• Zalo

Trung Quốc điều tra cáo buộc kháng sinh chế từ dầu bẩn

Kinh tếThứ Tư, 05/09/2012 07:19:00 +07:00Google News

Giới chức Trung Quốc đang điều tra những cáo buộc rằng một số hãng dược phẩm đã sử dụng “dầu ăn thải” thay vì dầu nành đắt tiền để chế biến thuốc kháng sinh.

Ngày 4/9, giới chức Trung Quốc đang điều tra những cáo buộc rằng một số hãng dược phẩm đã sử dụng “dầu ăn thải” thay vì dầu nành đắt tiền để chế biến thuốc kháng sinh nhằm giảm giá thành. Kết quả điều tra sẽ sớm được công bố.

Hiểm họa tiềm tàng với sức khỏe

Tân Hoa xã và nhiều báo chí Trung Quốc đã dồn dập lên tiếng về việc các hãng dược phẩm có thể đã sử dụng dầu bẩn để chế biến acid 7-aminocephalosporinic, hay 7-ACA, một hóa chất sử dụng để chế biến các loại thuốc kháng sinh có thành phần cephalosporin.

Các công ty này được cho là đã mua dầu ăn tái chế từ công ty Huikang Grease Co. - hiện đang đối mặt với các cáo trạng về việc chế biến và bán qua tay hàng nghìn tấn dầu ăn thải trong năm 2010 và 2011.

Thu gom dầu ăn bẩn. 
Danh sách tên các khách hàng thường xuyên mua dầu bẩn của Huikang đã lộ diện sau phiên tòa xử 7 nghi phạm liên quan đến vụ việc, bao gồm Cty sản phẩm sinh học Joincare Jiaozuo, chi nhánh của Tập đoàn dược phẩm Joincare, Tập đoàn dược phẩm Qilu và Charoen.

Hồi tuần trước, Joincare đã ra thông cáo cho biết sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với chính quyền để điều tra về vụ việc.

Hiện chưa rõ về các mối nguy hiểm mà loại thuốc kháng sinh được chế biến từ loại dầu thải này gây ra đối với sức khỏe con người. Một số chuyên gia y tế cho rằng, loại dầu này có thể dư lượng acid và cholesterol, cũng như các chất có thể có gây ung thư và những thành phần độc tố khác.

Cục Dược phẩm và Lương thực Trung Quốc cùng chính quyền địa phương Jiaozuo - nơi đặt chi nhánh của Joincare - đang xem xét những tác động sức khỏe có thể có từ các loại kháng sinh trên. Tuy nhiên, vụ việc càng làm rõ cách thức mà một số công ty sử dụng để cắt giảm chi phí nhằm gia tăng lợi nhuận.

Ngành kinh doanh sinh lời

Việc tận dụng và bán lại dầu ăn bẩn được xem là một ngành kinh doanh sinh lời lớn cho những tầng lớp trung gian để chế biến, lọc và pha chế chúng với những loại dầu thích hợp, sau đó cung cấp cho các nhà hàng, những công ty chế biến thức ăn gia súc và các công ty dược phẩm muốn tìm nguyên liệu thay thế giá rẻ cho rau, thực vật và các loại dầu ăn đắt tiền.

Tờ Thượng Hải Nhật báo cho biết, Huikang đã thu về khoảng 22,5 triệu USD từ việc bán 14.700 tấn dầu bẩn cho Cty sản phẩm sinh học Joincare Jiaozuo.

Dầu ăn “bẩn” là loại đã qua sử dụng được thu thập từ bếp của các nhà hàng, khách sạn. Nó là tâm điểm của một loạt vụ bê bối về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc sau khi báo chí nước này phát hiện một số nhà hàng lén lút dùng dầu ăn “bẩn”, thậm chí, đóng chai để bán lại với giá rẻ.

Hồi tháng 4/2012, báo chí Trung Quốc đưa tin về việc chính quyền triệt phá các cơ sở chế biến ngầm sử dụng mỡ động vật và nội tạng đã phân hủy để sản xuất dầu ăn bẩn. Phần lớn số dầu này được bán cho các cơ sở chế biến thực phẩm hay món lẩu tại các nhà hàng.

Hồi tháng 9/2011, cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 32 người trong chiến dịch ngăn chặn việc bán dầu bẩn ra thị trường dưới mác dầu ăn. Hơn 100 tấn dầu do 6 cơ sở sản xuất trái phép chế biến đã được thu giữ trong chiến dịch trấn áp tại 14 tỉnh, được thực hiện sau 4 tháng điều tra.

Theo laodong

Bình luận
vtcnews.vn