Hôm 23/3, Trung Quốc cho biết, nước này triệu tập các nhà ngoại giao của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Canada và Anh để lên tiếng phản đối việc các nước này đồng loạt áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi các biện pháp trừng phạt mới là "sự vu khống và xúc phạm danh tiếng và phẩm giá của người dân Trung Quốc".
“Các nước không nên đánh giá thấp quyết tâm kiên định của người Trung Quốc trong việc bảo vệ lợi ích và phẩm giá quốc gia. Các quốc gia này sẽ phải trả giá cho sự điên rồ và kiêu ngạo của mình”, bà Hoa Xuân Oánh cho biết tại cuộc họp báo hôm 23/3.
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị lên án trước làn sóng chỉ trích và trừng phạt của các quốc gia phương Tây. Nga cũng đang hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây với cáo buộc vi phạm nhân quyền và gây hấn quân sự với Ukraine.
Tại một cuộc họp báo ở thành phố Nam Ninh, ông Vương Nghị và ông Sergei Lavrov bác bỏ những chỉ trích từ bên ngoài về hệ thống chính trị độc đoán, cho biết cả Nga và Trung Quốc đang nỗ lực để đạt được tiến bộ toàn cầu hơn nữa về các vấn đề từ biến đổi khí hậu đến đại dịch COVID-19.
“Các quốc gia nên hợp tác với nhau để phản đối tất cả các hình thức trừng phạt đơn phương. Những biện pháp này sẽ không được cộng đồng quốc tế chấp nhận”, Ngoại trưởng Vương Nghị cho hay.
Ngoại trưởng Lavrov cho biết, mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc ngày càng được thắt chặt khi quan hệ Matxcơva với EU bị tổn hại, đồng thời cáo buộc phương Tây "áp đặt các quy tắc của riêng”.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nga và Trung Quốc cho biết không quốc gia nào nên tìm cách áp đặt hình thức dân chủ lên nước khác. “Việc can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền với lý do ‘thúc đẩy dân chủ’ là không thể chấp nhận”, tuyên bố chung nêu.
Về phía các nước phương Tây, Đức, Italy và các quốc gia EU khác cũng đã triệu đại sứ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Đức hôm 23/3 cho biết đại sứ Trung Quốc Wu Ken "đã được triệu tập để trao đổi khẩn cấp" với Miguel Berger, quan chức phụ trách văn phòng ngoại vụ Bộ Ngoại giao Đức.
"Lệnh trừng phạt của Trung Quốc... tượng trưng cho bước leo thang không phù hợp, gây căng thẳng trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc một cách không cần thiết", thông báo của Berlin có đoạn.
Bộ Ngoại giao Đức gọi các lệnh trừng phạt của Trung Quốc là "động thái khó hiểu" và kêu gọi Bắc Kinh "rút lại ngay lập tức".
Italy hôm qua cho biết sẽ triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Rome vào ngày 24/3. Trong khi đó, đại sứ Trung Quốc tại Đan Mạch Feng Tie đã gặp quan chức Bộ Ngoại giao nước này và được thông báo rằng Copenhagen phản đối động thái của Bắc Kinh. Bỉ, Pháp và Lithuania cũng triệu tập đại sứ Trung Quốc tại các nước này để nêu rõ quan điểm.
Hôm 22/3, Mỹ, EU, Anh và Canada áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc với các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Đây là hành động phối hợp của phương Tây chống lại Bắc Kinh dưới thời tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã thêm 2 quan chức Trung Quốc vào danh sách trừng phạt vì vấn đề Tân Cương. Trong khi đó, EU chính thức áp lệnh trừng phạt đối với 4 quan chức Trung Quốc, còn Anh và Canada áp biện pháp trừng phạt tương tự.
Bình luận