Chiều 13/5, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về việc Trung Quốc tăng số tàu hoạt động ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam lên 300 tàu, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:
"Các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982".
Bà Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.
"Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước", người phát ngôn nhấn mạnh.
Truyền thông Philippines gần đây dẫn tin từ lực lượng đặc nhiệm nước này cho biết tổng cộng 287 tàu dân quân biển Trung Quốc được nhìn thấy ở nhiều địa điểm khác nhau gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, tính đến 9/5. Trong số này, 34 tàu Trung Quốc được cho là vẫn neo đậu ở đá Ba Đầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin cho biết, quốc gia Đông Nam Á này đang xem xét tiếp tục có động thái phản đối khi các tàu Trung Quốc trong vùng biển tăng lên gần 300 chiếc.
"Đây là điều cần thiết bởi vì bạn không thể bỏ qua bất kỳ sự việc nào", ông nói với Bloomberg TV hôm 12/5.
Căng thẳng trên Biển Đông trong những tháng qua liên quan đến việc hơn 200 tàu cá Trung Quốc được phát hiện neo đậu ở khu vực đá Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Philippines cho rằng các tàu này liên quan đến lực lượng dân quân Trung Quốc, liên tục phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút tàu. Trong khi đó, Trung Quốc nói đây chỉ là tàu cá đang "tránh gió".
Bình luận