Theo thông báo hôm 12/6 của quần đảo Solomon, vòng đầu tiên của cuộc diễn tập diễn ra tại trụ sở của Lực lượng Cảnh sát quần đảo Solomon (RSIPF) ở Rove, ngoại ô phía tây của thủ đô Honiara, trong khoảng thời gian từ 7-11/6.
“Các thách thức an ninh đang phát triển và vẫn đang đe dọa quốc gia này, do đó RSIPF phải chuẩn bị tốt để đối phó với những mối đe dọa này. Đó là lý do tại sao các khóa đào tạo này rất quan trọng và tất cả các sĩ quan RSIPF ở Honiara cũng như các tỉnh phải được tiếp cận”, ông Ian Vaevaso, Phó ủy viên phụ trách hoạt động tại RSIF cho biết.
Chính quyền quần đảo Solomon cho biết, khóa đào tạo bao gồm thực hành “kỹ năng xử lý thiết bị cơ bản, kỹ năng thoát hiểm, di chuyển, tự vệ và phản công”. Cuộc tập trận được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc.
Các cuộc diễn tập được tô chức sau khi Bắc Kinh và Honiara ký hiệp ước an ninh vào cuối tháng 4. Thỏa thuận này khiến quan hệ Australia và Trung Quốc căng thẳng, đồng thời vấp phải phản ứng từ các quốc gia phương Tây.
Phương Tây cáo buộc Bắc Kinh đang tìm cách thiết lập một căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon, trong khi Thủ tướng Australia lúc bấy giờ là Scott Morrison mô tả động thái đó của Trung Quốc sẽ là “lằn ranh đỏ” đối với Canberra.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cảnh báo, Washington sẽ có hành động đáp trả nếu một tiền đồn như vậy xuất hiện tại quần đảo Solomon.
Tuy nhiên, Trung Quốc bác bỏ chỉ trích, nói rằng phương Tây "bóp méo sự thật và bôi nhọ sự hợp tác thường xuyên của Trung Quốc với các nước Thái Bình Dương”, đồng thời phủ nhận kế hoạch thiết lập căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon.
Cuối tháng 5, truyền thông phương Tây rò rỉ một dự thảo tài liệu cho thấy Bắc Kinh đang có kế hoạch đưa ra các thỏa thuận hợp tác kinh tế và an ninh cho 10 quốc đảo ở Thái Bình Dương.
Bắc Kinh khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng quan hệ với các quốc gia Thái Bình Dương bất chấp áp lực từ nước ngoài. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cho biết, thỏa thuận với quần đảo Solomon đã trở thành một ví dụ về hợp tác “cởi mở” và “minh bạch” .
“Thái Bình Dương nên là một sân khấu hợp tác quốc tế, không phải là một đấu trường cho các trò chơi địa chính trị", Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong nói.
Bình luận