• Zalo

'Trung Quốc phải vất vả đối phó, bắt đi không hết tôm hùm đất, làm gì có chuyện thu lợi tỷ USD'

Kinh tếThứ Bảy, 25/05/2019 07:45:00 +07:00Google News

Chuyên gia thủy sản cho rằng, thông tin Trung Quốc thu lời tỷ USD từ tôm hùm đất là thiếu chính xác bởi nước này đang phải "vất vả đối phó, bắt đi không hết".

Thông tin Việt Nam cấm nhập khẩu tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm hùm đỏ, tôm càng đỏ) đang gây xôn xao dư luận.  Đặc biệt, mấy ngày nay, thông tin ngành chế biến tôm hùm đất ở Trung Quốc đạt giá trị hàng chục tỷ USD khiến nhiều người thắc mắc có nên cấm hoàn toàn tôm hùm đất ở Việt Nam hay nên tìm mô hình phát triển?

Trước những hoài nghi của dư luận, trả lời VTC News, TS Bùi Quang Tề (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) khẳng định, thông tin Trung Quốc thu lợi nhuận hàng chục tỷ USD từ loài tôm này là thiếu chính xác.

“Với tư cách nhà khoa học, tôi khẳng định không thể có chuyện lợi nhuận đến chục tỷ USD từ tôm hùm đất. Loài tôm hùm đất này có hại rất nhiều, hiện Trung Quốc cũng phải vất vả đối phó, bắt đi không hết, không có chuyện thu lợi như vậy”, ông Tề quả quyết.

Nói thêm về giá trị kinh tế của tôm hùm đất, ông Tề cho biết, con tôm này thịt rất ít, chỉ chiếm khoảng 20-30%, nhìn có vẻ đẹp mã chứ không có thịt, giá trị không thể so với tôm của Việt Nam.

tom hum dat 3

 Tôm hùm đất (tôm hùm đỏ).

 
Loài tôm hùm đất này có hại rất nhiều, hiện Trung Quốc cũng phải vất vả đối phó, bắt đi không hết, không có chuyện thu lợi như vậy

TS Bùi Quang Tề

Theo chuyên gia thủy sản, tôm hùm đất là loài sinh vật có nguồn gốc ngoại lai và không phải bây giờ mới du nhập vào Việt Nam. Cách đây khoảng 5 – 7 năm, loài này từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ và cả ở Đồng Tháp.

Tuy nhiên, sau đó xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển.

Theo ông Tề, tôm hùm đất là loại sinh vật hoạt động mạnh, phàm ăn, có nguy cơ phá hủy môi trường sinh thái của các loại sinh vật bản địa.

Hiện Trung Quốc vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang khi chúng đã lấn át hết các sinh vật bản địa.

“Nếu loài này phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại cho sản xuất nông nghiệp, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng, gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm”, ông Tề cho hay.

Đồng quan điểm, GS Nguyễn Lân Dũng cũng cho rằng, tôm hùm đất nếu lọt ra ngoài môi trường như ốc bươu vàng hoàn toàn có thể gây ra cuộc tàn phá mới với nông nghiệp. Ngay từ đầu, chúng ta đã không quản lý tốt tại các cửa khẩu. Thương lái, vì ham lợi nhuận đã đưa từ Trung Quốc về hàng tấn tôm hùm đất tươi sống vì giá bán hấp dẫn. 

GS NGUYEN LAN DUNG

TS Bùi Quang Tề (trái) và GS Nguyễn Lân Dũng đều cho rằng tôm hùm đất là loại sinh vật ngoại lai nguy hiểm và nên cấm hoàn toàn ở Việt Nam.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, khi lọt vào môi trường tự nhiên, loài này gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Chúng cắt ngang thân cây lúa, ăn tất cả các loại búp cây non, ăn được cả các loài tôm, cá nhỏ. Chúng là nguồn gây những bệnh nguy hiểm cho các vùng nuôi tôm và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng.

GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, việc cấm tôm hùm đất ở Việt Nam là chuyện không cần bàn nhiều, loài này có hại nhiều hơn có lợi. Ông cũng nhận định, thông tin Trung Quốc lợi nhuận hàng chục tỷ đô với tôm hùm đất là không có tài liệu xác thực hay thông tin chính thức.

“Trung Quốc thậm chí cũng đang bị thiệt hại ghê gớm từ loài tôm này. Theo tôi, Nhà nước đã có quyết định cấm và luật cũng quy định rất rõ ràng rồi rồi thì cứ như vậy thực hiện, không cần phải bàn nhiều”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Cũng liên quan đến việc cấm nhập khẩu tôm hùn đất, bên hành lang Quốc hội, trả lời VTC News, Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cũng cho rằng nếu đứng về phía an toàn thực phẩm, người ăn không việc gì, ngon hay không tuỳ cảm nhận từng người. Khi thị trường chấp nhận, tức là tôm ngon và giá cả phải chăng. Tuy nhiên, còn một yếu tố khác phải xét đến, đó là về mặt nông nghiệp.

phamkhanhphonglan

ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

“Đây là một sinh vật ngoại lai có sức sống mãnh liệt. Bất cứ quốc gia nào cũng cần có sự bảo vệ cho hệ động vật, thực vật ở quốc gia mình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra lệnh rồi, cấm không cho nhập, vì nếu nó sổng ra thiên nhiên, hoặc người dân tự ý nuôi trồng phát triển, nó sẽ ăn hết nhiều loài sinh vật khác, gây ra sự xáo trộn trong hệ sinh thái của nước ta. Điều đó lợi bất cập hại. Hãy nhìn lại bài học ốc bươu vàng. Thật sự kinh hoàng”,  bà Lan nói.

Theo bà Lan, tốt nhất là nên cấm nhập loại tôm này ở cả dạng sống và đã qua chế biến bởi có như vậy mới có thể kiểm soát được.

“Có người lý luận, nếu nhập khẩu tôm hùm đất ở dạng chín hết rồi thì sao? Nhưng vấn đề là liệu chúng ta có kiểm soát được hay không? Tốt nhất, hiện giờ cứ cấm hết đi.

Đã là hải sản, ai chẳng muốn nhập tươi sống rồi mới chế biến, làm món ăn. Trong quá trình đó, nó sổng ra sẽ gây hại cho hệ sinh thái của mình”, bà Lan Nói.

Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM nhấn mạnh việc ở những quốc gia khác như Mỹ, Úc, New Zealand có những quy định rất nghiêm ngặt về việc nhập khẩu các sinh vật từ bên ngoài. Bản thân Việt Nam có rất nhiều bài học đau đớn khi nhập khẩu các sinh vật ngoại lai.

“Cái này phải tuân thủ, không thể lý luận là thị trường hứa hẹn nọ kia được. Theo nguyên tắc quản lý nhà nước, nếu thấy có nguy cơ là phải cảnh báo ngay”, bà Lan nhấn mạnh.

Tại phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, tôm tôm hùm đất là sinh vật ngoại lai mới du nhập vào Việt Nam, rất phàm ăn và còn đào hang, phá công trình thuỷ lợi, gây nguy cơ sạt lở; trong khi hiệu quả kinh tế thấp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam có khoảng 100 sinh vật ngoại lai như cây mai dương, ốc bươu vàng, gần đây là tôm càng đỏ (tôm hùm đất)... Các cơ quan chức năng đang đặt mục tiêu đến năm 2020, bằng mọi giải pháp để giảm một nửa số sinh vật ngoại lai đó.

Duy Thành - Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn