Tân Hoa Xã ngày 13/9 đưa tin, Trung Quốc quyết định tăng tuổi nghỉ hưu thêm tối đa 5 năm trong bối cảnh nước này đang phải vật lộn với suy thoái kinh tế và áp lực ngày càng tăng từ tình trạng già hóa dân số.
Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nam giới sẽ tăng từ 60 lên 63 tuổi, trong khi nhân viên văn phòng nữ tăng từ 55 lên 58 tuổi.
Sự gia tăng ảnh hưởng nhất tới lao động chân tay nữ, những người trước đây có thể nghỉ hưu ở tuổi 50 thì giờ sẽ phải đợi đến khi họ 55 tuổi.
Các chính sách mới cũng sẽ cho phép cá nhân hoãn nghỉ hưu đến thời điểm muộn hơn nữa nếu họ đạt được thỏa thuận với bên sử dụng lao động, nhưng thời gian trì hoãn không được quá 3 năm.
Sự thay đổi này sẽ diễn ra trong 15 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025.
Tuổi nghỉ hưu cũ ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế phát triển. Ở Nhật Bản, người lao động có thể bắt đầu nhận lương hưu ở tuổi 65, trong khi tuổi nghỉ hữu ở Hàn Quốc là 63.
Trung Quốc đã cân nhắc việc tăng tuổi nghỉ hưu trong nhiều năm và hiện tại các chính quyền địa phương đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách lương hưu.
Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cảnh báo rằng theo xu hướng hiện tại, hệ thống lương hưu sẽ cạn kiệt tiền vào năm 2035.
Theo báo cáo của đài truyền hình nhà nước CCTV, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc (16 đến 59 tuổi) đã giảm 40 triệu chỉ sau hơn một thập niên, xuống còn 879 triệu người vào năm 2020.
Trong khi đó, nhóm người từ 65 tuổi trở lên dự kiến sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc vào khoảng năm 2035, tăng từ mức 14,2% vào năm 2021.
Trung Quốc cũng đối mặt với hiện trạng tỷ lệ sinh thấp. Theo dự đoán của Liên hợp quốc, dân số nước này dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,3 tỷ vào năm 2050 và có thể giảm xuống dưới 800 triệu vào năm 2100.
Theo nhà phân tích Eric Zhu của Bloomberg Economics, động thái tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp ích cho Trung Quốc về lâu dài nhưng hiện tại có thể làm trầm trọng thêm vấn đề thất nghiệp ở thanh niên, vốn đang rất khó tìm việc khi những người lao động lớn tuổi giữ được việc làm lâu hơn.
Bình luận