Trung Quốc tràn lan loại mặt nạ lừa cả hệ thống nhận dạng, nỗi lo tội phạm tăng

Chuyện bốn phươngThứ Ba, 09/07/2024 10:34:00 +07:00
(VTC News) -

Loại mặt nạ silicon "siêu thật", thậm chí lừa được cả hệ thống nhận dạng, đang được bán tràn lan ở Trung Quốc, làm dấy lên nỗi lo sợ về tình trạng tội phạm gia tăng.

Thị trường chợ đen Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ các loại mặt nạ silicon “có thể khiến bạn trông giống bất kỳ ai, kể cả người nổi tiếng”.

Trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, loại mặt nạ hóa trang giống người thật này được bán dưới các tiêu đề rất bình thường là “mặt nạ silicon” và được coi là một loại đạo cụ vui nhộn sử dụng trong các bữa tiệc hóa trang. Tuy nhiên, chỉ cần nhấp chuột thêm vài lần, người mua sẽ đọc được lời hứa hẹn rằng những chiếc mặt nạ này có khả năng biến bạn thành bất kỳ người nổi tiếng nào, giá bán lên tới 25 nghìn nhân dân tệ (hơn 87 triệu đồng).

Một cửa hàng còn tuyên bố, sản phẩm của họ có thể giúp mọi người vượt qua các cuộc kiểm tra nhận dạng khuôn mặt "có độ nhạy thấp".

Thời gian để làm ra chiếc mặt nạ giống thật có thể dài cả tháng, giá của nó khoảng 87 triệu đồng. (Ảnh: Bilibili)

Thời gian để làm ra chiếc mặt nạ giống thật có thể dài cả tháng, giá của nó khoảng 87 triệu đồng. (Ảnh: Bilibili)

Theo thống kê trên ứng dụng Taobao, hàng chục chiếc mặt nạ như vậy đã được bán. Trong bài viết về một chiếc mặt nạ được làm riêng, một người mua đăng bức ảnh cô đeo mặt nạ Giáo sư Severus Snape, nhân vật do cố diễn viên người Anh Alan Rickman thủ vai trong loạt phim Harry Potter. Cô rất ấn tượng với chất lượng của mọi chi tiết trên mặt nạ và nói thêm rằng nó trông thật một cách đáng ngạc nhiên.

Một người khác hỏi liệu cửa hàng có thể làm mặt nạ của nữ diễn viên Phạm Băng Băng không; câu trả lời là "có".

Một nhân viên cửa hàng nói với hãng truyền thông Legal Daily rằng, họ có thể tạo ra bất kỳ khuôn mặt nào miễn là khách hàng cung cấp bản quét 3D, ảnh chụp đầu 360 độ hoặc ảnh người mà họ muốn trở thành cùng dữ liệu về đầu và các đặc điểm trên khuôn mặt. Thời gian hoàn thành một chiếc mặt nạ như vậy là khoảng một tháng.

Một nghệ sỹ hóa trang điện ảnh ở Bắc Kinh (giấu tên) chia sẻ với tờ Post rằng những chiếc mặt nạ như vậy thường được sử dụng làm đạo cụ sản xuất phim. Loại mặt nạ siêu giống thật đòi hỏi nhiều thời gian hơn nữa và chi phí sản xuất cũng cao hơn. 

Diễn viên Tom Cruise diễn cảnh xé mặt nạ trong phim "Nhiệm vụ bất khả thi". (Ảnh: Paramount Pictures)

Diễn viên Tom Cruise diễn cảnh xé mặt nạ trong phim "Nhiệm vụ bất khả thi". (Ảnh: Paramount Pictures)

Hiện nay, mặt nạ silicon chưa bị cấm ở Trung Quốc. Anh Sherry Zhang, người chuyên về các vấn đề pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) của Công ty Luật Glinks Thượng Hải nói với tờ Post rằng, mặt nạ silicon siêu thật có thể gây ra những rủi ro pháp lý, chẳng hạn như xâm phạm danh tiếng và quyền chân dung của một người.

Ngoài ra, người bán mặt nạ silicon phải đối mặt với hậu quả pháp lý nếu họ phóng đại chức năng của sản phẩm hoặc bán sản phẩm cho những người sử dụng chúng vào mục đích bất hợp pháp. Zhang cũng cho rằng, có điểm tương đồng giữa mặt nạ silicon siêu thực và bản sao AI.

Thời gian gần đây, có rất nhiều trường hợp sử dụng những loại mặt nạ silicon rẻ tiền hơn để phạm tội. Tháng 3, cảnh sát Thượng Hải bắt giữ một tên trộm ngoài 40 tuổi đeo mặt nạ silicon để trông giống một ông già khi đột nhập một căn hộ và đánh cắp tài sản trị giá 100.000 nhân dân tệ (gần 350 triệu đồng).

Mặc dù tên cướp đã đánh lừa được camera giám sát, nhưng bằng chứng hắn để lại trong nhà và tín hiệu điện thoại di động đã dẫn cảnh sát đến nơi hắn ẩn náu.

Tháng 6, Tòa án Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết đầu tiên về hành vi vi phạm quyền cá nhân của ứng dụng “hoán đổi khuôn mặt” AI. Ứng dụng này đã sử dụng khuôn mặt của hai người nổi tiếng làm "khuôn mặt mẫu" để kiếm lợi nhuận mà không có sự đồng ý của họ. Tòa án đã ra lệnh cho những người điều hành ứng dụng phải xin lỗi và bồi thường vì đã xâm phạm quyền chân dung và thông tin cá nhân của họ.

Nhật Thùy(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn