• Zalo

Trung Quốc không từ bỏ tham vọng toàn cầu dù bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19

Tư liệuThứ Hai, 29/11/2021 22:39:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Chính sách hạn chế giao thương trái với phong thái tự tin của Trung Quốc cho thấy nước này ưu tiên kiểm soát dịch bệnh chứ không từ bỏ vị trí trên “sàn đấu” quốc tế.

Theo tờ The Washington Post, việc Trung Quốc đóng cửa biên giới, kiên trì theo đuổi chiến lược “không COVID” và sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 tại Glasgow (Anh) vừa qua đã khiến giới quan sát đặt ra sự hoài nghi rằng Bắc Kinh đã thay đổi sau nhiều năm theo đuổi chủ nghĩa đa phương.

Tuy nhiên, sự tự tin của Bắc Kinh trong việc khống chế đại dịch COVID-19 lại cho thấy nước này sẽ không lựa chọn con đường đứng ngoài cuộc trong các vấn đề quốc tế. 

Trung Quốc không từ bỏ tham vọng toàn cầu dù bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 - 1

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc có nhiều tham vọng toàn cầu.

Còn việc Chủ tịch Tập Cận Bình hạn chế các chuyến công du nước ngoài lại thể hiện rõ quan điểm nhà lãnh đạo Trung Quốc trong ưu tiên kiểm soát COVID-19 khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn đang theo đuổi việc định hình các thể chế quốc tế do đó sẽ không có việc nước này đứng ngoài cuộc nhìn phương Tây thiết lập trật tự thế giới theo ý họ.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc có cách tiếp cận ngày càng quyết đoán, Bắc Kinh thậm chí có xu hướng coi sự tương tác quốc tế mang ý nghĩa trao đổi hơn là thỏa hiệp. 

Evan A. Feigenbaum, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP) cho biết: “Trung Quốc không từ chối việc sớm mở cửa với đối tác và du khách nước ngoài nhưng lại đặt ra các quy định khắc khe hơn trước”.

Trong lịch sử, Trung Quốc luôn do dự giữa hội nhập quốc tế với duy trì trạng thái tự cô lập. Tuy nhiên, điều này đã bị đảo ngược cùng với kế hoạch cải cách kinh tế và chính sách mở cửa với thế giới của Bắc Kinh.

Giới chức Trung Quốc luôn ca ngợi việc nước này đang mở cửa thương mại và sẽ còn mở rộng hơn nữa trong tương lai. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cho rằng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho tự do thương mại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Mỹ.

Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nỗ lực đẩy mạnh vị thế Trung Quốc như một “đầu tàu”  trong công cuộc toàn cầu hóa. 

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tháng 1/2017, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định với thế giới rằng Trung Quốc nói không với chủ nghĩa bảo hộ. Cũng vào cuối năm đó, tại cuộc họp với các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông một lần nữa nhắc đến quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa đa phương của Bắc Kinh.

Các nhà phê bình coi những lời hứa này của ông Tập Cận Bình chủ yếu là một cách để ghi dấu ấn chính trị riêng. Nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên lặp lại những lời hứa của mình về chính sách mở cửa, ngay cả trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào giữa tháng 11 vừa qua.

Dù mục tiêu là vậy, nhưng Bắc Kinh vẫn theo đuổi một chiến lược chống lại đại dịch COVID-19 có phần cực đoan, bằng cách đóng cửa biên giới và thực hiện chính sách phong tỏa ở bất kỳ khu vực nào dịch bệnh bùng phát. Điều này đang vô tính thúc đẩy những hoài nghi vào sự “khép mình” của Trung Quốc đối với phần còn lại của thế giới vốn đang dần chấp nhận việc sống chúng với COVID-19.

Đối với Trung Quốc, biên giới là “tiền tuyến” để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh và thực tế đến nay, Bắc Kinh vẫn không cho thấy những dấu hiệu về việc nới lỏng các hạn chế đi lại quốc tế.

Những chính sách cứng rắn đã khiến các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Trung Quốc lao đao. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, trong một cuộc khảo sát hàng năm về các thành viên được công bố vào tháng 9, cho biết nhân viên của một số công ty đang từ bỏ ý định quay lại Trung Quốc vì các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của nước này.

Trung Quốc không từ bỏ tham vọng toàn cầu dù bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 - 2

Các nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc đã nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy nhu cầu nội địa và tự lực về công nghệ.

Ở chiều hướng khác, các nhà hoạch định kinh tế của Trung Quốc đã nỗ lực gấp đôi để thúc đẩy nhu cầu nội địa và tự lực về công nghệ để đảm bảo chuỗi cung ứng trước những cú sốc bên ngoài. Mặc dù vậy, sự tăng trưởng liên tục của nền kinh tế của nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào dòng chảy thương mại và đầu tư từ nước ngoài. 

Bà Stella Hong Zhang, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Quốc của Đại học Johns Hopkins, cho rằng “Trung Quốc đang định hướng lại trọng tâm ngoại giao từ thế giới phát triển sang thế giới đang phát triển như một phần trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thị trường và công nghệ phương Tây, cũng như bỏ qua một số nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ trong chuỗi cung ứng của mình”. 

Bà Zhang nêu quan điểm rằng Trung Quốc có thể cắt giảm hoạt động thương mại với một quốc gia cụ thể nhưng nước này vẫn dựa vào toàn cầu hóa kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng. 

Nhưng ngay cả với ông Tập Cận Bình, việc đảm nhận vai trò lãnh đạo toàn cầu cũng đặt ra nhiều trở ngại. Khi ông tăng cường chia sẻ điều mà ông gọi là "trí tuệ và giải pháp của Trung Quốc" với thế giới, sự thiếu minh bạch và các tín hiệu gây nhiễu đã làm suy yếu nỗ lực của Bắc Kinh trong việc tìm kiếm đối tác và gây dựng tầm ảnh hưởng với một số đối tác như Nga và Pakistan. 

Chen Deming - cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, từ hành động cân bằng thận trọng mà Trung Quốc phải đối mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Trung tuần qua, không còn nghi ngờ gì, Trung Quốc đang mở cửa. Ông nói: “Câu hỏi quan trọng là hệ thống mở cửa như thế nào sẽ đồng thời phù hợp với một quốc gia xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế toàn cầu”.

Chu Diệu My(Nguồn: The Washington Post)
Bình luận
vtcnews.vn