Trung Quốc sẽ xem xét các thủ tục pháp lý bảo vệ cho người lao động phải online sau giờ làm việc – một hình thức “làm thêm giờ vô hình” mà tòa án nước này cho rằng cần được bồi thường xứng đáng.
Tuần trước, ông Lưu Quốc Toàn (Lyu Guoquan), người đứng đầu văn phòng hiệp hội công đoàn thương mại Trung Quốc, đã đề xuất với Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) rằng nước này cần đưa ra khung định nghĩa và bồi thường pháp lý cho khái niệm “làm thêm giờ online”.
Ông Lưu trả lời đài radio quốc gia Trung Quốc rằng CPPCC đã chấp nhận đề xuất của ông, và nhiều cơ quan chính phủ sẽ cùng ông thảo luận chi tiết.
Theo SCMP, CPPCC kết thúc cuộc họp hàng năm vào 10/3, nhưng chưa chính thức xác nhận điều ông Lưu nói.
Hôm 9/3, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc cũng nhắc đến vấn đề này, nhấn mạnh “thời gian làm thêm giờ vô hình” trong báo cáo gửi đại hội nhân dân toàn quốc Trung Quốc (NPC).
Theo đó, giống như ở nhiều quốc gia khác, tại Trung Quốc cũng ngày càng trở nên phổ biến hiện tượng người lao động phải trả lời tin nhắn liên quan đến công việc sau giờ làm, trên các ứng dụng nhắn tin như WeChat. Họ cũng phải giải quyết công việc thông qua điện thoại trong những ngày nghỉ.
Thẩm phán Trương Quân (Zhang Jun) nói với NPC rằng các tòa án Trung Quốc vào năm ngoái đã đưa ra tiên chuẩn “làm thêm giờ vô hình”, trong đó một người được xem là làm thêm giờ khi họ “đóng góp một công sức lao động đáng kể” cho các nhiệm vụ “được minh chứng là tốn thời gian”. Định nghĩa này bao gồm việc phải online.
“Các tiêu chuẩn này đảm bảo rằng người lao động được trả xứng đáng khi làm thêm giờ online và thời gian nghỉ ngơi offline của họ được bảo vệ”, ông nói.
Tòa án Trung Quốc cũng đã xử lý một số vụ liên quan đến chi trả làm thêm giờ online trong những năm qua.
Trong một vụ việc, đội trưởng một đội sản xuất video ngắn, họ Li, sau khi bị nghỉ việc vì công ty cắt giảm lao động, kiện chủ lao động về thời gian làm thêm giờ không được trả lương.
Tòa án cấp dưới kết luận thời gian Li sử dụng trên WeChat để trả lời các tin nhắn công việc cũng cần được xem xét khi tính công làm thêm giờ. Nhưng tòa cấp cao cũng thừa nhận rằng những khoảng thời gian này “rải rác và khó tính toán cụ thể”.
Chuyên gia tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc nhận định, có thể sẽ sớm có các quy tắc được đề ra để tính toán thời gian làm thêm giờ online. “Đây là một vấn đề lao động rất phổ biến và nhiều ngành nghề đã công nhận”.
Nhưng sẽ mất ít nhất 2 năm để hình thành một quy định cấp bộ và lâu hơn để nó được thông qua thành luật.
Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người nghi ngờ tính hiệu quả của các luật này. “Đầu tiên chúng ta có thể áp dụng luật cho cuối tuần trước được không”, một người dùng Weibo nói. “Quy định là một chuyện thực thi lại là một chuyện khác”, một người khác bình luận.
Bình luận