Tuần trước, trong khi lãnh đạo các nước G7 tập trung tại Hiroshima (Nhật Bản) để tìm cách gây sức ép, đối chọi lại với Trung Quốc, tại thành phố Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Chủ tịch Tập Cận Bình "trải thảm đỏ" chào đón lãnh đạo 5 quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần đầu tiên.
Động thái của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Nga đang phải dồn sức cho chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine. Do đó, vai trò "anh cả" của Moskva đối với các quốc gia Trung Á có phần suy giảm khi Nga đang phải tập trung nguồn lực cho nhiều mặt trận khác nhau.
Trung Quốc 'chớp thời cơ'
Hội nghị Trung Quốc - Trung Á ở Tây An là hội nghị thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ với các quốc gia Trung Á cách đây 31 năm. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rót 26 tỷ nhân dân tệ (3,7 tỷ USD) hỗ trợ tài chính và trợ cấp cho các nước Trung Á.
Theo giới quan sát, cam kết hỗ trợ được đưa ra tại hội nghị này là một phần trong nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm thể hiện với lãnh đạo các nước đến từ Trung Á rằng Trung Quốc là đối tác hào phóng và đáng tin cậy.
Meaghan Tobin - nhà phân tích về quan hệ quốc tế của Washington Post, nhận định điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Trung Á, nhằm thúc đẩy một thế giới đa cực, nơi Mỹ không còn là siêu cường toàn cầu duy nhất.
Theo học giả người Thụy Điển và chuyên gia về Nga Stefan Hedlund, trong bối cảnh ảnh hưởng của Nga đang suy giảm trong khu vực, Trung Quốc sẵn sàng "lấp chỗ trống", thay thế vị trí của Moskva. "Đây là lần đầu tiên vai trò của Nga - từng là bá chủ ở Trung Á trong nhiều thập kỷ, bị giảm sút. Và điều này xảy ra sau khi Nga đánh mất tình bạn trong khu vực và Trung Quốc chộp lấy cơ hội trở thành bá chủ mới", Stefan Hedlund cho hay.
Trung Á từng là nơi "Con đường Tơ lụa" lịch sử nối liền Trung Quốc với châu Âu đi qua. Khu vực này những năm qua trở thành chìa khóa cho sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
Bên cạnh tham vọng gây ảnh hưởng kinh tế ở khu vực thông qua các khoản viện trợ mạnh tay, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra những lời hứa hẹn về thúc đẩy thương mại, tăng cường thực thi pháp luật, xây dựng năng lực an ninh và quốc phòng ở khu vực.
"Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á cho thấy sự thống nhất và sự đồng thuận khu vực với Bắc Kinh. Các nước Trung Á hiểu rằng trong thế giới đa cực này, họ được kỳ vọng sẽ đứng về phía Nga và Trung Quốc", Niva Yau, thành viên của Trung tâm Trung Quốc toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Bishkek, Kyrgyzstan, nhận định.
Theo Yang Jiang - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, trong bối cảnh chính phủ các nước Trung Á muốn tạo dựng các liên kết kinh tế quốc tế, cả Trung Quốc và Nga cũng muốn củng cố mối quan hệ chặt chẽ và ổn định trong khu vực, nhất là khi cả Moskva và Bắc Kinh đang tìm cách duy trì các tuyến đường bộ vững chắc để tránh các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Chuyên gia Yang Jiang không cho rằng "Trung Quốc cố gắng thay thế Nga, đặc biệt là về ảnh hưởng chiến lược và ảnh hưởng văn hóa", ngay cả khi "về mặt kinh tế, Trung Quốc chắc chắn là cường quốc mạnh hơn Nga".
Tại hội nghị, lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh, tăng cường quan hệ với khu vực này là "lựa chọn chiến lược" của Bắc Kinh, kêu gọi mở ra tương lai tươi sáng cho quan hệ của Trung Quốc với Trung Á.
Việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á lần đầu là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này. Trung Quốc hy vọng tăng cường quan hệ với các nước Trung Á do tầm quan trọng chiến lược của khu vực đối với sáng kiến BRI. Việc Nga đang đồn sức cho xung đột với Ukraine được cho sẽ tạo ra khoảng trống để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.
Tháng 9 năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã chọn Trung Á cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau hơn 2 năm nước này đóng biên, thực thi chính sách "Zero COVID" để phòng chống dịch COVID-19. Ông Tập Cận Bình dành 3 ngày ở Kazakhstan và Uzbekistan và tham dự hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) - tổ chức kinh tế và an ninh do Trung Quốc dẫn dắt.
Trung Quốc đã dành nhiều ưu tiên cho Trung Á. Kazakhstan là nơi ông Tập Cận Bình khởi động sáng kiến BRI năm 2013, trong đó Trung Quốc mạnh tay đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Trung Á. Thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á đạt mức kỷ lục 70 tỷ USD trong năm 2022, tăng 22% trong quý đầu tiên năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình thông báo Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc mở rộng đường ống với Trung Á. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc và Công ty Quốc gia KazMunayGas của Kazakhstan đồng ý khai thác đường ống này.
Mới đây, Kyrgyzstan cũng nhất trí giao dịch với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Khi quan hệ kinh tế của Trung Quốc với Nga ngày càng sâu sắc, đồng nhân dân tệ đã trở thành loại tiền tệ được giao dịch nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Moskva. Các nước từ Brazil tới Bangladesh cũng bày tỏ quan tâm tới giao dịch sử dụng nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh coi việc thúc đẩy thịnh vượng kinh tế ở Trung Á là chìa khóa để ngăn nguy cơ bạo lực và bất ổn ở khu vực Tân Cương. Trong tuyên bố chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Tây An, các lãnh đạo Trung Á đđảm bảo sẽ không can thiệp vào chính sách của Trung Quốc trong vấn đề Hong Kong, Đài Loan hoặc Tân Cương.
Trung Quốc sẽ thay thế vai trò Nga?
Từ lâu, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi Trung Á là “khu vực ổn định nhất” của Nga. Quan điểm của ông Putin về Trung Á là một phần trong phạm vi ảnh hưởng của Nga không phải là không chính đáng. Trong hơn 20 năm cầm quyền của ông, quan hệ của Nga hầu như không thay đổi với cả 5 quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Giới phân tích cho rằng, dù các nước Trung Á đang tìm kiếm một đối tác an ninh đáng tin cậy khi không nhận được sự đảm bảo từ Nga như trước đây, nhưng họ không tìm kiếm một đối tác chống lại Moskva. Chính quyền các nước trong khu vực muốn đảm bảo an ninh đối phó lại những cuộc nổi loạn trong nước, không phải tập hợp lực lượng, đối đầu cường quốc khác.
Nga đã từng đóng vai "người đảm bảo" cho sự ổn định trong nước ở khu vực. Tháng 1 năm ngoái, Moskva gửi hàng nghìn quân đến Kazakhstan để giúp dập tắt cuộc nổi dậy chống chính phủ ở nước này. Mối quan hệ hậu Xô Viết được xem là lợi thế để Nga vượt Trung Quốc trong cuộc đua giành ảnh hưởng ở Trung Á, song xung đột ở Ukraine đã thay đổi những tính toán đó.
Hội nghị thượng đỉnh cho thấy cách 5 quốc gia Trung Á - theo truyền thống chịu ảnh hưởng của Nga với tư cách là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, đang xoay trục để liên kết nhiều hơn với Trung Quốc như một nguồn đầu tư và đảm bảo an ninh.
Năm nước Trung Á không chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu lên án Nga tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hồi tháng 2. Tuy nhiên, quyết định phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine của Moskva cũng khiến các nước Trung Á lo lắng.
Là một phần của hội nghị thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình đã tổ chức một loạt cuộc gặp trực tiếp với 5 lãnh đạo các nước Trung Á. Trong các cuộc họp tại hội nghị, lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh ủng hộ chủ quyền các quốc gia Trung Á.
Theo Shen Shiwei, nhà phân tích về quan hệ quốc tế cho rằng ở Trung Á, Trung Quốc và Nga không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau.
"Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế khu vực và Nga vẫn không thể thay thế về mặt an ninh và ổn định chiến lược. Trong Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Trung Quốc, Nga và các nước Trung Á đang hợp tác tích cực về vấn đề an ninh khu vực và chống khủng bố", Shen Shiwei nhấn mạnh.
Shen Shiwei cũng lưu ý rằng sự can dự của Bắc Kinh vào khu vực sẽ không tác động tiêu cực đến vị thế của Washington hay các nước châu Âu.
“Từ quan điểm của Trung Quốc, hợp tác Trung Quốc - Trung Á không ảnh hưởng đến sự hợp tác của các nước Trung Á với Nga, Mỹ và châu Âu. Tôi đã nghiên cứu các lý thuyết quan hệ quốc tế của phương Tây trong một thời gian khá dài và tôi thấy rằng lý thuyết trò chơi có tổng bằng không không phù hợp với tình hình thực tế ở Trung Á", Shen Shiwei cho hay.
“Nằm trên tuyến đường bộ quan trọng Á - Âu. Các nước Trung Á có sự hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, Nga, Mỹ và châu Âu", chuyên gia Shen Shiwei cho biết thêm.
Theo vị chuyên gia này, các quốc gia Trung Á không chọn bên song họ cũng muốn tranh thủ cơ hội để thúc đẩy hợp tác kinh tế với các cường quốc, tham gia mạnh mẽ vào các liên kết kinh tế quốc tế.
"Các quốc gia Trung Á phản đối áp lực chọn bên. Trung Quốc và các nước Trung Á có sự đồng thuận mạnh mẽ trong việc lên án nỗ lực của các thế lực bên ngoài nhằm kích động cách mạng màu ở Trung Á, kiên quyết phản đối việc can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác", chuyên gia Shen Shiwei cho hay.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Trung Á nhằm cân bằng và duy trì các mối quan hệ riêng biệt với Trung Quốc, Nga và Mỹ có thể bị thử thách khi các bên tranh giành các nguồn tài nguyên quan trọng, trong đó cả nguồn khoáng sản đất hiếm ở khu vực.
"Trung Quốc cần nhiều tài nguyên khoáng sản hơn từ Trung Á và cần khu vực này để vận chuyển hàng hoá đến thị trường châu Âu", Artem Dankov, chuyên gia của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, Phó Giáo sư tại Đại học Tomsk, cho hay.
“Chúng ta cũng cần nhớ rằng Trung Á là một trong những thị trường quan trọng đối với các công ty Trung Quốc từ Tân Cương và các tỉnh miền Tây khác”, ông Artem Dankov nói thêm.
Bình luận