Theo dữ liệu công bố hôm 17/1, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 3% trong năm 2022 - chưa bằng một nửa so với năm 2021 và kém xa mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh. Tăng trưởng Trung Quốc thụt lùi được cho là do các đợt phong tỏa nhằm kiểm soát COVID-19.
Trước bối cảnh này, Trung Quốc tuyên bố mở cửa biên giới và dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp cách ly phòng COVID-19 từ ngày 8/1. Quyết định này là bước đi cuối cùng của Bắc Kinh trong việc hủy bỏ chính sách phòng dịch Zero COVID-19 được Trung Quốc áp dụng trong suốt 3 năm qua.
Sự đảo ngược chính sách của Trung Quốc dấy lên hy vọng sẽ giúp nước này lấy lại được đà tăng trưởng kinh tế vào cuối năm nay. Người tiêu dùng Trung Quốc là nguồn doanh thu gần như không thể thay thế đối với các công ty trong nước và nước ngoài.
Việc Trung Quốc mở cửa hậu COVID-19 có ý nghĩa với thế giới. Các nhà máy của nước này sản xuất lớn hơn sản lượng của Mỹ, Đức và Nhật Bản cộng lại.
Dù chịu tác động bởi chính sách "Zero COVID", kinh tế Trung Quốc vẫn có mức tăng trưởng nhanh hơn so với các đối thủ lớn như Mỹ, Nhật Bản và Đức năm ngoái. Theo giới phân tích kinh tế, những nước này tăng trưởng dưới 2% vào năm ngoái.
Theo dữ liệu Cục Thống kê Quốc gia cũng công bố, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm 1,8% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm 2021, Để phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng, Trung Quốc phải khôi phục niềm tin của họ.
Quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đã đạt đến một thời điểm quan trọng khi dân số Trung Quốc đã bắt đầu giảm, sau khi tỷ lệ sinh giảm liên tục trong nhiều năm.
Hôm 17/1, Chính phủ Trung Quốc cho biết 9,56 triệu người được sinh ra ở Trung Quốc vào năm 2022, trong khi 10,41 triệu người đã chết. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong nhiều hơn số ca sinh ở Trung Quốc kể từ đầu những năm 1960.
Số ca sinh đã giảm từ 10,6 triệu vào năm 2021. Đây là năm thứ sáu liên tiếp con số này giảm. Các chuyên gia cho biết sự suy giảm đó, cùng với sự gia tăng tuổi thọ kéo dài, đẩy Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng nhân khẩu học sẽ gây ra những hậu quả trong thế kỷ này. Tác động không chỉ dừng lại đối với Trung Quốc và nền kinh tế của nước này mà còn đối với thế giới.
“Về lâu dài, chúng ta sẽ chứng kiến một Trung Quốc mà thế giới chưa từng thấy. Trung Quốc sẽ là một quốc gia dân số già và đang giảm dần", Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California ở Irvine, chuyên nghiên cứu về nhân khẩu học ở Trung Quốc, cho biết.
Xu hướng này dấy lên nhiều lo ngại khi ngày Trung Quốc sẽ rơi vào cảnh không có đủ người trong độ tuổi lao động để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng cao. Tình trạng thiếu lao động cũng sẽ làm giảm doanh thu thuế và đóng góp cho hệ thống hưu trí vốn đang chịu áp lực rất lớn ở nước này.
Theo ước tính gần đây của Liên hợp quốc, kết quả này, có thể có tác động đối với trật tự toàn cầu. Dân số Ấn Độ được dự báo sẽ tăng nhanh hơn Trung Quốc vào cuối năm nay.
Điều này đến sớm hơn dự đoán của các nhà nhân khẩu học, nhà thống kê của Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc năm ngoái thừa nhận rằng nước này đang trên bờ vực suy giảm dân số có thể sẽ bắt đầu trước năm 2025.
Bình luận