Ngày 15/1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2018 và triển khai công tác năm 2019.
Bên lề hội nghị, trung tá Huỳnh Trung Phong trả lời PV vấn đề dư luận quan tâm.
CSGT không nhận diện hết xe tải được phép vào đường cấm!
- Mới đây báo Tuổi Trẻ phản ánh xe tải nặng ra vào đường cấm tại TP.HCM khiến dư luận bức xúc. Tại sao tình trạng này vẫn tồn tại nhiều năm qua và CSGT có gặp khó khăn gì, thưa ông?
Do nhu cầu của người dân TP như vận chuyển xăng dầu, hàng hóa, lương thực, vật liệu xây dựng… nên một số xe được cấp phép lưu thông. Trung bình hàng ngày, Sở GTVT cấp phép khoảng 2.500 lượt xe được lưu thông vào TP.
Cùng với đó, tuy không được cấp phép, một số xe do nhu cầu vận chuyển đã bất chấp vi phạm chạy luôn vào đường cấm. Khi chúng tôi tiến hành xử lý, một số tài xế lái xe thừa nhận vi phạm và chấp nhận đóng phạt.
Hiện nay, đối với hành vi lái xe tải nặng đi vào trung tâm TP trong giờ cấm, bị phạt khoảng 1 triệu đồng. Với mức phạt như vậy, chẳng hạn để đảm bảo vận chuyển cho một sàn bê tông từ 1-3 tỷ đồng, nhiều người sẵn sàng vi phạm.
Đây là một suy nghĩ, nhận thức hoàn toàn không đúng mà những người làm quản lý cần điều chỉnh.
- Còn khó khăn nào nữa?
Trong quá trình tác nghiệp, khi CSGT tiến hành kiểm tra, giới lái xe biết CSGT ra quân thì họ không chạy xe. Chúng tôi không thể bố trí lực lượng 24/24 ở các tuyến đường mà chỉ tập trung một số tuyến trọng điểm.
Một số tuyến đường có cả đội ngũ cảnh giới đường, hướng dẫn các xe vi phạm lưu thông.
Trung tá Huỳnh Trung Phong
Khi chúng tôi xử lý thì họ không lưu thông, nhưng lực lượng chức năng vừa rời đi, họ lại lưu thông. Thậm chí, một số tuyến đường có cả đội ngũ cảnh giới đường, hướng dẫn các xe vi phạm lưu thông. Với tổng số xe mà Sở GTVT TP cấp phép rất khó để nhận diện toàn bộ.
Vào ban đêm, CSGT không thể nhận diện được 100% xe nào được cấp phép bởi tem dám trên kiếng xe khó nhìn thấy.
Hàng tháng, chúng tôi yêu cầu Sở GTVT cung cấp danh sách xe đã cấp phép. Tuy nhiên, số lượng trên 2.500 xe thì CSGT không thể nhớ hết nổi.
- Hiện một số tuyến đường xử phạt "nguội" qua camera, sao không áp dụng tương tự xử lý xe tải?
Hiện nay chúng tôi đang phối hợp các đơn vị, xây dựng đường dây nóng kết hợp CSGT với các trung tâm giám sát camera. Khi phát hiện xe không được cấp phép lưu thông, các trung tâm này sẽ báo ngay cho lực lượng CSGT đến xử lý.
Tuy nhiên nhiều nơi hệ thống camera mang tính chất ghi nhận tình hình, không đủ để trích xuất xử phạt. Chúng tôi đang làm đề án xin ý kiến TP, các tuyến đường như Trường Chinh, Cộng Hòa hoặc các tuyến phức tạp ở TP, sẽ lắp đặt hệ thống camera. Hệ thống này sớm đi vào hoạt động sẽ góp phần lớn, ngăn chặn vi phạm giao thông.
Cảnh báo, phòng ngừa khủng bố bằng xe tải nặng
- Trước tình trạng tài xế sử dụng bia rượu, ma túy lái xe gây tai nạn khiến dư luận bức xúc. PC08 đã làm gì để ngăn chặn, ít nhất trên địa bàn TP?
Chúng tôi đang triển khai ra quân, xử lý theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, chúng tôi có những chuyên đề kiểm tra ma túy, nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế. Hình thức kiểm tra xe, kiểm tra trực tiếp tài xế đang lái.
Còn giai đoạn 2, chúng tôi phối hợp với trung tâm y tế dự phòng, kiểm tra đồng loạt tất cả các lái xe, qua thử nước tiểu.
Lực lượng PC08 liên hệ các cơ quan chủ quản như bến xe, nhà ga. Mời toàn bộ đội ngũ tài xế, kiểm tra số lượng cụ thể và lấy mẫu nước tiểu hàng loạt. Sau đó, trung tâm y tế dự phòng sẽ kiểm tra và cung cấp kết quả cho CSGT, các đơn vị chủ quản, doanh nghiệp vận tải có hướng xử lý.
- Vừa qua, thiếu tướng Phan Anh Minh có cảnh báo về khủng bố bằng xe tải. Ông nghĩ sao về vấn đề này và hướng giải quyết?
Phương tiện giao thông không chỉ đơn thuần là đi lại trên đường mà là phương tiện nguy hiểm cao độ. Các phương tiện phức tạp có đặc trưng rất dài, lớn và tốc độ cao. Những yếu tố này khiến mức độ nguy hiểm của phương tiện càng cao hơn. Do đó, những xe tải nặng, xe container, xe bồn chở xăng dầu là đặc biệt nguy hiểm.
Đối với những xe này, CSGT phải quan tâm, giám sát, có hướng xử lý phù hợp. PC08 đã đề nghị Sở GTVT có điều chỉnh lại thời gian lưu thông, đồng thời phối hợp các đơn vị chủ quản, kiểm soát đội ngũ lái xe. Trong đó chú trọng hoạt động, giờ giấc điều khiển phương tiện, lai lịch, sức khỏe...
Chúng tôi mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ chia sẻ và siết chặt khâu tuyển dụng, sử dụng tài xế. Điều này tránh trường hợp tài xế lái xe sử dụng rượu bia, chất kích thích gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông hoặc bị người khác lợi dụng gây tai nạn giao thông.
Năm 2018 có 1 trường hợp vi phạm bị kỷ luật!
- Theo báo cáo năm 2018, lực lượng CSGT của PC08 có nhiều gương người tốt việc tốt, trong đó có 378 lượt không nhận hối lộ với số tiền 100 triệu đồng. Thực tế trong năm qua, PC08 có tiếp nhận tin báo về CSGT nhận hối lộ hay tiêu cực khác?
- Hiện nay chúng tôi xây dựng cơ chế thông tin tương tác trực tiếp giữa CSGT và người dân qua số điện thoại 0994.676767. Số điện thoại được giao cho đồng chí có trách nhiệm để tiếp nhận và xử lý thông tin.
Tuy nhiên chúng tôi tiếp nhận chủ yếu là thông tin thắc mắc của người dân về giao thông, còn các phản ánh về CSGT thì chưa nhận được.
Mong rằng thời gian tới, mọi thắc mắc về giao thông cũng như thông tin về hình ảnh CSGT chưa tốt, tiêu cực thì người dân hãy chia sẻ và chúng tôi rất cầu thị hoàn thiện mình.
Khi người dân chia sẻ phản ánh thông tin tiêu cực về CSGT, chúng tôi cam kết sẽ xử lý, khắc phục.
- Thưa ông, báo cáo năm 2018 chỉ thấy CSGT không nhận hối lộ. Thực tế, năm qua có bao nhiêu cán bộ chiến sĩ CSGT vi phạm bị kỷ luật?
- Trong năm qua, lực lượng cán bộ chiến sĩ CSGT thuộc PC08 chỉ có một trường hợp vi phạm bị xử lý kỷ luật. Trường hợp này, lỗi không liên quan đến quy trình công tác ngoài đường, mà là vi phạm ở khối văn phòng.
Bình luận