Nếu Trung Quốc gật đầu với yêu cầu điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden của Tổng thống Trump, trước hết một trong các quy tắc mà Bắc Kinh thao thao bất tuyệt là không can thiệp vào chính trị nội bộ của quốc gia khác sẽ bị phá vỡ.
"Trung Quốc sẽ không bao giờ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Mỹ và chúng tôi tin tưởng rằng người dân Mỹ có khả năng giải quyết các vấn đề của chính họ", Ngoại trưởng Trung Quốc nói tại một sự kiện bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tuần trước.
Ông Jeffrey Bader, cựu cố vấn đặc biệt về an ninh quốc gia và vấn đề châu Á của Tổng thống Barack Obama cho biết Bắc Kinh luôn không muốn liên quan hay bị xem là có liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ”.
Theo các chuyên gia Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ không kiếm được nhiều lợi ích nếu giúp ông Trump làm suy yếu đối thủ chính trị khi mà họ đang muốn một người của đảng Dân chủ lên nắm quyền trong Nhà Trắng vào năm tới.
Thậm chí, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ giữ lại bất cứ thông tin tiêu cực có thể có đối với đối thủ của ông Trump để không làm tăng cơ hội tái đắc cử của Tổng thống Mỹ đương nhiệm.
"Rốt cuộc, ông Trump đã đảo lộn thương mại Mỹ-Trung hơn bất cứ Tổng thống nào kể từ thời Nixon", ông Victor Shih, Chủ tịch Viện nghiên cứu về Trung Quốc và Thái Bình Dương tại Đại học California San Diego nhận định.
Ông Hunter từng đến Trung Quốc cùng cha vào năm 2013 khi ông Biden còn là phó Tổng thống. Chuyến thăm diễn ra vài tháng sau khi ông này gia nhập hội đồng quản trị một quỹ đầu tư mới với giám đốc phân khúc đầu tư vốn tư nhân là người Trung Quốc.
Tổng thống Trump khẳng định ông Hunter đã nhận rất nhiều tiền từ Trung Quốc cho quỹ đầu tư này. Con trai cựu phó Tổng thống Mỹ phủ nhận mọi cáo buộc.
“Người Trung Quốc có thể bị ông Trump dụ đỗ và đạt được một thỏa thuận thương mại tốt hơn, nhưng tôi nghi ngờ vào khả năng Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào chính trị Mỹ. Họ biết rủi ro lớn ra sao nếu đặt cược nhầm", bà Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington phân tích.
Các quan chức Trung Quốc và Mỹ tuần tới sẽ gặp nhau tại Washington để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ cuộc chiến thương mại kéo dài hơn 1 năm.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng lời kêu gọi Trung Quốc điều tra của ông Trump được nhìn nhận như một nỗ lực gắn kết đàm phán thương mại với chính trị trong nước.
Tuy nhiên, theo ông này, gắn chính trị nội bộ với các lo ngại về hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc không phải là cách hay để tiến tới một thỏa thuận lớn.
Kể từ khi chiến tranh thương mại leo thang, các quan chức Bắc Kinh hiếm khi đáp lại các chỉ trích của ông Trump.
"Chiến lược của Trung Quốc để đối phó với ông Trump không phải là dấn thân vào một cuộc khẩu chiến mà là theo đuổi lợi ích của họ một cách kiên quyết. Đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn ra", chuyên gia Evan Medeiros, cựu quan chức của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nhận định.
Một cựu quan chức Mỹ cho rằng nếu ông Trump thực sự nghiêm túc trong lời đề nghị Trung Quốc điều tra, ông hoàn toàn có thể hứa hẹn về việc Mỹ sẽ hợp tác nhiều hơn trong nỗ lực dẫn độ về nước các quan tham trốn sang Mỹ của Trung Quốc.
Washington từ lâu bài xích việc trao trả các đối tượng này vì không tin vào các cáo buộc cũng như tính công tâm của hệ thống tư pháp Trung Quốc.
Vị quan chức trên cũng tin rằng một gợi mở như vậy sẽ không đủ để gây ảnh hưởng để Trung Quốc gật đầu tham gia vào cuộc điều tra nhằm vào ông Biden.
Bình luận