Khi một hãng thiết bị Đại lục công bố kế hoạch trở thành cổ đông lớn nhất của một trong những nhà sản xuất robot tiên tiến nhất Đức, nhiều phản ứng dữ dội đã bùng phát. Chính trị gia Đức và giới chức châu Âu không đồng ý về đề nghị thâu tóm hãng Kuka của Midea Group.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức, công nghệ tự động hóa của Kuka, công ty có các cánh tay robot phục vụ cho hoạt động sản xuất máy bay Airbus và ô tô Audi, cần được đặt ngoài tầm tay Đại lục.
Song chỉ hai tháng sau đó, Midea cũng có thương vụ trên nhờ sự kết hợp của các yếu tố chính trị, đảm bảo việc làm, an ninh và sự ủng hộ từ những khách hàng có sức ảnh hưởng như CEO Daimler Dieter Zetsche. Tháng 7, nhà sản xuất trên có được 86% cổ phần, định giá Kuka 5 tỉ USD.
Câu chuyện trên cho thấy cách Trung Quốc đang học hỏi để làm dịu nỗi lo về “đợt mua sắm” 207 tỉ USD ở nước ngoài. Theo các chuyên gia M&A, một thế hệ các nhà đàm phán thương vụ hiểu biết mới đang bắt đầu nổi lên từ nền kinh tế lớn thứ nhì.
“Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc trở nên quá giỏi trong việc điều hướng các thương vụ quốc tế vài năm qua, làm dịu nhiều lo ngại liên quan có thể có. Trong nhiều công ty Trung Quốc lớn hơn, bạn làm việc với các nhà quản lý được đào tạo ở nước ngoài hoặc làm việc trong các doanh nghiệp quốc tế. Họ hiểu mối lo về Trung Quốc và biết mình phải hành động một cách cẩn thận”, đối tác Nicola Mayo của hãng luật Linklaters, người theo dõi các thương vụ giữa Trung Quốc và châu Âu, cho hay.
Sự thành thạo trên khiến giới doanh nghiệp Đại lục trở thành lực lượng mạnh mẽ hơn trong thế giới M&A, đặc biệt là ở châu Âu, khu vực chiếm gần một nửa các thương vụ thâu tóm của Trung Quốc trong năm nay.
Hầu hết các nhà thầu phức tạp của Trung Quốc theo chiến thuật nhất quán, phù hợp để giảm thiểu phản ứng mạnh. Các thương vụ tiếp quản một cách mạnh mẽ dường như bị giới hạn, nhường chỗ cho những đợt thâu tóm thân thiện được công bố sau vài năm tìm hiểu không chính thức.
Họ cam kết giữ đội ngũ quản lý hiện có, đảm bảo đầu tư kéo dài nửa thập kỷ hoặc hơn và thực hiện các bước bảo vệ sự giám sát độc lập.
Đối với thương vụ của Kuka, Midea cam kết duy trì nhiều nhà máy và công ăn việc làm ít nhất đến năm 2023, dài hơn so với mức trung bình của các giao dịch tương tự. Họ cũng hứa để dữ liệu khách hàng tách bạch với công ty mẹ Trung Quốc. Trong lúc đó, Kuka làm dịu lo ngại đến từ phía khách hàng.
Midea cũng nhanh chóng đón lấy nhiều cơ hội khác. Công ty Đại lục gửi thư nói rằng họ sẵn sàng sáp nhập mảng sản xuất thiết bị của General Electric trong 24 giờ khi thỏa thuận với Electrolux thất bại. Dù Midea không thành công, một công ty Trung Quốc khác là Qingdao Haier giành được thương vụ với giá 5,4 tỉ USD mà không phải là một đối thủ phương Tây.
Các thỏa thuận M&A có yếu tố Trung Quốc đã được công bố trong năm nay bao gồm: China National Chemical (ChemChina) chi 43 tỉ USD mua lại công ty Thụy Sĩ Syngenta, Tencent dẫn đầu thương vụ 8,6 tỉ USD giành lấy hãng sản xuất videogame Phần Lan Supercell và China Oceanwide Holdings Group thâu tóm hãng bảo hiểm Mỹ Genworth Financial với 2,7 tỉ USD.
Theo chuyên gia M&A châu Á Joseph Gallagher tại ngân hàng Credit Suisse ở Hồng Kông, làn sóng M&A Trung Quốc đang mở rộng và sâu sắc hơn. Dù Đại lục có nhiều thương vụ “khủng” trong các ngành công nghiệp khác nhau, thỏa thuận giữa ChemChina và Syngenta có thể được xem là thể hiện rõ nhất cách tiếp cận về M&A của Trung Quốc.
Lời đề nghị mua gần như chẳng làm dấy lên tranh cãi ở quê nhà Syngenta là Thụy Sĩ, ngay cả khi doanh nghiệp quốc doanh ChemChina nắm vai trò trung tâm trong ngành thực phẩm toàn cầu.
Theo nguồn thạo tin, việc ít có sự phản đối xuất phát từ sự nhiệt tình của Syngenta đối với thỏa thuận. Vụ M&A được thiết kế để giữ yên vị các nhà quản lý, trụ sở chính tại Thụy Sĩ và việc hướng đến tương lai tái niêm yết trên sàn của công ty. Cơ cấu quản trị công ty phần lớn là từ phía Syngenta đề xuất, dù ChemChina có thay đổi vài yếu tố nhỏ.
“Đây không phải là thương vụ sáp nhập mà chỉ đơn giản là sự thay đổi quyền sở hữu. Nó cũng đảm bảo rằng Syngenta vẫn sẽ là Syngenta”, phát ngôn viên Leandro Conti của Syngenta nói.
Dù vậy, con đường mua sắm không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Có nhiều thương vụ, chẳng hạn như việc Anbang Insurance Group bỏ lời chào mua Starwood Hotels & Resorts Worldwide với giá 14 tỉ USD hồi tháng 4 và việc tỉ phú Vương Kiện Lâm thâu tóm mạnh trong ngành công nghiệp giải trí Mỹ làm dấy lên nhiều lời kêu gọi về ảnh hưởng của Trung Quốc ở Hollywood, gặp chút khó khăn.
Hiện Thủ tướng Đức Angela Merkel đang tìm cách chặt chẽ hóa đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp châu Âu. Chuyên gia M&A toàn cầu Hernan Cristerna tại ngân hàng JPMorgan Chase cho biết ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc lên các quyết định của công ty “có thể khiến bên bán lo lắng”.
Theo ông Cristerna, hiện còn quá sớm để nói rằng liệu các hãng Đại lục có thể giữ đúng lời hứa đưa ra khi ngỏ ý M&A hay không.
Dù có nhiều sự thiếu chắc chắn, mối quan tâm gia tăng của Trung Quốc tại các thị trường nước ngoài và công nghệ đồng nghĩa với việc nhiều thương vụ M&A xuyên biên giới là điều không thể tránh trong tương lai.
Giới hoạch định chính sách Bắc Kinh đã và đang khuyến khích công ty nước nhà thâu tóm ở nước ngoài trong nỗ lực chuyển hướng nền kinh tế từ sản xuất cấp thấp sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và tiêu dùng.Trung Quốc tạo 'cơn bão mua sắm' 207 tỉ USD trên thế giới ra sao? - ảnh 3
Bình luận