người lên là với tới, chứ không phải treo để đánh đố bọn trẻ.

Nhiệm vụ của hai anh nhớn lớp trên là công kênh nhau vừa múa lân vừa vờn đưa cái lưỡi lân lên hớp chiếc phong bì sao cho đẹp và khéo. Gặp khi bí quá vờn mãi không được anh múa lân thò tay qua mồm lân giật phăng chiếc phong bì. Thế là mọi người quây quanh xem được một trận cười tớ phớ. Ông bà chủ nhà cũng cười sặc sụa khen cậu học trò láu cá mà không coi là “quân lừa đảo”. Lại chuẩn bị chiếc phong bì cho tốp múa lân tiếp theo đến mua vui cho nhà mình. Mỗi lần như thế chúng tôi lăn đùng ngã ngửa vui sướng đú nhau, rồi rồng rắn đi tiếp phố khác. Để tới khuya mới kéo nhau ra quảng trường Đông Kinh xơi kem và bánh Trung Thu nhà hàng Thủy Tạ dưới ánh trăng mua từ tiền thưởng.

Tuổi thơ tôi và lớp cùng trang lứa đi qua những đêm Trung Thu như thế tới giờ vẫn nhớ. Nhớ như in những người lớn vô tư yêu quý trẻ con một thời. Một thời Trung Thu là của tuổi thơ, của trẻ con.

Bây giờ, Trung Thu không còn là của riêng trẻ con nữa.

Mà phần của trẻ con cũng kém vui đi rất nhiều.

 
   Vào đêm Rằm Tháng Tám Ông Trăng không còn sáng trong như trăng tuổi thơ tôi. Chị Hằng, Chú Cuội bị một lớp gì đó đục mờ che phủ. Các cháu tôi cứ phàn nàn vặn vẹo sao thế nhỉ, trăng không sáng trong như lời ông kể thời tuổi thơ ông. Mẹ chúng giải thích như đùa: “Là tại khói. Khói bay lên từ lò gạch nung thủ công. Khói bốc từ những cánh đồng ngoại thành đốt rơm rạ. Khói từ nhà nhà đốt vàng mã. Khói từ các lò than tổ ong nhóm lửa. Khói từ các loại xe chạy xăng dầu vận hành đông như kiến cỏ xả ra trên đường phố. Khói …” Tới đây mẹ nó đột ngột dừng. Nhận ra mình bốc đồng vớ vẩn, người lớn còn chả hiểu nói chi tuổi thơ!

Trung Thu bây giờ vẫn có mâm “Trông trăng” đầy ắp quả mùa thu. Vẫn  có lác đác vài nhóm trẻ kéo rủ nhau đi múa lân dọc các phố mua vui cho thiên hạ, xin tiền thưởng... Nhưng cũng không đặc biệt thu hút được trẻ con như trước, là vì giờ có cả những con phố đầy ắp đồ chơi điện tử, có game online, còn hoa quả, bánh trung thu thì ngày nào cũng có thể ăn thoải mái khiến mâm “Trông trăng” chỉ còn để tượng trưng cho có không khí.

Đầu lân, mặt nạ bây giờ cũng khác. Không đan nan tre nứa bồi giấy với gương mặt chú Tễu thằng Bờm nhăn răng cười mép kéo lên tận mang tai ngộ nghĩnh. Mà chúng được đúc bằng nhựa công nghiệp nhập từ Quảng Tây qua đường Lạng Sơn, Móng Cái. Toàn là Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, cùng những gương mặt hãi hùng như quỷ Sa Tăng, Người Dơi, Siêu Nhân thế hệ 1,2,3,4,5…

 
   Đèn ông sao, đèn kéo quân cũng thế. Quân kéo trong đèn là xe tăng, máy bay, lính biệt động phản ứng nhanh, võ thuật … nhập qua vùng biên về bán đầy rẫy ở phố Hàng Mã và Lương Văn Can. Những ngày Trung Thu trẻ đeo những mặt nạ ấy rượt đuổi nhau hò hét, bắn súng nước, xả liên thanh chạy pin lẹt đẹt vang lừng trong nhà ngoài phố như các băng đảng xã hội đen truy sát nhau. Sợ hơn cả xem phim bạo lực trên ti-vi.

Các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước và liên doanh kiếm bội tiền trong tháng Trung Thu. Không có kẹo dồi chó, kẹo vừng ít tiền, mà toàn là bánh dẻo bánh nướng các kiểu mẫu mã, chủng loại, giá hạng bét cũng phải 50 ngàn đồng một chiếc. Nhà quê không thể xài được mà chỉ đứng trông, vì quy thóc là một yến. Mà biếu ai là phải một hộp. Thường là bốn chiếc. Quy ra thóc mất gần nửa tạ. Những chiếc bánh Trung Thu ấy nếu được đặt trong hộp bìa cứng in đẹp phủ chữ nhũ lót lụa thì giá có thể vài triệu đồng một hộp. Bánh trung thu ngày trước dùng với nước trà, giờ bánh sang, đắt tiền là phải có kèm theo một chai rượu tây.

Bởi vậy mới nói Trung Thu nay còn là của người lớn. Mua làm quà cáp biếu xén những nơi không thể không biếu. Đẹp tới sang trọng bao nhiêu, càng xác định rõ đẳng cấp lòng nhau. Có người tuyên bố hùng hồn “Đắt thì để đồng tiền nó nghỉ ngơi”. Nhưng rồi lại phải mua bởi ai cũng mua cho gọi là có. Một năm mới phải một lần.

Tình cờ tôi biết các doanh nghiệp sản xuất bánh kiếm bộn tiền nhất trong năm từ vụ bánh Trung Thu là thế này. Phố tôi ở có một cặp vợ chồng làm công nhân ở một nhà máy bánh kẹo có tiếng. Trung Thu năm kia khoảng năm ngày sau ngày rằm, cặp vợ chồng ấy khuân về hai bao tải bánh dẻo bánh nướng bán lại cho dân phố có 4 ngàn đồng một chiếc mà trước đó là loại có giá 50 ngàn đồng. Dân phố mua hết bay vì còn 5 ngày nữa bánh mới hết hạn dùng. “- Ngày mai mang về nữa nhé!” “- Làm gì còn. Đây là nhà máy bán cho công nhân xóa đói giảm nghèo!” Ra thế. Lỗ ư? Không phải. Đó là giá gốc. Trước đó nhà máy ấy đã bán 3 triệu chiếc bánh rồi với giá cao. Ai cũng tặc lưỡi một năm mới có một ngày Trung Thu, tính toán nhiều thành bủn xỉn. Và vì thế mà các doanh nghiệp sản xuất bánh tung ra thị trường ngay từ rằm tháng bảy. Cả phố lấy làm tiếc năm nay chắc không được xài bánh Trung Thu giá rẻ hậu Trung Thu vì cặp vợ chồng này đã mua nhà chuyển đi nơi khác ở.

 
   Một năm mới có một lần Trung Thu. Người lớn lo cho trẻ phải lo cả 364 ngày còn lại. Đó mới là vấn đề mà người lớn chăm lo cho thế hệ tuổi thơ trong quá trình Dưỡng và Dục.

Xã hội đã và đang lo cho tuổi thơ ngày một nhều hơn, lớn hơn. Nhưng hình như sự chăm lo ấy chưa đủ và có gì đó chưa toàn diện. Giống như đứa trẻ có thân hình béo phì thừa cân nhưng trí tuệ thiểu năng. Xã hội người lớn cần nhận thức sâu sắc rằng: Ranh giới giữa lợi và lợi bất cập hại luôn rất mong manh. Một khi đã vượt qua ranh giới ấy thì rất khó có thể lùi. Sự việc sẽ diễn biến theo những chiều hướng và mức độ khó lường và khó kiểm soát.

Nếu một tuổi thơ mất đi tính thơ ngây, lại chỉ biết thế giới này cuộn tròn trong ngôi biệt thự đủ đầy tiện nghi, sẽ không còn biết tới bạn bè cùng trang lứa trong cộng đồng trẻ con.

Mừng là tôi có nhiều bạn bè đã dành cho tuổi thơ trọn sự nghiệp mà tôi hằng quý trọng. Nhà văn Lê Phương Liên dành hết cả tuổi mình để viết cho tuổi thơ những trang văn trong trẻo những tâm hồn đáng yêu. Đọc cái tít truyện “Cây đa ngàn tuổi và ba đứa trẻ” đã thấy lòng chị yêu quý tuổi thơ biết nhường nào. Hôm rồi gọi điện rủ chị café. Chị lại hẹn gặp ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Lên tuổi bà mà vẫn mải miết làm việc cho tuổi măng non.

Nhà thơ Phạm Đình Ân cũng chỉ một lòng viết thơ cho trẻ nhỏ từ khi anh cầm bút. Năm ngoái anh tặng tôi tập thơ “Đất đi chơi Biển” chưa đọc đã thấy hồn anh bay cùng lớp trẻ.

 
   Một tuổi thanh xuân họa sĩ Thẩm Đức Tụ gắn với Nhà Văn hóa Thiếu niên Hà Nội, để cùng hết lớp trẻ này đến lớp trẻ khác, dạy chúng cầm cọ vẽ những người thân sống bên, cùng cảnh đẹp nơi phố phường Hà Nội nơi chúng đang sống.

Mới rồi cháu tôi đi học về chạy vội lên thư phòng, giơ tay chào nơi mép mũ ca-lô, và bước đều dọc hành lang hát rất to “Em mang trên vai màu khăn tươi thắm”, khoe: “Cháu vừa được kết nạp vào Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh ông ạ!” “Thế ư?” “Vâng! Bài hát của bạn ông đấy. Ông Trần Đức!” Tôi bật cười. Nhạc sĩ Trần Đức sẽ rất vui khi nghe chuyện này. Hàng triệu trẻ thơ Việt Nam muốn trở thành đội viên cần phải thuộc bài hát anh sáng tác mà nội dung của nó xem như tôn chỉ hành động của tuổi nhỏ.

Không bao giờ là muộn cả nếu như ai đó bây giờ mới làm một điều gì đó cho tuổi thơ.

Kênh truyền hình VTC HDVIP vừa giới thiệu chị Trần Mai Anh, Biên tập viên của Tạp chí Heritage trong chương trình “Cô ấy đẹp”. Phải nói là “Cô ấy đẹp lắm lắm” bởi chị Trần Mai Anh đã giang rộng cánh tay đón cháu Thiện Nhân về nuôi khi cháu còn đỏ hon hỏn bị mẹ đẻ bỏ rơi rồi bị thú rừng ăn mất một chân và “con chim” bé bỏng. Chị đã ôm bé Thiện Nhân đi tới nhiều bệnh viện ngoài nước cứu chữa. Cuối cùng đã gặp may, một bác sĩ người Italia Robeto Decastro nhận phẫu thuật cho bé phục chế lại cho bé “con chim” bé bỏng. Thiện Nhân năm nay đã 5 tuổi. Khỏe mạnh và đầy đủ tính cách của một nam nhi.

Nhiều kênh truyền hình và các trang mạng mở ra dành cho tuổi thơ.

Đài truyền hình VTC dành hẳn Kênh 11 cho thiếu nhi với cái tên “Kids TV” mang nhiều chương trình chuyên biệt cho trẻ em.

Vụ Dinh dưỡng Bộ Y tế mở trang thông tin điện tử về thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ với tên “Mặt trời Bé thơ” (mattroibetho.vn).

 
   Nhóm sinh viên Colory Trường Đại học Hồng Bàng thành phố Hồ Chí Minh gồm 6 thành viên đã quyết tâm sản xuất thành công bộ phim hoạt hình 3D “Dưới bóng cây” dành cho tuổi thơ, nói về “Một anh hùng rơm biết xả thân cứu bạn”. Cho ra mắt trên mạng Youtube ngay lập tức tạo ra một hiệu ứng trong cộng đồng mạng với 700.000 lượt người truy cập. Và được BHD Cinema chiếu rộng rãi cùng phim Kungfu Panda 2.

Một tình yêu trẻ thơ lấp ló sau mỗi việc làm. Khởi đầu làm việc thiện thì kết sẽ có hậu. Đừng bao giờ bắt đầu cho một việc không có kết thúc đẹp.

Phải đi từ bình minh qua đỉnh trưa mới tới được buổi chiều.

Phải sống từ tuổi ấu thơ đi qua tuổi thanh xuân mới đến được tuổi già.

Mừng cho những ai đã đến được với tuổi già.

Song đến được với tuổi già bình an hẳn phải có một tuổi thơ đẹp đẽ.

Giang Lân


Bình luận
vtcnews.vn