Diêm Thành từ lâu đã nổi tiếng là nhà tù kiên cố và được bảo vệ nghiêm ngặt bậc nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, mức độ an ninh tại nhà tù này tiếp tục được nâng thêm một bậc khi giới chức quyết định sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để giám sát các phạm nhân.
Cụ thể, hệ thống camera trong tù được tích hợp trí tuệ nhân tạo sẽ theo dõi nhất cử nhất động của các phạm nhân, phát đi cảnh báo ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu nào đó bất thường. Các chuyên gia cũng tin rằng công nghệ mới này sẽ khiến việc vượt ngục trở nên bất khả thi bởi ngay cả khi tù nhân có thể mua chuộc cai ngục, họ cũng không thể ngăn hệ thống kích hoạt báo động.
Giống như nhiều nhà tù khác tại Trung Quốc, Diêm Thành được đặt dưới sự giám sát của Bộ Tư Pháp Trung Quốc.
Đây là nơi giam giữ khoảng 1.600 phạm nhân với hàng loạt những cái tên từng là các nhân vật cộm cán trên chính trường Trung Quốc như Cốc Khai Lai - vợ của cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai đang thụ án chung thân vì sát hại một doanh nhân Anh, Nhuế Thành Cương - phóng viên nổi tiếng của CCTV bị bắt giữ không rõ lý do vào năm 2014, Trương Thự Quang - cựu phó kỹ sư trưởng Bộ Đường sắt hay Nam Dũng - cựu Phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc và một số phạm nhân ngoại quốc.
Với điều kiện vật chất tương đối thoải mái bên trong, Diêm Thành còn được ví như một nhà tù hạng sang, giam giữ các "phạm nhân VIP".
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, ban quản lý trại giam liên tục nhận được phàn nàn từ cấp trên đề nghị cải thiện hoạt động.
Tháng 12/2018, một nhóm thanh tra kỷ luật của đảng cảnh báo Diêm Thành đang không nắm rõ "bản chất chính trị của mình trong kỷ nguyên mới" và đề cập tới việc các cai ngục thường xuyên có các hành vi vi phạm quy tắc, đi ngược lại với sự trung thành chính trị và đạo đức nghề nghiệp.
Đây được xem là nguyên nhân khiến nhà tù rộng 40 ha ở Hà Bắc mạnh tay lắp đặt công nghệ trí tuệ nhân tạo để giám sát phạm nhân. Về cơ bản, việc lắp đặt gần như đã hoàn thành.
Hệ thống "nhà tù" thông minh mới bao gồm mạng lưới các camera giám sát và cảm biến bí mật hoạt động như các "nơ-ron thần kinh". Một máy chủ được tích hợp trí tuệ nhân tạo sẽ có vai trò như "não bộ" thu nhận dữ liệu truyền về từ các nơ-ron thần kinh này, qua đó giám sát tất cả các tù nhân 24/24.
Tới cuối ngày, hệ thống sẽ trả ra một báo cáo toàn diện phân tích hành vi, chuyển động của các phạm nhân trong ngày. Nếu một phạm nhân nhấp nhổm liên tục trong phòng giam trong một thời gian dài, hành động này sẽ bị dán nhãn đáng ngờ về lập tức gửi thông báo cho quản giáo.
Theo Meng Qingbiao, đại diện của dự án, với việc trang bị hệ thống giám sát tối tân này, "việc vượt ngục giờ đã chỉ còn trong dĩ vàng".
Mặc dù vậy, việc giám sát tù nhân bằng công nghệ mọi lúc, mọi nơi cũng đặt ra dấu hỏi về vấn đề đạo đức.
Zhang Xuemin, giáo sư sinh lý học tới từ Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho rằng trí tuệ nhân tạo và AI sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và tinh thần của các phạm nhân. Ông này cho rằng bất chấp hệ thống giám sát có thông minh tới đâu, các tù nhân vẫn có thể khai thác điểm yếu của nó để phục vụ cho mục đích của mình.
Tuy nhiên, ông Ding Zhenyang, giáo sư kỹ thuật điện tại Đại học Thiên Tân, người tham gia dự án khẳng định tù nhân có thể đánh lừa hoặc camera hoặc cảm biến chứ không thể qua mặt cùng lúc cả hai.
Bình luận