Khi nền kinh tế thứ hai thế giới bắt đầu ra tay tháo ngòi "bom nợ" khổng lồ thì cuộc chiến thương mại với Mỹ buộc Trung Quốc phải làm chậm lại quá trình này, theo CNBC.
Nhưng dự án đầu tư lớn giúp quốc gia này duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hai con số trong những năm gần đây, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
Tuy nhiên, cái giá của sự tăng trưởng là "núi nợ" ngày càng mở rộng, khiến giới chức nước này phải tìm cách chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn. Nền tảng của kế hoạch này là sự tăng trưởng dựa trên chi tiêu của người dân thay vì cung cách cũ là các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Dù vậy, cuộc chiến thương mại với Mỹ đang làm suy giảm kinh tế Trung Quốc và khiến quá trình tháo ngòi "bom nợ" phải chậm lại.
Các nhà kinh tế nước này đang nhìn rõ hơn viễn cảnh tất cả hàng hóa Trung Quốc đến Mỹ đều sẽ bị đánh thuế, điều này khiến Bắc Kinh buộc phải tung ra các biện pháp nới lỏng tiền tệ để tránh những cú sốc về kinh tế.
Động thái mới đây của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) về việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ giúp các ngân hàng thương mại có nhiều tiền hơn để cho vay, kích thích nền kinh tế gia tăng vay nợ.
Le-Gang Liu, nhà kinh tế trưởng của Citi tại Trung Quốc cũng cho biết một gói nới lỏng tiền tệ lớn vừa được công bố tháng trước tại Quảng Đông - trung tâm xuất khẩu của Trung Quốc - là một ví dụ điển hình của xu hướng này.
"Những chính sách như vậy cho thấy sự chuyển dịch trong mô hình tăng trưởng của Trung Quốc ít nhiều bị chậm lại", Liu nói với CNBC. "Chúng ta sẽ thấy các gói nới lỏng tiền tệ nhiều hơn nữa".
Một báo cáo của Citi mới đây ước tính việc tạm ngưng tháo ngòi "bom nợ" của Trung Quốc có thể tăng tỷ lệ nợ trên GDP của quốc gia này thêm 12,3 điểm phần trăm, lên 274,5% vào cuối năm nay.
"Phản ứng của thị trường không phải không có lý do. Theo quan điểm của chúng tôi, đó là sự lo ngại về tính bền vững của Trung Quốc và rủi ro tài chính đang gia tăng", báo cáo của Citi viết.
Andrew Collier, Giám đốc điều hành tại Orient Capital Research của Hong Kong cho rằng đã có những "vết rạn" trong nền kinh tế nợ của Trung Quốc. "Tôi không lạc quan về sự trì hoãn này và điều này có nghĩa, mức nợ dù được duy trì hay thậm chí tăng lên, có thể là thảm họa", Collire nói trong một cuộc họp ngày 10/10.
Theo số liệu mới công bố, căng thẳng thương mại với Mỹ và chiến dịch giảm đòn bẩy trong nền kinh tế cũng đã kéo tụt tăng trưởng của Trung Quốc trong quý III.
Số liệu chính thức vừa công bố cho thấy GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Con số này cũng thấp hơn dự báo trước đó của giới phân tích (6,6%) và thấp hơn mức tăng GDP quý II (6,7%).
Zhu Haibin – nhà kinh tế tại JP Morgan dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm tới sẽ chỉ còn 6,1%. “Chúng tôi cho rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ càng trầm trọng trong năm tới, nhưng sẽ được bù lại phần nào bằng việc NDT yếu đi và Trung Quốc tăng cường chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ. Các chính sách này có thể nâng đỡ GDP”.
Bình luận