Theo tờ Forbes, cuối tuần trước, một cặp tiêm kích tàng hình F-35B thuộc Không quân Thủy quân Lục chiến Mỹ hạ cánh xuống tàu sân bay trực thăng JS Izumo của lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản, đánh dấu mốc quan trọng trong kế hoạch mở rộng năng lực tác chiến trên biển của Tokyo.
Hoạt động trên diễn ra chỉ vài tháng sau khi tàu JS Izumo hoàn tất quá trình nâng cấp cho phép nó có thể hoạt động như tàu sân bay cỡ nhỏ, với khả năng triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35. Một tàu khác cùng lớp Izumo – JS Kaga cũng đang trải qua sửa đổi tương tự.
Dựa trên thông tin được phía Nhật Bản và Mỹ đăng tải, quá trình cất hạ cánh của những chiếc F-35B trên JS Izumo diễn ra khá suôn sẻ, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật cần thiết. Tuy nhiên, hệ thống vũ khí đánh chặn tầm gần Phalanx CIWS được đặt trước mũi tàu nhằm tránh ảnh hưởng đến hoạt động của máy bay trên boong tàu.
Video: Tiêm kích F-35B lần đầu hạ cánh trên tàu sân bay của Nhật Bản
“Cuộc thử nghiệm này đã chứng minh rằng tàu JS Izumo có khả năng hỗ trợ cất cánh và hạ cánh đối với các tiêm kích có thể cất cánh ngắn hoặc hạ cánh thẳng đứng như F-35, điều này cho phép chúng tôi có thể lựa chọn để tăng cường năng lực phòng không ở Thái Bình Dương trong tương lai gần”, Chuẩn Đô đốc Shukaku Komuta thuộc lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản cho biết.
Nhật Bản xây dựng lại nhóm tàu sân bay sau 75 năm
Theo các chuyên gia quân sự của tờ Forbes, việc F-35B của Mỹ lần đầu hạ cánh xuống JS Izumo cũng là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đã hoàn tất kế hoạch xây dựng nhóm tàu sân bay mới, nó diễn ra vào đúng thời điểm phía Tây Thái Bình Dương không còn vùng biển an toàn đối với Tokyo lẫn Washington trước sự trỗi dậy mạnh mẽ từ Trung Quốc.
Để có thể sớm đưa nhóm tàu sân bay mới ra “tiền tuyến”, Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép các phi đội tiêm kích của Thủy quân Lục chiến Mỹ hoạt động trên tàu JS Izumo.
Nhật Bản trước đó cũng đã đặt mua 42 chiếc F-35B từ Mỹ để triển khai trên JS Izumo và JS Kaga, nhưng các chiến đấu cơ đầu phải đến năm 2023 mới có thể về đến Nhật Bản.
Mặt khác hợp tác với Thủy quân Lục chiến Mỹ cho phép hải quân Nhật Bản có thêm kinh nghiệm vận hành F-35B trên tàu sân bay trước họ có được phi đội tiêm kích trên hạm riêng của mình.
Điều đáng chú ý là Thủy quân Lục chiến Mỹ với biên chế chỉ khoảng 100 chiếc F-35B vẫn không ngại hỗ trợ Nhật Bản xây dựng nhóm tàu sân bay mới, trước đó là hải quân Anh trên các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth.
Dù vậy việc Nhật Bản “hồi sinh” nhóm tấn công tàu sân bay không phải là không có tranh cãi, khi dư luận nước này có nhiều ý kiến trái chiều. Trong Thế chiến thứ 2, hải quân Nhật Bản từng sở hữu hạm đội tàu sân bay lớn nhất nhì thế giới, nhưng các thế hệ lãnh đạo Nhật Bản tiếp theo lại xem tàu sân bay là thứ không phù hợp đối với chính sách phòng thủ của nước này.
Giờ đây mọi việc đang dần thay đổi, khi Trung Quốc không ngừng mở rộng hạm đội của họ, kèm với đó là các nhóm tàu sân bay không ngừng áp sát Nhật Bản, điều này buộc Tokyo phải suy nghĩ lại lập trường.
Để chuẩn bị cho việc vận hành nhóm tàu sân bay hiện, Nhật Bản đã từng bước đưa vào trang bị các tàu khu trục mang trực thăng có thiết kế không khác gì các tàu sân bay cỡ nhỏ. Đến năm 2018, Tokyo chính thức phê duyệt kế hoạch biến các tàu lớp Izumo thành tàu sân bay.
Hai tàu sân bay mới có vị trí rõ ràng trong chiến lược hải quân của Nhật Bản. Hải quân Nhật Bản sẽ có thể phong tỏa, không cho các hạm đội Trung Quốc tiến ra biển Hoa Đông và từ đó ra Thái Bình Dương.
Trong khi đó, một chuỗi các tiền đồn trên đảo trải dài từ Nhật Bản đến Đài Loan sẽ tạo thành một “lá chắn” ngăn bước tiến của hải quân Trung Quốc. Hạm đội Nhật Bản sẽ được trang bị đủ mạnh để lấp đầy khoảng trống giữa các đảo. Các tàu sân bay với F-35B sẽ có vai trò hỗ trợ và bảo vệ cho lực lượng này.
Khi Nhật Bản hoàn thành việc sửa đổi và phát triển lực lượng không quân trong những năm tới, JS Izumo và JS Kaga sẽ sớm dẫn đầu các hạm đội của Nhật Bản trong việc ngăn chặn Trung Quốc tiến ra Tây Thái Bình Dương.
Bình luận