Theo tờ DW (Đức), hiện tại Nga có thể không cung cấp nhiều khí đốt trực tiếp cho phương Tây, dù vậy nước này có thể tìm đường vào EU qua một ngả khác.
Trong lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga gặp nhau để xem xét các vấn đề rộng lớn hơn, một số báo cáo chỉ ra rằng xuất khẩu khí đốt của Nga đang tìm đường vào châu Âu, thông qua Trung Quốc.
Ông Nicholas Kumleben, Giám đốc nghiên cứu năng lượng của công ty tư vấn kinh tế vĩ mô Greenmantle, cho rằng: "Thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu đang ngày càng được tích hợp tốt và sự thay đổi nhu cầu trong khu vực có thể giúp cân bằng các thị trường đang bị thắt chặt”.
Theo báo cáo của Nikkei, trước mùa Đông năm nay, kho chứa khí đốt của châu Âu gần như đã đầy 80%, một phần là nhờ xuất khẩu LNG từ Trung Quốc, trong khi Nga đã giảm đáng kể nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Trung Quốc tăng tốc xuất khẩu khí đốt
Các công ty LNG của Trung Quốc đã tăng nguồn cung cấp cho thị trường nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tăng cao.
Từ đầu năm đến nay, các công ty Trung Quốc đã bán 4 triệu tấn LNG ra thị trường quốc tế. Con số này chiếm khoảng 7% lượng tiêu thụ khí đốt của châu Âu trong nửa đầu năm. Tập đoàn JOVO của Trung Quốc, một nhà môi giới LNG, cho biết họ đã bán lô hàng LNG trị giá tới 100 triệu USD cho một khách hàng châu Âu.
Tập đoàn lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, Sinopec Group, cũng cho biết họ đã chuyển LNG dư thừa ra thị trường quốc tế. Theo truyền thông địa phương, Sinopec đã bán 45 chuyến hàng LNG, tương đương khoảng 3,15 triệu tấn.
Bà Anna Mikulska, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng thuộc Viện Chính sách Công Baker - Đại học Rice, nói với DW: “Nếu châu Âu đang mua LNG từ Trung Quốc, thì có khả năng một số có thể là của Nga, đặc biệt là loại hỗn hợp. Tôi không tin rằng có bất kỳ quy tắc nào về nguồn gốc, cuối cùng thì vấn đề thực sự vẫn là sự dịch chuyển của hàng hóa."
Moskva đã cắt giảm nguồn cung một cách có hệ thống và các thị trường LNG được kết nối với nhau. “EU không thể làm gì khác ngoài việc không mua khí đốt từ Trung Quốc nhưng họ lại đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng vào mùa Đông”, bà Mikulska nói, “Bằng cách đó, chính Trung Quốc chứ không phải Nga sẽ thu được lợi nhuận bổ sung tiềm năng từ việc bán lại lượng khí đốt này".
Tăng nhập khẩu khí đốt của Nga
Doanh số bán khí đốt qua đường ống của Nga sang Trung Quốc đã tăng gần 65% trong sáu tháng đầu năm so với năm 2021. Theo Bloomberg, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, chi tiêu của Trung Quốc cho nhập khẩu năng lượng từ Nga đã tăng lên 35 tỷ USD, từ mức 20 tỷ USD một năm trước đó.
“Người khổng lồ” Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã ký một thỏa thuận 30 năm trị giá 400 tỷ USD vào năm 2014 để xây dựng “Sức mạnh Siberia”, một đường ống trải dài 3.000 km ở Nga và 5.000 km ở Trung Quốc. Đường ống này được khởi động vào cuối năm 2019 và dự kiến sẽ cung cấp cho Trung Quốc tới 38 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm khi đạt công suất tối đa vào năm 2025.
Các kế hoạch năng lượng của Moskva cũng kêu gọi tăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Nga biết rằng họ cần phải đa dạng hóa sang các thị trường mới khi EU giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung của mình.
"Những gì Nga bán cho Trung Quốc cũng trên cơ sở giá theo hợp đồng, và theo hiểu biết của tôi, thỏa thuận mà Nga – Trung thực hiện đối với ‘Power of Siberia 1’ (đường ống Sức mạnh Siberia 1) khá có lợi hơn đối với Trung Quốc, cả về giá cả", chuyên gia Mikulska giải thích.
“Trung Quốc sẽ phá vỡ thế độc quyền xuất khẩu của Gazprom khi bán lại LNG từ khí đốt của Nga”, Albrecht Rothacher, một nhà ngoại giao EU và chuyên gia về Đông Á, cho biết.
Các chuyên gia cảnh báo rằng châu Âu không thể mong đợi các nhà cung cấp Trung Quốc bù đắp tình trạng thiếu hụt năng lượng, vì tổng lượng khí đốt mà Trung Quốc có thể xuất khẩu sang châu Âu vẫn là hạn chế so với các nguồn khác như Nga.
Ngoài ra, khi hoạt động kinh tế hồi sinh ở Trung Quốc, tình hình sẽ đảo ngược, khiến châu Âu phụ thuộc vào Bắc Kinh với nguồn cung cấp khí đốt có giá cao hơn.
Ông Rothacher nhận xét: “Tôi e rằng Trung Quốc vẫn chưa thực sự nằm trong tầm ngắm của EU về việc cung cấp LNG tiềm năng. Có thể có một số lô hàng thặng dư từ Yamal đi về phía Tây đến châu Âu, nhưng số đó sẽ là nhỏ so với những gì EU cần nhập khẩu từ Na Uy, Algeria, Qatar, UAR, Turkmenistan, Azerbaijan, Oman, Israel, có thể là Iran".
Hợp tác Trung - Nga
Về phần mình, chuyên gia Mikulsksa tin rằng tình hình cho thấy vấn đề mà EU cũng như Mỹ và NATO sẽ cần thực sự suy nghĩ, là khả năng “Nga và Trung Quốc có thể phối hợp để gây ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu đến một mức độ lớn hơn nhiều so với khi họ hành động độc lập”.
Bà Mikulska cho biết thêm rằng Nga sẽ không dễ dàng tiếp tục thu lợi nhuận cao từ doanh số bán khí đốt khá thấp khi các nước châu Âu rời bỏ khí đốt của nước này và giá cả sẽ ở mức vừa phải.
"Ngoài ra, có khả năng Nga khiến mình ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc về nhu cầu năng lượng. Và mặc dù hiện tại các quốc gia này hợp tác với nhau, đó là một mối quan hệ phức tạp", bà Mikulska nhận định.
Bình luận