Năm 2000, thời điểm mạng Internet bắt đầu bùng nổ, Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nhận định Internet sẽ là cánh cổng rộng mở ra thế giới, Bill Clinton cũng dự đoán một tương lai cho cộng đồng Internet ở Trung Quốc.
"Việc Trung Quốc cố gắng kiểm soát Internet là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, hành động này chẳng khác gì muối bỏ bể", Bill Clinton nói.
Mạng Internet sẽ hướng Trung Quốc về con đường chính trị dân chủ hơn. Bill Clinton lý giải không một quốc gia nào có thể kiềm hãm một thực thể linh hoạt và có tính khó nắm bắt như Internet. Nhưng, vài năm sau, cựu Tổng thống Mỹ đã dự đoán sai.
Theo New York Times, thương mại điện tử ở Trung Quốc ngày càng nở rộ. Ngành công nghệ tại quốc gia này từng bước vượt mặt Mỹ trong việc sử dụng thanh toán điện tử. Mặc dù chỉ xuất hiện trên các nền tảng nội địa, "con tàu văn hóa Trung Quốc" lan rộng khắp thế giới thông qua các kênh podcast, streaming TV, video...
Tại Trung Quốc, Internet được thiết kế theo ý muốn của Chính phủ nước này, một đất nước mà Google và Facebook không thể thâm nhập. Luật kiểm duyệt Internet tại đây có khoảng hơn 10.000 điều khoản. Thông tin đầu vào và đầu ra được thu nhập, lưu trữ và kiểm soát. Hiện tham vọng của Trung Quốc là "xuất khẩu" những nền tảng nội địa ra ngoài thế giới.
Không lâu sau đó, hàng loạt những sản phẩm đạo nhái các ông lớn công nghệ của Silicon Valley lần lượt ra đời. Chẳng hạn, nhiều nền tảng như Baidu, Youku hay Douyin của Trung Quốc bắt chước các trang Web Google, YouTube và Instagram.
Những tưởng rằng các nền tảng đến từ người anh cả Đại lục sẽ dần bị nhấn chìm và xếp xó, giới truyền thông Mỹ và thế giới đang phải cầu cạnh Tencent và ByteDance giúp đỡ thu hút người dùng tiếp tục dán mắt vào smartphone của họ.
Hãy nhìn vào WeChat, một ứng dụng nhắn tin đa chức năng như mạng xã hội, chơi game, trả tiền hóa đơn, đặt vé tàu hỏa của Trung Quốc. TikTok, một ứng dụng đăng tải các đoạn video ngắn của Trung Quốc có sức ảnh hưởng cực lớn đến cộng đồng mạng thế giới. Sợ bị soán ngôi ngay trên sân chơi của mình, Facebook dự định phát triển app có tính năng tương tự.
Nhìn theo những khía cạnh khác, ngành công nghệ Trung Quốc dường như có ít sự "trói buộc" hơn hẳn những đồng nghiệp châu Mỹ. Các ông lớn công nghệ tại Mỹ đang phải đối mặt với những nỗi lo rò rỉ Big Data của người dùng, nỗi sợ hãi của chứng nghiện công nghệ và sự tuột dốc không phanh của Facebook hay Google. Tuy nhiên, giới công nghệ Trung Quốc có một phương châm bất di bất dịch: Ngoan ngoãn nghe lời và để nhà nước lo.
Vì thế, Weibo và Baidu luôn tuân thủ chính sách kiểm duyệt có phần hơi quá quắt của giới chức nước này. Cộng đồng mạng Trung Quốc trở nên hòa bình và hầu như không có các luồng ý kiến trái chiều. Mọi thứ đều có cái giá của nó.
Đối với ngành công nghệ Trung Quốc, đó lại là một cái giá hời.
Những dự án start-up chỉ vừa mới ló đầu vào thị trường đã nhận được nhiều ưu đãi và thu về lợi nhuận cực lớn. Luật sở hữu trí tuệ lỏng lẻo cũng góp phần cho sự phát triển này, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn và nguồn tiền cứ thế chảy vào túi các nền tảng.
Hệ sinh thái thương mại điện tử mà các ông lớn Alibaba và Tencent xây dựng nuốt chửng các ngành dịch vụ truyền thống khác như truyền thông, tài chính, chăm sóc sức khỏe. Người dân Trung Quốc thanh toán, mượn tiền, thuê xe đạp hay khám bệnh thông qua các nền tảng trực tuyến. Đương nhiên, Chính phủ kiểm soát chặt chẽ những ứng dụng này.
Để kiểm soát chặt chẽ các ông lớn công nghệ, Trung Quốc yêu cầu chính quyền phải có cổ phần trong từng công ty. Điều này giúp nhà nước Trung Quốc tiếp cận với Big Data của khách hàng một cách dễ dàng từ đó áp đặt chính sách kiểm duyệt. Công dân Trung Quốc muốn nhắn tin bắt buộc phải dùng WeChat để nhà nước dễ quản lý.
Bên cạnh đó, SenseTime, vốn phát triển những nền tảng chia sẻ clip vui vẻ lại bán công nghệ nhận diện và chấm điểm công dân cho chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, các công ty công nghệ dù lớn hay nhỏ đều sẽ bị bào mòn tài nguyên và hạn chế tiềm lực để bứt phá cũng như lan rộng sang những thị trường khác.
"Giới công nghệ Trung Quốc đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan", Lance Noble, nhà nghiên cứu thị trường tại Gavekal Dragonomics trả lời The New York Times.
>>> Đọc thêm: Người nghèo Trung Quốc dùng iPhone, người giàu dùng Xiaomi
Bình luận