Trung Quốc đưa 6 loại tàu chiến bảo vệ giàn khoan phi pháp

Thời sựThứ Năm, 05/06/2014 08:04:00 +07:00

(VTC News) - Trung Quốc đã sử dụng đến 6 dạng tàu chiến để tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981.

(VTC News) - Trung Quốc đã sử dụng đến 6 dạng tàu chiến như khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, tên lửa tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, quét mìn, vận tải độ bộ... để tham gia bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981.

Báo ANTĐ dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho hay, 5h ngày 2/5, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 ở phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý. Qua hai lần dịch chuyển, đến nay vị trí của giàn khoan này vẫn nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: ANTĐ
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh: ANTĐ 

Hàng ngày, Trung Quốc sử dụng từ 30-137 tàu để bảo vệ giàn khoan hạ đặt trái phép, trong đó có 6 dạng tàu chiến như: Khu trục tên lửa, hộ vệ tên lửa, tên lửa tấn công nhanh, tuần tiễu săn ngầm, quét mìn, vận tải độ bộ...Riêng ngày 27/5, để bảo vệ giàn khoan di chuyển có 9 chiếc tàu chiến hoạt động. Ngoài ra còn có từ 33-42 tàu gồm: hải cảnh, hải tuần, hải giám, ngư chính; từ 9-11 tàu kéo và dịch vụ; từ 20-22 tàu vận tải; từ 1-3 tàu dầu và từ 15-60 tàu cá.

Ngoài ra Trung Quốc thường xuyên sử dụng máy bay tuần thám, trực thăng; máy bay cánh bằng dạng cảnh báo sớm; máy bay trinh sát bay nhiều vòng trên các tàu Việt Nam ở độ cao từ 100-1000m.

Video cận cảnh tàu hải cảnh Trung Quốc chặn tàu Việt Nam:

Trung Quốc dùng máy bay đe dọa ngư dân Việt Nam

Trở về sau chuyến đánh bắt dài ngày, nhiều ngư dân bức xúc phản ánh với PV Thanh Niên Online về việc Trung Quốc liên tiếp cho máy bay lẫn trực thăng lượn gần tàu của ngư dân để đe dọa.

Thuyền viên tàu cá QNa 91559 Ngô Thanh Việt (32 tuổi, trú tại xã Tam Hải), cho biết liên tiếp trong những ngày từ 13/5 đến những ngày đầu tháng 6/2014, Trung Quốc cho máy bay lượn lờ trên bầu trời.

 Máy bay Trung Quốc thường xuyên xuất hiện "trên đầu" tàu cá Việt Nam để đe dọa - Ảnh do ngư dân huyện Núi Thành cung cấp/TNO
Máy bay Trung Quốc thường xuyên xuất hiện "trên đầu" tàu cá Việt Nam để đe dọa - Ảnh do ngư dân huyện Núi Thành cung cấp/TNO 

“Có lúc máy bay của Trung Quốc bay rất gần tàu của chúng tôi để đe dọa. Thậm chí, chỉ cách tàu cá khoảng 150 mét hòng uy hiếp, xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam”, anh Việt nói.

Đội tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành thường đánh bắt cách giàn khoan trái phép Hải Dương-981 của Trung Quốc khoảng 10 hải lý về hướng tây nam. Ngoài việc sử dụng máy bay để đe dọa, Trung Quốc còn dùng tàu bọc sắt to gấp 10 lần tàu gỗ của ngư dân Việt Nam để xua đuổi.

Ngư dân ghi lại cảnh tàu Trung Quốc điên cuồng đâm tàu cá Việt Nam:

Trung Quốc dùng tàu bọc thép to gấp 10 lần tàu gỗ Việt Nam để xua đuổi


Trên trời máy bay quần thảo, dưới mặt biển, tàu bọc sắt của Trung Quốc liên tiếp xua đuổi, vây đâm tàu ngư dân Việt Nam.

Ông Ngô Ry, thuyền trưởng tàu QNa 91559, bức xúc: “Tàu của Trung Quốc to như tàu vận tải. Nếu tàu của ngư dân chúng tôi chạy không kịp sẽ bị đâm va một cách thô bạo”.

Tàu sắt của Trung Quốc (ảnh lớn) đuổi theo tàu cá Việt Nam (ảnh nhỏ) - Ảnh do ngư dân huyện Núi Thành cung cấp/TNO
Tàu sắt của Trung Quốc (ảnh lớn) đuổi theo tàu cá Việt Nam (ảnh nhỏ) - Ảnh do ngư dân huyện Núi Thành cung cấp/TNO 

Ông Ry cho biết, ngày 14/5, sau hai ngày trực chỉ Hoàng Sa, đội tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành đã đến ngư trường truyền thống để tiến hành đánh bắt. Tuy nhiên, vào lúc 11h cùng ngày, một tàu Trung Quốc mang “danh nghĩa” là tàu chụp mực bọc sắt, to gấp nhiều lần tàu gỗ của ngư dân Việt Nam bất ngờ xuất hiện, rồi đâm thẳng vào đuôi tàu QNa 91559. Do cú tông quá mạnh, đà ngang giữ cabin của tàu QNa 91559 bị gãy toác.

Sau cú đâm, chiếc tàu sắt của Trung Quốc vượt lên, tàu QNa 91559 đã mở máy để né tránh và chạy thoát.

Video tàu Trung Quốc tổ chức ngăn cản tàu Việt Nam:

“Nếu tông ngang thân thì tàu của chúng tôi đã bị lật úp như chiếc tàu ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng xảy ra vào ngày 26/5. May mắn là chúng tôi đã kịp thoát ra. Tuy nhiên, cú tông quá mạnh đã làm ca bin tàu bị xô lệch về phía trước khoảng 30 cm, thân tàu bị bung ốc vít nên bị phá nước”, anh Việt kể.

Để tàu không bị đắm, các thuyền viên trên tàu đã thay nhau trực và mở hết công suất của 4 máy bơm trên tàu hút nước ra ngoài. Cứ một 1 giờ đồng hồ lại mở máy hút nước một lần.

Đã có 12 Kiểm ngư viên bị thương trên biển


Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cung cấp thông tin về lực lượng Kiểm ngư trên thực địa: Đến nay có 19 tàu Kiểm ngư bị tàu Trung Quốc chủ động đâm va làm 12 Kiểm ngư viên bị thương.

Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư. Ảnh: ANTĐ
Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư. Ảnh: ANTĐ 

Đặc biệt nghiêm trọng là việc Trung Quốc đã đâm chìm 1 tàu cá Việt Nam. Tính từ ngày 7/5 tới nay, có 12 tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản trở uy hiếp, phá hoại tài sản, cản trở thô bạo tại ngư trường truyền thống của Việt Nam. Tàu Trung Quốc có những hành động như bắn pháo sáng, ném cả búa và vật sắc sang tàu cá Việt Nam... sau đó lấy đi nhiều vật dụng có giá trị của ngư dân cũng như thủy hải sản ngư dân Việt Nam đánh bắt được.

Video tàu Kiểm ngư tiến sát đến khu vực giàn khoan:

Thậm chí các nhân viên trên tàu ngư chính Trung Quốc còn đánh đập trọng thương 2 ngư dân Việt Nam là Nguyễn Huyền Lê Anh (30 tuổi) và Nguyễn Tấn Hải (24 tuổi) khi họ đang trên tàu cá QNg-90205-TS khai thác hải sản bình thường tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc vẫn lảng tránh không trả lời công hàm của Việt Nam


Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho biết, hành động nêu trên của Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng ở biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, tự do và an ninh an toàn hàng hải trong khu vực; gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế; gây bất bình trong dư luận và nhân dân Việt Nam. Việt Nam kiên quyết phản đối.

Trong các ngày 23/5 và 4/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tiếp có công hàm lần thứ 2 và lần thứ 3 gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, yêu cầu rút giàn khoan, tuy nhiên đến nay Trung Quốc vẫn lảng tránh và không trả lời công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam

Bộ Ngoại giao đã có trên 30 cuộc giao thiệp với Trung Quốc

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình cho hay, đã hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam đã nỗ lực trao đổi, đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức và ở các cấp độ khác nhau, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, rút giàn khoan và các tàu hộ tống để hai bên trao đổi ngay các biện pháp ổn định tình hình và kiểm soát các vấn đề trên biển giữa hai nước.

 Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Ảnh: ANTĐ
Ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam - Ảnh: ANTĐ 

Đến nay đã có trên 30 cuộc trao đổi các loại, trên thực địa tàu chấp pháp dân sự của Việt Nam luôn hết sức kiềm chế, kêu gọi Trung Quóc rút giàn khoan và các loại tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao sự kiềm chế và cách xử lý của Việt Nam, phê phán những hành động sai trái của Trung Quốc.

» Đại biểu Quốc hội: 'Chính trị, tiền bạc, tình cảm vào tòa thì công lý ra đi'
» Không loại trừ khả năng khởi kiện hình sự tàu Trung Quốc
» Nóng sáng 5/6: Không sợ Trung Quốc, chỉ lo hết tiền sửa tàu bám biển

Diệp Vy (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn