• Zalo

Trung Quốc: Kim cương lao dốc khi vàng 'phát điên'

Tư liệuThứ Hai, 20/05/2024 15:25:41 +07:00Google News
(VTC News) -

Ngành công nghiệp kim cương ở Trung Quốc đang mất dần sức hút khi người tiêu dùng coi vàng là nơi trú ẩn để tích trữ tài sản trong thời kỳ bất ổn kinh tế.

“Kim cương lao dốc khi vàng phát điên” là dòng chủ đề đang thu hút sự quan tâm và thảo luận trên mạng xã hội Trung Quốc thời gian gần đây.

“Tôi đã mua một chiếc nhẫn kim cương, nhưng kể từ đám cưới, nó chỉ nằm trong chiệc hộp bị phủ bụi”, một cư dân mạng than thở. “Việc đánh đồng kim cương với tình yêu chỉ là cách tiếp thị lừa dối”.

“Điều khó hiểu nhất trong thế kỷ 21 là coi kim cương như báu vật quý giá”, một người khác bình luận.

Kim cương đang mất đi sức hút trong khi vàng không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Kim cương đang mất đi sức hút trong khi vàng không đủ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Kim cương không an toàn bằng vàng

Trong khi thị trường kim cương của Trung Quốc đang mất đi sức hút, thì nhu cầu vàng của quốc gia này lại đang không thể thỏa mãn người tiêu dùng. Xu hướng trái ngược nhau này có thể được xem là phản ứng trước những khó khăn về kinh tế của đất nước.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng, trong thời kỳ bất ổn và ví tiền eo hẹp, mọi người coi vàng là nơi trú ẩn để tích trữ tài sản, và họ cắt giảm các khoản mua tùy ý như kim cương.

Gary Ng, nhà kinh tế học cấp cao tại ngân hàng Pháp Natixis cho biết: “Người tiêu dùng Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ tài sản của họ trong bối cảnh kinh tế thiếu ổn định. Vàng mang tính chất vừa tiêu dùng vừa đầu tư, và nó có tính thanh khoản tốt hơn khi giá cả mua đi bán lại minh bạch hơn kim cương”.

Theo báo cáo do gã khổng lồ kim cương De Beers công bố tháng 8/2023, nhờ đà tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong nhiều năm, Trung Quốc đại lục đã vươn lên từ mức chỉ chiếm 1,5% thị trường kim cương trang sức toàn cầu vào năm 2000 lên 13,4% vào năm 2014.

Sau quãng bùng nổ đó, tỷ trọng này tương đối ổn định cho đến năm 2019. Thị phần toàn cầu của Trung Quốc giảm xuống còn 10,2% cho đến cuối đại dịch COVID-19 vào năm 2022.

Riêng khoảng thời gian từ năm 2021 - 2022, doanh số kim cương tại Trung Quốc giảm 11,2%, đây là mức giảm lớn nhất trong số tất cả các thị trường toàn cầu chính mà De Beers khảo sát.

Paul Zimnisky, một nhà phân tích độc lập về kim cương tại New York, cho biết, sự biến động bất thường về nhu cầu kim cương trên toàn cầu trong bốn năm qua có thể đã ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng đối với kim cương, "đặc biệt là so với vàng, vốn ít biến động hơn nhiều".

Zimnisky cũng cho rằng Trung Quốc đang hoạt động kém hơn các thị trường lớn khác. Theo ước tính của ông, thị trường kim cương bao gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan đã giảm từ 13,7 tỷ USD vào năm 2021 xuống còn 12,8 tỷ USD vào năm 2023.

Trong khi đó, vàng ngày càng được các nhà đầu tư thận trọng ưa chuộng vì đây là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh biến động kinh tế và căng thẳng địa chính trị.

Theo dữ liệu được Hiệp hội Vàng Trung Quốc công bố vào tháng trước, người tiêu dùng Trung Quốc đã mua 308,9 tấn vàng trong quý đầu tiên của năm nay - tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Gary Ng của Natixis cho biết trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Trung Quốc, cũng đang tăng lượng dự trữ vàng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị và biến động thị trường. Ông dự đoán xu hướng này sẽ còn tiếp tục.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiếp tục mua ròng trong tháng 4, với dự trữ vàng chính thức của nước này tăng lên trong 18 tháng liên tiếp. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, lượng dự trữ của họ đã tăng 16% chỉ trong một năm rưỡi qua và hiện ở mức 2.264 tấn.

Người dân chen nhau mua vàng tai một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: CCTV)

Người dân chen nhau mua vàng tai một cửa hàng ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: CCTV)

Sự khác biệt đang được cảm nhận rõ ràng tại các cửa hàng bán đồ trang sức, nơi vàng đang bù đắp cho doanh số kim cương ảm đạm.

Đối với Luk Fook, công ty đặt trụ sở chính tại Hong Kong và có sự hiện diện mạnh mẽ ở đại lục, doanh thu từ hoạt động bán buôn của họ - chủ yếu nhờ vào doanh số bán kim cương - đã giảm 21,4% trong năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty cho biết trong báo cáo thường niên đầu năm nay rằng họ sẽ "tích cực quảng bá" các sản phẩm vàng có giá cố định để bù đắp khoản thiếu hụt.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Chow Sang Sang, công ty này cho biết trong báo cáo thường niên rằng doanh số trang sức kim cương, đặc biệt là đối với các phân khúc giá cao, đang "có xu hướng giảm tại Trung Quốc đại lục", nhưng tăng trưởng doanh số bán đã tăng 21% trong năm 2023 nhờ vào nhu cầu về vàng.

Một số công ty thì không may mắn như vậy. Thương hiệu nhẫn kim cương Trung Quốc I Do đã nộp đơn xin tái cấu trúc phá sản vào tháng 1/2023, trong khi Tập đoàn DR được niêm yết trên sàn giao dịch Thâm Quyến, sở hữu thương hiệu nhẫn Darry Ring, chứng kiến lợi nhuận lao dốc từ nửa đầu năm ngoái.

Một nhân viên bán kim cương cho biết nhóm của anh từng kiếm được khoảng 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng) mỗi năm từ doanh số bán hàng, với khoảng 150 yêu cầu tư vấn mỗi tháng, mang lại khoảng 20 - 30 đơn hàng. Tuy nhiên đến giữa năm 2023, các yêu cầu tư vấn giảm mạnh xuống 20 - 30 mỗi tháng, cùng với các đơn hàng lẻ tẻ.

Vẫn có tiềm năng

Nhưng một số người vẫn đặt cược vào sự trường tồn của kim cương và tin rằng thị trường vẫn giàu tiềm năng.

Chuyên gia kim cương Mỹ Harry Winston đã khai trương cửa hàng thứ tám tại Trung Quốc ở thành phố Hàng Châu vào tháng 2 năm nay.

Trong khi đó, De Beers dù thừa nhận tình hình kinh tế vĩ mô đầy thách thức của Trung Quốc vẫn giữ "triển vọng đáng khích lệ đối với doanh số bán trang sức kim cương" trong báo cáo của mình. Sự lạc quan này dựa trên nhu cầu lâu dài từ giới siêu giàu Trung Quốc, cùng với các thị trường chưa được khai thác ở các thành phố hạng thấp.

Theo báo cáo tháng 4 của PwC Trung Quốc, doanh số trang sức xa xỉ của Trung Quốc đã tăng 17% trong năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty dịch vụ chuyên nghiệp này xác định đây là một trong số các phân khúc "tiềm năng cao" trên thị trường đồ trang sức cá nhân xa xỉ.

"Tôi tin rằng Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những thị trường tiềm năng nhất của ngành kim cương và đồ trang sức", Paul Zimnisky nói, chỉ ra răng dân số khổng lồ và tầng lớp trung lưu của hai quốc này đang phát triển nhanh chóng.

"Nhu cầu về trang sức có mối tương quan chặt chẽ với sức khỏe của nền kinh tế", ông nói thêm. "Do đó, tất nhiên sẽ có những thăng trầm, nhưng xu hướng tổng thể dài hạn vẫn tiềm năng".

Hoa Vũ(Nguồn: SCMP)
Bình luận
vtcnews.vn