Hôm 10/5, tài khoản mạng xã hội WeChat của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đăng tải thông tin về hoạt động của 5 trung tâm hỗ trợ hậu cần quân đội nước này tại 5 bộ chỉ huy ở miền Trung, Tây, Đông, Nam và Bắc.
Theo CCTV, 5 đơn vị này được xem như những đội quân "chuyển phát nhanh thần tốc”, giúp cho dịch vụ vận chuyển, giao hàng của quân đội Trung Quốc trở nên chuyên nghiệp và an toàn hơn.
Tất cả các trung tâm hỗ trợ hậu cần này đã thiết lập, xây dựng hệ thống lưu trữ vật tư kỹ thuật số. “Tính toán kỹ thuật số và đóng gói chuyên nghiệp có thể giúp tránh 'thương vong ngoài trận chiến'. Giao hàng không an toàn và chậm trễ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng trong cuộc chiến ngày nay", CCTV cho hay.
Hôm 28/4, tờ báo quân sự PLA Daily đăng tải thông tin, kêu gọi quân đội coi trọng hơn đối với lĩnh vực hậu cần, xem đây là "trận chiến khó khăn" có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của quân đội.
Nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh, ông Zhou Chenming cho biết, hệ thống quản lý hậu cần chuyên nghiệp của quân đội Trung Quốc được lấy cảm hứng từ mô hình của Bộ Tư lệnh Vận tải (TRANSCOM) - cơ quan quản lý hoạt động cung cấp vật tư và điều phối hậu cần cho quân đội Mỹ trên toàn thế giới.
Mỹ đã đưa mô hình vận tải này vào vận hành lần đầu tiên trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Lầu Năm Góc thành lập TRANSCOM vào năm 1987, một trong 11 bộ chỉ huy tác chiến hợp nhất trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ông Zhou Chenming cho biết, quân đội Trung Quốc đã kiểm chứng hiệu quả của hệ thống này hoạt động này sau 4 năm vận hành. Theo đó, đơn vị chỉ huy hậu cần do không quân nước này điều hành có thể huy động 4.000 phi công từ các hãng hàng không dân dụng để hỗ trợ cho cuộc chiến tại Iraq.
“Người Mỹ không chỉ giành chiến thắng ở các cuộc chiến thông thường trong chiến tranh vùng Vịnh mà còn thể hiện khả năng giao hàng đường dài về hậu cần siêu việt", ông Zhou Chenming nói, cho rằng hậu cần chính là khâu yếu của Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.
Quân đội Trung Quốc đã thành lập lực lượng hỗ trợ hậu cần chung vào năm 2016, thay thế cho Tổng cục Hậu cần trước đây. Lực lượng này có trụ sở đóng tại trung tâm giao thông và công nghiệp Vũ Hán, các cơ sở ở 4 khu vực của Trung Quốc có trung tâm cung ứng riêng, kết nối với hệ thống đường cao tốc và đường sắt.
Nhà quan sát quân sự tại Hong Kong, ông Liang Guoliang cho rằng, quân đội Trung Quốc đã rút ra được bài học từ chiến tranh Triều Tiên - quân đội sẽ phải hứng chịu thương vong nghiêm trọng do chuỗi hỗ trợ hậu cần yếu kém.
"Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều để hoàn thiện hệ thống cung cấp hậu cần của mình, trong khi cuộc chiến Ukraine đang diễn ra cũng đã cung cấp cho quân đội Trung Quốc rất nhiều điểm tham khảo", chuyên gia Liang Guoliang nói.
Tháng 10/2017, quân đội Trung Quốc cũng đã ký hợp đồng với 5 công ty hậu cần dân sự - SF Express, China Railway Express, China Post Express, Deppon Logistics và Jingdong Logistics.
Trong khi đó, giáo sư Ni Lexiong chuyên về Luật và Khoa học Chính trị tại Đại học Thượng Hải cho hay, Trung Quốc sẽ vẫn sử dụng quân đội để tập trung vào việc chuyển giao vũ khí và để các công ty dân sự lo các mặt hàng như quần áo và vật tư y tế.
“Nhưng lực lượng hỗ trợ hậu cần của quân đội Trung Quốc chủ yếu tập trung vào vận tải nội địa. Điều này cho thấy vẫn còn một khoảng cách rất lớn để bắt kịp Mỹ, vốn đã chiếm ưu thế về hàng không toàn cầu", chuyên gia Ni Lexiong nhận định.
Bình luận