"Những gì tôi có thể nói với bạn là chắc chắn G-20 sẽ không thảo luận về vấn đề Hong Kong. Chúng tôi sẽ không cho phép G-20 thảo luận về vấn đề này", Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trương Quân cho biết khi được hỏi liệu Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump có thảo luận về Hong Kong tại G-20 không.
"Hong Kong là khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc. Các vấn đề liên quan tới Hong Kong là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Không một nước nào có quyền can thiệp. Bất kể là thời điểm nào hay bằng phương pháp nào, chúng tôi sẽ không cho phép cá nhân hay quốc gia nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc", ông này nhấn mạnh.
Khẳng định này của ông Trương phủ nhận tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Mỹ rằng Hong Kong sẽ là một trong các vấn đề được lãnh đạo Mỹ-Trung mang ra thảo luận khi gặp nhau tại Osaka vào cuối tuần này.
Hong Kong được nhà Thanh nhượng lại cho Anh năm 1842 như khoản bồi thường cho chiến tranh nha phiến. Ngày 1/7/1997, Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc sau 156 năm thuộc Anh.
Liên tiếp trong nhiều tuần qua, Hong Kong chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn chưa từng có trong vài thập kỷ trở lại đây để phản đối dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Dự luật dẫn độ nếu được thông qua sẽ cho phép dẫn độ tội phạm từ Hong Kong sang Đài Loan, Macau và Trung Quốc Đại lục. Giới chức Hong Kong cho rằng động thái này sẽ chính thức bít lại cái mà họ gọi là “kẽ hở” biến Hong Kong trở thành thiên đường cho tội phạm từ Đại lục trú ẩn.
Tuy nhiên, người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác.
Trong một động thái nhằm xoa dịu dư luận, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam đã lên tiếng xin lỗi và tuyên bố hoãn vô thời hạn dự luật. Tuy nhiên, điều này vẫn không thể xoa dịu cơn giận dữ của người dân Hong Kong. Họ yêu cầu chính quyền phải hủy vĩnh viễn dự luật này, đồng thời yêu cầu bà Lam từ chức.
Bình luận