Kết luận này được Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan đưa ra trong cuộc họp với các chuyên gia tại Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc hôm 11/10.
Bà Tôn cho rằng mặc dù thực tế chứng minh thành công của cách tiếp cận cứng rắn của Trung Quốc với COVID-19, nhưng "cần có những nghiên cứu sâu hơn về cách virus lây lan và đột biến".
Kể từ đầu năm, Trung Quốc ghi nhận một số đợt bùng dịch nhỏ lẻ nhưng nước này nhanh chóng kiểm soát nhờ áp dụng các biện pháp phong tỏa diện rộng, xét nghiệm quy mô lớn và kiểm soát đi lại bằng mã QR.
Các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt bậc nhất thế giới của Trung Quốc vẫn đang được giữ nguyên.
Tuy nhiên, bình luận mới của bà Tôn tiết lộ giới chức Trung Quốc đang phải đau đầu khi đối mặt với thực tế các nước đang rục rịch mở cửa trở lại và dần từ bỏ các cách tiếp cận cứng rắn với với COVID-19.
"Chìa khóa để bình thường hóa việc kiểm soát dịch bệnh là ngăn chặn các ca nhập viện và cách ly nghiêm ngặt đối với các trường hợp mắc bệnh", bà Tôn cho hay.
Trước đó, ông Cao Phúc - người đứng đầu CDC Trung Quốc nói rằng khi COVID-19 ngày càng giống cúm mùa về tỷ lệ người chết và mức độ lây lan, một "chiến lược đối phó dài hạn" - bao gồm sống chung với virus là cần thiết.
"Chiến lược "không COVID-19" giúp chúng ta có thể thời gian để sản xuất đủ vaccine và quản lý chúng. Nếu tỷ lệ tiêm chủng vượt trên 85% vào đầu năm 2022, điều đó cho thấy chúng ta đã thành công", ông nói.
"Đầu tiên sẽ có ít người lây nhiễm hơn. Thứ hai, sẽ không còn nhiều trường hợp bệnh nặng và tử vong, sẽ chỉ còn các ca bệnh nhẹ. Virus đang trở nên yếu đi. Vào thời điểm đó, tôi muốn hỏi là: Khi toàn bộ thế giới mở cửa và tỷ lệ tử vong hạ xuống mức thấp, tại sao chúng ta không mở cửa", Gao nói thêm.
Người đứng đầu CDC Trung Quốc nhấn mạnh lộ trình tới đây của Trung Quốc vẫn là tăng cường tỷ lệ tiêm chủng, phát triển các loại vaccine mới và cuối cùng là tạo ra một loại thuốc đối phó với COVID-19. Dù vậy, ông này thừa nhận đối đầu với nCoV sẽ là một cuộc chiến dài.
Phân tích của Gao cho thấy ông lạc quan hơn nhiều so với Chung Nam Sơn - chuyên gia hàng đầu Trung Quốc về bệnh đường hô hấp.
Đầu tháng 10, ông Chung khẳng định Trung Quốc chỉ nên dỡ bỏ tất cả hạn chế ở biên giới khi các nước khác ghi nhận số ca mắc Covid-19 thấp và phần lớn dân số Trung Quốc đã tiêm vaccine.
Tới giữa tháng 10, 78% dân số Trung Quốc đã được tiêm chủng ngừa COVID-19.
Bình luận