Reuters đưa tin, thực hiện bước đi quan trọng hướng tới "tự cung tự cấp" chip và đối phó với các động thái của Mỹ nhằm vào lĩnh vực bán dẫn của Trung Quốc, Bắc Kinh lên kế hoạch triển khai gói hỗ trợ tài chính lớn nhất trong 5 năm, trị giá hơn 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (143 tỷ USD) phát triển chip nội địa.
Khoản kinh phí này sẽ được bơm cho ngành công nghiệp chip Trung Quốc, chủ yếu dưới dạng trợ cấp, tín dụng thuế để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn trong nước.
Phần lớn khoản hỗ trợ tài chính sẽ được sử dụng để trợ cấp cho việc mua thiết bị bán dẫn trong nước của các công ty Trung Quốc, chủ yếu là từ các nhà máy chế tạo chất bán dẫn, sản xuất chip.
Những công ty thuộc diện nhận hỗ trợ sẽ được hưởng khoản trợ cấp 20% cho chi phí mua hàng.
Bên cạnh đó, kế hoạch mới nhất của Bắc Kinh cũng bao gồm các chính sách thuế ưu đãi cho ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.
Kế hoạch này có thể được Trung Quốc thực hiện ngay trong quý đầu tiên của năm tới.
Với việc tung ra gói ưu đãi khổng lồ này, Trung Quốc muốn tăng cường hỗ trợ các công ty chip nước này xây dựng, mở rộng hoặc hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, lắp ráp, cũng như nghiên cứu và phát triển trong nước.
Từ lâu, Trung Quốc có tham vọng phát triển mạnh công nghệ bán dẫn, thực thi chính sách ưu tiên để hướng đến ngành công nghiệp chip độc lập. Điều này trở nên cần thiết hơn bao giờ hêt khi Mỹ áp đặt biện pháp thắt chặt việc bán chip cho Trung Quốc.
Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký dự luật mang tính bước ngoặt nhằm cung cấp 52,7 tỷ USD tài trợ cho hoạt động sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Mỹ, cũng như bơm gói tín dụng thuế cho các nhà máy sản xuất chip ước tính trị giá 24 tỷ USD.
Bình luận