Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi ký văn bản gửi các Sở: Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tư Pháp; UBND huyện Sơn Tịnh về việc rà soát, đề xuất phương án giải quyết liên quan đến dự án Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh.
Theo đó, trên cơ sở chính thức đề nghị trả lại dự án Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh của chủ đầu tư là Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo các Sở, địa phương: Trong trường hợp đồng ý tiếp nhận lại dự án thì tham mưu cho UBND tỉnh về trình tự, thủ tục việc chuyển trả, tiếp nhận lại dự án; việc xử lý kinh phí đã đầu tư; hoàn trả lại kinh phí cho trường; việc quản lý, sử dụng tài sản đã đầu tư dở dang của dự án và các nội dung liên quan khác.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét về hình thức đầu tư (khi dự án được trả lại cho tỉnh) và đề xuất phương án triển khai thực hiện dự án trong thời gian tới.
Theo tìm hiểu của PV, Dự án Trung tâm Dạy nghề kiểu mẫu Sơn Tịnh (thôn Phong Niên Thượng, xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư với tổng số vốn hơn 37,8 tỷ đồng. Trong đó, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề gần 34 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương.
Năm 2013, dự án được triển khai xây dựng trên diện tích khoảng 30.000 m2 và dự kiến hoàn thành vào năm 2014. Tháng 3/2014, dự án dừng thi công do thiếu vốn. 2 năm sau, UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định chuyển giao dự án này cho Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM tiếp nhận để tiếp tục đầu tư, đảm bảo hoàn thành và đưa công trình vào phục vụ từ năm học 2016 - 2017.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, công trình này vẫn đang trong tình trạng dang dở, một số hạng mục bộc lộ dấu hiệu xuống cấp.
Tại khu đất "mọc" lên dự án, cỏ dại mọc um tùm trông rất nhếch nhác.
Một vị đại diện Trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM cho hay, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch COVID- 19 kéo dài, mưa bão và khó khăn về nguồn tài chính.
Bình luận