• Zalo

Trung Quốc 'mưu đồ' gì khi bất ngờ giảm ngân sách quốc phòng?

Thế giớiThứ Bảy, 12/03/2016 12:14:00 +07:00Google News

Ngân sách quốc phòng năm 2016 của Trung Quốc vẫn là con số khổng lồ, vẫn đứng vững ở vị trí thứ hai sau Mỹ (573 tỷ USD), nhiều hơn gấp đôi Nhật Bản.

Mặc dù tăng trưởng giảm xuống một con số, nhưng ngân sách quốc phòng năm 2016 của Trung Quốc vẫn là con số khổng lồ, vẫn đứng vững ở vị trí thứ hai sau Mỹ (573 tỷ USD), nhiều hơn gấp đôi Nhật Bản.

Trong kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 12 Trung Quốc năm nay, Trung Quốc công bố ngân sách quốc phòng là 954,354 tỷ nhân dân tệ (khoảng 146 tỷ USD), tăng 7,6% so với năm 2015.

Chuyên gia cho rằng, Trung Quốc giảm mức tăng trưởng ngân sách quốc phòng không phải là xu thế lâu dài, họ có thể căn cứ vào mục tiêu hiện đại hóa quân sự trong vài năm tới để điều chỉnh mức tăng ngân sách.

Dư luận vẫn nghi ngờ về sự không minh bạch quân sự của Trung Quốc, thậm chí cho rằng, ngân sách thực tế cao trên gấp đôi con số được công bố. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã yêu cầu Trung Quốc cần minh bạch về chi tiêu quân sự và không được phá vỡ cân bằng khu vực.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26 Trung Quốc.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-26 Trung Quốc
Bắc Kinh tập trung tuyên truyền, họ giảm mức tăng là “có thái độ thận trọng trong sử dụng vũ lực”, kiên trì “con đường phát triển hòa bình”, nhưng, kèm theo là họ tiếp tục tìm mọi cách áp đặt yêu sách chủ quyền biển đảo vô lý và bất hợp pháp.

Trung Quốc giảm mức tăng ngân sách quốc phòng là do nhiều nguyên nhân, trước hết là do tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và sức ép cải thiện dân sinh. Trung Quốc cần tăng chi tiêu cho các mục đích phi quân sự và đang thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế một cách gian nan.

Thứ hai là do Trung Quốc chống tham nhũng có hiệu quả, việc sử dụng và quản lý ngân sách đã khoa học hơn, hiệu quả hơn. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ sử dụng ngân sách quốc phòng có trọng điểm hơn, ưu tiên cho những lực lượng quan trọng, những phương hướng quan trọng, chiến lược, tập trung nhiều lợi ích và có khả năng tạo được sự đột phá.

Theo các chuyên gia, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gồm 3 bộ phận: kinh phí dành cho đời sống của binh sĩ, kinh phí huấn luyện và kinh phí mua sắm vũ khí trang bị.

Nhìn vào tình hình thực tế, năm 2016, Trung Quốc sẽ tập trung đầu tư kinh phí quốc phòng cho một số phương hướng sau:

Trước hết, Trung Quốc muốn xây dựng một đội quân mạnh, hiện đại để thực hiện các mục tiêu chiến lược, thúc đẩy “giấc mơ Trung Hoa” do ông Tập Cận Bình – Chủ tịch Trung Quốc đưa ra.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc.
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. 
Trung Quốc sẽ tập trung ưu tiên nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các vũ khí trang bị cho hải quân, không quân và lực lượng tên lửa. Trong đó, xây dựng hải quân mạnh là để góp phần biến Trung Quốc thành một “cường quốc biển” – chủ trương này do Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra.

Trung Quốc hiện có một loạt chương trình, kế hoạch vũ khí trang bị lớn như tàu sân bay, tàu ngầm, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, các máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay vận tải chiến lược, vũ khí chiến lược liên quan đến không gian vũ trụ v.v…

Trung Quốc muốn đầu tư cho khoa học công nghệ quốc phòng, mua sắm các hệ thống vũ khí mới từ nước ngoài (mua Su-35 và S-400 của Nga), nâng cấp trình độ vũ khí trang bị để theo kịp trình độ các nước phát triển như Mỹ, thích ứng với cuộc cách mạng quân sự mới trên thế giới hiện nay.

Thứ hai, những năm qua, quân đội Trung Quốc đã chú trọng đổi mới các phương thức huấn luyện sao cho sát chiến đấu thực tế, tăng cường năng lực hiệp đồng các quân binh chủng, tăng cường năng lực cơ động tầm xa…

Trong thời gian tới, với tham vọng to lớn và thực lực kinh tế đã mạnh lên, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục tập trung tăng cường triển khai huấn luyện, diễn tập quân sự ở trong và ngoài nước.

Thứ ba, năm 2016 là năm khởi đầu để Trung Quốc đi sâu cải cách quốc phòng và quân đội. Cải cách quy mô lớn này liên quan đến cắt giảm quân số, tối ưu hóa quy mô, cơ cấu vũ khí trang bị, tập trung cho các phương diện như bố trí quân số, nghiên cứu phát triển trang bị.

Đáng chú ý, Trung Quốc tuyên bố sẽ cắt giảm 300.000 quân, cần có tiền để giải quyết số dư sĩ quan và hạ sĩ quan. Sau cắt giảm, quân đội Trung Quốc sẽ còn khoảng 2 triệu quân, nhưng vẫn có quy mô lớn nhất thế giới.

Ngoài ra, cải cách quân đội cũng ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm và tư tưởng của binh sĩ, Trung Quốc đã và đang muốn tăng lương để củng cố, động viên tinh thần cho họ.

Hơn nữa, các cải cách liên quan đến việc tái điều chỉnh, tái tổ chức các cơ quan, các lực lượng, xây dựng hệ thống chỉ huy tác chiến mới theo “mô hình Mỹ”, đòi hỏi phải đầu tư kinh phí lớn cho xây dựng hạ tầng cơ sở phù hợp, tương ứng.

Thứ tư, Biển Đông hiện tiếp tục là một trọng điểm đầu tư kinh phí quốc phòng khổng lồ. Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến hành quân sự hóa Biển Đông để áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý, phi pháp, tiến tới thực hiện các mục tiêu chiến lược ở khu vực và toàn cầu.

Báo cáo công tác Chính phủ do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, Trung Quốc muốn “xây dựng cường quốc biển”, thúc đẩy thống nhất “chuẩn bị đấu tranh quân sự trên các lĩnh vực”.

Các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Việt Nam và cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, nhưng Trung Quốc chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn ngang nhiên tuyên bố sẽ tiếp tục xây dựng, triển khai bất hợp pháp ở Biển Đông.

Thứ năm, Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm cách có được một đội quân đủ mạnh để thực hiện chiến lược chống can thiệp, chống tiếp cận, dốc toàn lực để gạt bỏ vai trò ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á, tránh để Mỹ và đồng minh can thiệp vào các cuộc khủng hoảng, xung đột ở khu vực.

Trung Quốc thực sự đã nhiều tiến bộ trong xây dựng quốc phòng và quân đội và đã gây sức ép nhất định cho Mỹ. Nhưng, Mỹ có rất nhiều lợi ích kinh tế và chiến lược ở khu vực, đang quyết tâm thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á, tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực, đã xây dựng được một hệ thống đồng minh rộng lớn ở châu Á mà Trung Quốc không hề có.

Chính các hành động bành trướng lãnh thổ và quân sự của Trung Quốc ở khu vực đang tạo ra lý do chính đáng cho Mỹ tăng cường triển khai lực lượng quân sự ở khu vực, kể cả ở chuỗi đảo thứ nhất cũng như các khu vực xa hơn như Guam, Australia.

Nếu Trung Quốc tiếp tục tiến hành quân sự hóa Biển Đông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, thúc đẩy Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh và đối tác, từ đó kiềm chế Bắc Kinh.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang thúc đẩy thực hiện sáng kiến “một vành đai, một con đường”, trong đó “con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21” cần đầu tư nhiều kinh phí cho các công trình cảng biển đi từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, châu Phi và châu Âu.

Video Tàu cá Quảng Nam bị tàu Trung Quốc tấn công: Ngư dân chưa hết bàng hoàng  

Hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư xây dựng cơ sở hậu cần hải quân ở Djibouti. Căn cứ này sẽ hỗ trợ hậu cần cho các biên đội tàu chiến hải quân Trung Quốc khi chúng triển khai các hành động quân sự như chống cướp biển… ở khu vực này.

Cuối cùng, Trung Quốc đang tăng cường can dự vào các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu để khẳng định vai trò “nước lớn” có “trách nhiệm quốc tế”. Trung Quốc đã và đang tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo… ở các khu vực trên thế giới.

Trung Quốc muốn thông qua các hoạt động này để tạo dựng cho mình một hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” trước cộng đồng quốc tế, đồng thời thúc đẩy vai trò ảnh hưởng cũng như “thu lợi” từ các khu vực trên thế giới. 

Nguồn: Dân Việt
Bình luận
vtcnews.vn