Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (gọi tắt là Nhân Đại - tức quốc hội), ngày 11/3 sẽ bỏ phiếu về việc sửa đổi hiến pháp, bao gồm đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch nước và phó chủ tịch nước.
Người phát ngôn Nhân Đại Trương Nghiệp Toại nói đề xuất này đơn thuần chỉ là làm cho chức danh chủ tịch nước giống với chức danh tổng bí thư đảng và chủ tịch quân ủy trung ương vốn không bị giới hạn nhiệm kỳ.
"Điều này có lợi cho việc củng cố thẩm quyền của Ủy ban Trung ương đảng với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân cũng như thống nhất vai trò lãnh đạo", ông Trương nói với báo giới trước khi Nhân Đại bước vào kỳ họp thường niên hôm 4/3.
Ông Trương tiết lộ Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề xuất các nội dung về sửa đổi hiến pháp, bao gồm việc đưa học thuyết chính trị của ông Tập vào bản hiến pháp mới, hồi tháng 1. Tuy nhiên, những đề xuất này đến hôm 25/2 mới được công bố bởi hãng thông tấn Tân Hoa xã.
Những thay đổi này được cho là sẽ góp phần củng cố vị thế "nhà lãnh đạo quyền lực nhất từ thời Mao Trạch Đông" của Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi ông trở thành lãnh đạo hạt nhân của đảng Cộng sản Trung Quốc và bước vào nhiệm kỳ thứ hai hồi cuối năm ngoái.
Quy định về việc chủ tịch nước không làm quá hai nhiệm kỳ được đưa vào hiến pháp nhà nước Trung Quốc năm 1982.
Video: Suất ăn của Chủ tịch Tập Cận Bình gây sốt
"Hiến pháp phải thích nghi với hoàn cảnh thay đổi, bao gồm những thực tiễn kinh nghiệm mới, phản ánh những thành tựu mới và đề ra hướng đi mới sao cho phù hợp", ông Trương nói.
"Việc xem xét sửa đổi hiến pháp chắc chắn là sự kiện lớn trong đời sống chính trị đất nước và cũng là hoạt động lập pháp quan trọng mang lại những tác động rộng khắp".
Hơn 5.000 đại biểu đã đổ về Bắc Kinh để tham dự sự kiện chính trị thường niên gọi chung là "lưỡng hội", khai mạc hôm 4/3. "Lưỡng hội" bao gồm kỳ họp của Nhân Đại và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Toàn quốc (gọi tắt là Chính Hiệp, tương tự mặt trận tổ quốc) diễn ra vào tháng 3 hàng năm. "Lưỡng hội" dự kiến kéo dài trong 2 tuần.
Bình luận