Ông Jian Tiewei, phát ngôn viên Ủy ban các vấn đề lập pháp Trung Quốc khẳng định Quốc hội Trung Quốc là cơ quan duy nhất có thể quyết định một điều luật có tuân thủ Luật Cơ bản (vốn được coi là Hiến pháp Hong Kong) hay không.
"Hiến pháp Trung Quốc và Luật Cơ bản cùng nhau tạo thành nền tảng hiến pháp của Hong Kong. Việc các luật của Hong Kong có phù hợp với Luật Cơ bản hay không chỉ có Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc (NPCSC) được quyền phán xét và ra quyết định. Không có cơ quan nào khác có quyền đưa ra đánh giá hoặc quyết định", ông này nhấn mạnh.
Hôm 18/11, Tòa án tối cao Hong Kong ra phán quyết tuyên bố điều luật khẩn cấp được chính quyền viện dẫn tháng trước để cấm người biểu tình đeo mặt nạ là vi hiến.
Tòa án Hong Kong khẳng định luật này "không tương thích với Luật Cơ bản", vốn được xem là "hiến pháp" của Hong Kong.
"Các hạn chế mà nó áp đặt đối với các quyền cơ bản đi xa hơn là cần thiết", CNA dẫn bản tóm tắt báo chí được tòa án công bố.
Ông Jian khẳng định phán quyết của Tòa án Tối cao Hong Kong làm suy yếu sức mạnh hành chính của giới chức lãnh đạo Hong Kong.
Yang Guang, phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macao thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cảnh báo phán quyết này của Tòa án Hong Kong sẽ gây ra tác động tiêu cực với xã hội.
"Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ sự phát triển của trường hợp này. Chúng tôi hy vọng chính quyền Hong Kong và cơ quan tư pháp sẽ tuân thủ nghiêm ngặt Luật Cơ bản trong việc thực hiện nhiệm vụ của họ và chia sẻ trách nhiệm trong việc ngăn chặn bạo lực, hỗn loạn cũng như khôi phục trật tự", ông Yang cho hay,
Ông Lau Siu-kai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trung Quốc chuyên Nghiên cứu về Hong Kong và Macau cho rằng các tuyên bố cứng rắn này cho thấy NPCSC sẽ sớm hành động.
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm 4/10 viện dẫn một điều luật đặc biệt để cấm người dân đeo mặt nạ khi tham gia các sự kiện tụ tập đông người ở nơi công cộng.
Để thông qua lệnh cấm, bà Lam phải dùng đến đạo luật khẩn cấp từ thời Hong Kong còn thuộc quản lý của Anh. Đây là lần đầu tiên Hong Kong phải dùng đến đạo luật này sau 52 năm.
Trong cuộc bạo loạn 1967 làm hơn 50 người chết, Anh dùng luật khẩn cấp để trao thêm quyền cho cảnh sát bắt giữ người đưa ra lệnh kiểm duyệt rộng rãi với báo chí.
Bình luận