Trung Quốc chi ra 5,6 tỷ USD để xây dựng thành phố Lingang, nhưng sau 10 năm đây chỉ là thành phố ma. Dù vậy, Trung Quốc vẫn không từ bỏ và đẩy mạnh đầu tư để cải thiện “thành phố ma” này.
Thành phố ma
Không thành phố nào trên Trái đất lại giống Lingang New City của Thượng Hải. Trung tâm đô thị hoàn toàn mới này có quy hoạch rất đặc biệt. Các đường phố được bố trí nằm trên các vòng tròn đồng tâm, xung quanh một hồ nước nhân tạo khổng lồ.
Thành phố nằm trên mảnh đất được khai hoang từ biển, là sản phẩm chiến thắng trong một cuộc thi của công ty kiến trúc Đức GMP. Nằm dọc bờ biển, Pudong, cách Quảng trường Nhân dân 60km về phía đông, nơi xây dựng thành phố trước đây có rất ít trang trại và các nhà máy.
Lingang New City được xây dựng dựa trên cảm hứng về các thành phố châu Âu truyền thống kết hợp với ý tưởng “cách mạng”: Thay thế các trung tâm mật độ dân số cao bằng không gian mới. Không gian mới có điểm nhấn là hồ “tâm điểm” có đường kính 2,5km và hồ lớn đường kính 8km bên cạnh bãi tắm a la Copa Cabana nằm giữa trung tâm thành phố.
Toàn bộ cấu trúc thành phố dựa trên phép ẩn dụ về hình ảnh của những gợn sóng đồng tâm, hình thành bởi những giọt nước tràn về. Cố thể thấy, Lingang New City là một thành phố lãng mạn và đáng sống.
Trung Quốc xây dựng Lingang vì lý do duy nhất. Đó là hỗ trợ cảng biển sâu Yangshan và khu vực giao dịch tự do, nơi kết nối rìa phía nam thành phố cũng như khu công nghiệp Lingang. Theo dự kiến, tới năm 2020, sẽ có khoảng 800.000 người dân sinh sống ở đây. Và người ta kỳ vọng, Lingang sẽ trở thành “Hong Kong thu nhỏ”.
Trung Quốc bắt đầu xây dựng Lingang từ năm 2003 với kinh phí lên tới 5,6 tỷ USD. Nhưng sau 10 năm, Lingang đã trở thành thành phố ma. Mặc dù, người ta cho rằng, thời điểm đó, thành phố có hơn 50.000 cư dân sinh sống nhưng những đường phố vắng tanh, những ngôi nhà trống rỗng cho thấy đó chỉ là ước mơ.
Trung Quốc không từ bỏ
Đứng trước khung cảnh trống rỗng, đìu hiu của Lingang, năm 2013, nhóm nhà nghiên cứu của Colliers vẫn có niềm tin vào Colliers. Họ khẳng định Colliers là khu vực “có tiềm năng”. Marco Zhou, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Đây chỉ là vấn đề thời gian. Các bất động sản sẽ sớm được lấp đầy. Câu hỏi duy nhất là khi nào”.
Còn Fanny Hoffman-Loss, kiến trúc sư tại GMP thì phân tích: “Vấn đề ở đây là con gà và quả trứng. Làm thế nào để người dân tới đó sinh sống nếu có quá ít cơ sở vật chất, đường phố mua sắm nhưng lại có câu hỏi khác là làm thế nào xây dựng cửa hàng nếu không có ai ở đó”.
Đây là câu hỏi khó mà người Trung Quốc phải trả lời. Và có vẻ như Trung Quốc không từ bỏ “thành phố ma” này. Họ đã có nhiều nỗ lực để cải thiện. Tới năm 2015, bộ mặt Lingang đã có nhiều cải thiện.
Những khu thương mại tự do đi vào hoạt động, cơ quan chính quyền đã được chuyển vào thành phố, cảng biển sâu tiếp tục mở rộng, khu công nghệ cao bắt đầu chào đón nhiều doanh nghiệp, nhiều khu văn phòng được mở, số lượng sinh viên có xu hướng tăng hơn 100.000 người, đường tàu điện ngầm kết nối với thành phố mới với trung tâm Thượng Hải đã hoạt động.
Lingang vẫn tiếp tục phát triển tích cực. Mới tuần trước, có nguồn tin cho rằng Trung Quốc sẽ rót thêm 2,7 tỷ USD vào thành phố mới này. Ý tưởng mới là biến thành phố thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao; trung tâm sản xuất thiết bị mạch, robot, hàng không, năng lượng tái tạo.
Trung Quốc treo giải 75.000 USD cho việc nghiên cứu liên quan đến các lĩnh vực sản xuất thông minh kể trên. Cán bộ kỹ thuật nhận mức tiền hỗ trợ hàng tháng 225 USD và kèm căn hộ miễn phí. Đây là hình thức Trung Quốc thúc đẩy nhân tài chuyển tới Lingang sinh sống và làm việc.
Bình luận