SCMP dẫn nguồn từ giới chuyên gia quân sự cho rằng,Trung Quốc dự kiến sẽ củng cố hệ thống phòng thủ để kiềm chế lực lượng quân sự các nước khác hiện diện ở ngoài khơi nước này. Động thái này diễn ra khi Mỹ chuẩn bị mở rộng sự hiện diện quân sự ở các quốc gia khác trong khu vực. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng có thể gia tăng áp lực lên các quốc gia láng giềng trong việc giữ khoảng cách với Mỹ.
Nhận định này của giới phân tích được đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng Trung Quốc là thách thức, yêu cầu quốc hội tăng ngân sách quốc phòng lên mức 866 tỷ USD cho năm 2024, trong đó 842 tỷ USD sẽ được dành cho Lầu Năm Góc.
Nếu được duyệt cấp, đây sẽ là ngân sách quốc phòng thời bình lớn nhất của Mỹ, tăng 3,2% so với năm trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết ngân sách mới sẽ thực hiện “các khoản đầu tư lớn” để “duy trì” lợi thế quân sự của nước này trước Trung Quốc.
Để duy trì lợi thế đó, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ đang tìm cách tăng cường khả năng răn đe của Washington đối với Bắc Kinh, trong dó có việc nâng cấp vũ khí mới, cơ sở hạ tầng mới và củng cố mối quan hệ chặt chẽ hơn với đồng minh trong khu vực.
Mối quan hệ với đồng minh, đối tác trong khu vực đã được Mỹ cụ thể hoá thông qua việc bán tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Đây là động thái vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đang tăng cường chi tiêu quân sự. Theo đó, tại phiên họp quốc hội thường niên vào đầu tháng này, Trung Quốc nêu ra kế hoạch chi tiêu cho quốc phòng sẽ tăng 7,6% lên 1,55 nghìn tỷ nhân dân tệ (224,8 tỷ USD).
Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho rằng Mỹ đang cố gắng cải thiện “khả năng chống tiếp cận và ngăn chặn khu vực tầm xa để đối phó với Trung Quốc".
“Chúng ta đang chứng kiến sự khởi đầu của một cuộc cạnh tranh tên lửa hoặc vũ khí tấn công trong khu vực. Với việc Mỹ nhận ra rằng họ cần phải phòng thủ ở tầm xa, thay vì đặt tàu hải quân hoặc máy bay trong giới hạn chống tiếp cận đối với Trung Quốc", chuyên gia Malcolm Davis nói.
Theo Raymond Kuo, chuyên gia về an ninh Đông Á tại Rand Corporation (một tổ chức nghiên cứu của Mỹ), ngân sách quốc phòng mà Nhà Trắng đề xuất được Quốc hội Mỹ thông qua sẽ gia tăng đáng kể ưu tiên của quân đội Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Trong 'cuộc chiến chống khủng bố', Mỹ tập trung lực lượng và căn cứ vào Trung Đông và Trung Á. Thế nhưng, giờ đây, Mỹ đang ở 'tư thế chủ động hơn' trong khu vực", ông Raymond Kuo nhận định.
Đầu tháng 2, Philippines cho phép Mỹ quyền tiếp cận bốn căn cứ mới trong nước này, đồng thời Washington cũng có thể sử dụng các căn cứ để đào tạo, huấn luyện binh sĩ.
“Việc gia hạn quyền tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ trong khu vực như trường hợp với Philippines gần đây là chìa khóa để Mỹ bố trí lực lượng cần thiết trên thực địa, sẵn sàng bảo vệ tự do hàng hải và thương mại hàng hải, cũng như hỗ trợ đối tác và đồng minh phòng thủ", ông Raymond Kuo nói thêm.
Theo chuyên gia Raymond Kuo, động thái này của Mỹ và đồng minh sẽ là lời cảnh báo đối với Trung Quốc. “Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào hiện đại hóa quân đội cả về năng lực thông thường cũng như các lĩnh vực mới như không gian mạng và không gian bên ngoài. Nước này cũng sẽ dựa vào ảnh hưởng trong quan hệ kinh tế với các nước trong khu vực để đối chọi với sức mạnh từ Mỹ", ông nói.
Nhà phân tích Malcolm Davis cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tăng cường khả năng ngăn chặn, chống tiếp cận trong khu vực bằng việc mở rộng phạm vi hoạt động của lực lượng quân sự nước này. Các lực lượng được triển khai ở phía trước sẽ là những lực lượng từ trụ sở tại các quốc gia khác trong khu vực.
Theo ông Malcolm Davis, Trung Quốc cũng sẽ cố gắng giảm ảnh hưởng ngày càng tăng của Mỹ bằng cách cải thiện quan hệ với một số nước Đông Nam Á, song điều đó sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Bắc Kinh có thể gây sức ép để một số quốc gia trong khu vực cắt đứt quan hệ với Mỹ, tuy nhiên, chắc chắn điều đó sẽ không thành công trong trường hợp Philippines", ông cho hay.
Bình luận