Khi được hoàn thành vào năm tới trên một khu đất hướng ra biển, sân bay quốc tế Dara Sakor sẽ có đường băng dài nhất Campuchia. Cách đó không xa, các công nhân đang dọn dẹp cây cối trong công viên quốc gia để nhường chỗ cho một cảng nước sâu đủ để chứa tàu hải quân.
Công ty Trung Quốc thi công đường băng và cảng nói rằng các công trình này phục vụ cho mục đích dân dụng. Nhưng nhiều người không tin vào lý do đó, họ cho rằng chúng được xây dựng vì các mục đích khác.
Các hoạt động tại Sakor và nhiều dự án khác của Trung Quốc gần đó làm dấy lên mối quan ngại rằng Bắc Kinh đang có kế hoạch biến quốc gia Đông Nam Á thành một tiền đồn quân sự cũng giống như cách họ dựng căn cứ đầu tiên ở châu Phi.
"Tại sao người Trung Quốc lại xây dựng đường băng giữa rừng rậm? Điều này sẽ cho phép Trung Quốc triển khai sức mạnh không quân của mình ra toàn bộ khu vực và thay đổi toàn bộ cuộc chơi", Sophal Ear, nhà khoa học chính trị tại Đại học phương Tây (Los Angeles, Mỹ) phân tích.
Khi Trung Quốc mở rộng quyền lực ra nước ngoài, họ gặp phải chiếc ô an ninh khu vực được Mỹ bung ra từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng tại Campuchia, rào cản với Trung Quốc giảm bớt rất nhiều khi Bắc Kinh vẫn duy trì là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.
Theo các quan chức quân đội Mỹ, trên bờ biển Dara Sakor, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận độc quyền mở rộng căn cứ hải quân Campuchia bất chấp sự phủ nhận của Bắc Kinh.
"Chúng tôi lo ngại đường băng và các cơ sở hạ tầng cảng ở Dara Sakor được xây dựng cho mục đích quân sự. Các công trình này vượt xa nhu cầu cơ sở hạ tầng hiện tại và tương lai đối với các hoạt động thương mại cả ở hiện tại và tương lai", Dave Eastburn, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết.
"Bất kỳ động thái hoan nghênh sự hiện diện của quân đội nước ngoài nào từ chính phủ Campuchia sẽ làm xáo trộn hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á", ông này nói thêm.
Thủ tướng Hunsen khẳng định không hề có ý định để quân đội Trung Quốc đồn trú ở Campuchia.
"Sẽ không có quân đội Trung Quốc ở Capuchia, đó là một sự bịa đặt. Có lẽ người da trắng muốn ngăn Campuchia bằng cách ngăn chúng tôi phát triển kinh tế", ông Pay Siphan, phát ngôn viên chính phủ nói.
Giới chức lãnh đạo Capuchia từng khẳng định đường bay và cảng Dara Sakor sẽ biến khu rừng rậm nhiệt đới xa xôi này trở thành một trung tâm hậu cần toàn cầu, nơi "sẽ làm nên điều kỳ diệu".
Sân bay quốc tế Dara Sakor và cảng nước sâu gần đó nằm trong khu đầu tư Dara Sakor - chiếm 20% đường bờ biển Campuchia.
Khu đầu tư này được tập đoàn Union Development của Trung Quốc thuê lại từ chính phủ Campuchia trong một thỏa thuận được ký kết cách đây 11 năm. Ngay từ khi được công bố, thỏa thuận trên làm dấy lên không ít hoài nghi. Quá trình đấu thầu không được công khai rộng rãi, phần đất mà 2 bên thỏa thuận gấp 3 lần diện tích tối đa mà luật đất đai Campuchia cho phép. Tập đoàn Trung Quốc cũng không phải trả bất cứ khoản thanh toán nào trong hơn 1 thập kỷ qua.
Trong suốt quãng thời gian này, Trung Quốc kịp dựng lên tại đây hàng loạt các công trình quy mô lớn như khu phức hợp du lịch, sân golf, sòng bạc. Nhưng tất cả đều vắng người qua lại. Bất chấp thực trạng đó, Union Development vẫn rót tiền vào Dara Sakor với khoản đầu tư thậm chí còn tăng gấp đôi.
Cho tới nay, một trong những vấn đề nhiều người băn khoăn nhất là chủ sở hữu của Union Development. Tập đoàn này tuyên bố nó thuộc sở hữu tư nhân. Nhưng Thứ trưởng Quốc phòng Chhum Socheat tiết lộ Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia đang thi công dự án sân bay. Kỳ lạ là phát ngôn viên Cơ quan Hàng không Dân dụng lại khẳng định họ "không có bất kỳ thỏa thuận nào".
Một điều đáng lưu tâm là sân bay quốc tế Dara Sakor nằm cách không xa căn cứ hải quân lớn nhất của Campuchia - Ream.
Hồi tháng 7, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin thân cận tiết lộ chính phủ Trung Quốc và Campuchia đã bí mật ký thỏa thuận cho phép quân đội Trung Quốc sử dụng căn cứ này. Thỏa thuận này, theo tờ báo Mỹ cho phép Trung Quốc sử dụng căn cứ trong vòng 30 năm, kèm theo các điều khoản tự động gia hạn thêm 10 năm. Quân đội Trung Quốc được quyền đồn trú nhân sự, cất giữ vũ khí và cho tàu chiến cập cảng.
Trung Quốc và Campuchia đều bác bỏ thông tin này.
"Tất cả những dự án này đều làm dấy lên sự mơ hồ bởi bạn không bao giờ chắc chắn được điều gì đang diễn ra", Devin Thorne, chuyên gia tới từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến phân tích.
Bình luận