Trung Quốc đang bùng nổ loại hình dịch vụ mới được tạm gọi là "nhận hộ đồ ăn" hay "giao hộ chặng cuối". Dịch vụ này do những phụ nữ trung niên đảm nhận, họ thường tập trung dưới những tòa nhà cao tầng hoặc bên ngoài khu chung cư, nhận những đơn đồ ăn và giao chúng đến tận tay người đặt.
Dịch vụ này đang bùng nổ, mang lại thu nhập tương đối cho một bộ phận người lao động nhưng cũng nảy sinh một số vấn đề vì thiếu hình thức quản lý.
Ngành nghề mới chớm nở
Đến giờ ăn trưa, hàng chục "dì" nhận hộ đồ ăn sẽ tập trung bên ngoài khu trung tâm thương mại SEG Plaza ở thành phố Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc) để thay shipper (người giao hàng) giao đồ ăn đến tận nơi cho người đặt với một khoản phí.
Những người "dì" giao hộ sẽ nhận được 2 nhân dân tệ (khoảng 7.000 đồng) cho mỗi đơn hàng. Sau khi tích lũy kha khá lượng đơn, họ bắt đầu tay xách nách mang vào tòa nhà và giao đồ ăn tận tay cho người đặt.
Các "dì" nhận hộ đồ ăn là một hiện tượng mới ở thành phố Thâm Quyến. Hầu hết họ là những người làm việc bán thời gian. Huang Xiumei là một bảo mẫu, trong thời gian rảnh rỗi khi những đứa trẻ đi học, Huang đến SEG Plaza để kiếm thêm thu nhập.
Cô cho biết loại hình dịch vụ này giúp người đặt tiết kiệm thời gian phải chờ đợi lâu trong thang máy, cũng như giải quyết những khó khăn trong việc tìm điểm đến mà người giao hàng gặp phải.
SEG Plaza là một tòa nhà chọc trời 71 tầng, có hơn 3.000 gian phòng và bố cục phức tạp. Thời gian chờ thang máy ít nhất là 5 phút vào giờ cao điểm buổi trưa và phải mất ít nhất 15 phút để đi từ tầng cao nhất xuống tầng trệt của tòa nhà, bao gồm cả việc dừng lại ở mỗi tầng để mọi người ra vào.
Với việc Huang đã nắm rõ cách bố trí tòa nhà như lòng bàn tay, cô có thể thực hiện 20 đơn hàng trong vòng 30 phút.
"Chúng tôi lên kế hoạch lộ trình giao hàng ngay khi nhận được đơn. Chúng tôi cũng sẽ tự trao đổi các đơn hàng với các chị em nhận hộ đồ ăn khác sao cho thuận đường nhất có thể", Huang chia sẻ.
Trên mạng xã hội có không ít bình luận cho rằng "lao động chân tay bây giờ còn sướng hơn là ngồi văn phòng", đồn đoán thu nhập của các người "dì" này có thể lên tới 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng (khoảng 35 triệu đồng) dù cho họ "mù công nghệ" hay "không bằng cấp".
Huang không hề bận tâm trước những tin đồn trên mạng và khẳng định cô chỉ muốn kiếm sống. Cô chia sẻ bản thân chỉ có thể nhận tối đa 30 đơn hàng vào mỗi giờ ăn trưa, tương đương khoảng 1.000 - 2.000 nhân dân tệ (3,5 - 7 triệu đồng) mỗi tháng theo tính toán của cô. “Làm sao tôi có thể kiếm được hơn 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng?”, cô nói.
Huang than thở rằng ngay cả lĩnh vực giao hộ đồ ăn cũng đang nhanh chóng "bão hòa" do cạnh tranh ngày càng gay gắt, số lượng đơn hàng không đủ để đáp ứng, ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập của cô.
"Do tình hình chung, nhiều người mất việc hoặc bị giảm lương. Công việc này không yêu cầu bằng cấp gì và bất kỳ ai cũng có thể đến đây kiếm thêm tiền. Năm ngoái, có tới 50 hoặc 60 người ở đây cùng một lúc, thậm chí cả những người trẻ tuổi cũng cạnh tranh với chúng tôi", cô cho hay.
Dịch vụ giao hộ đồ ăn này ngày càng phổ biến ở Thâm Quyến. Về việc chia sẻ tiền công với những người giao hộ đơn này, hầu hết shipper được phỏng vấn đều cho rằng đây là một "sự thỏa hiệp", vì thực tế nếu không có những người giao hộ hàng, thu nhập của họ sẽ bị giảm do trễ đơn.
Shipper Zhao Lei cho biết việc chờ thang máy tại các tòa nhà cao tầng như SEG Plaza quá tốn thời gian và việc giao hàng tận nơi sẽ mất ít nhất 20 phút để hoàn thành.
Anh cho biết: "Nếu tôi đích thân giao hàng thì các đơn hàng khác sẽ bị chậm. Thời gian là tiền bạc, những người như chúng tôi chỉ muốn hoàn thành thật nhiều đơn hàng để có thể nhận được lương thưởng cao hơn. Việc bỏ ít phí thuê người giao hộ đồ ăn thực tế lại giúp chúng tôi kiếm được nhiều tiền hơn".
Để cải thiện sự thuận tiện cho việc giao và nhận hàng trong giờ cao điểm, nhiều nền tảng giao hàng đã thỏa thuận với các tòa nhà để lắp đặt tủ nhận đồ ở tầng trệt. Tại SEG Plaza, có cả một dãy tủ nhận đồ với hơn một trăm ngăn, nhưng lại rất ít được sử dụng.
“Sẽ thật lý tưởng nếu chúng tôi có thể để đồ ở tủ nhận. Nhưng vấn đề là phải được khách hàng cho phép. Hầu hết khách hàng đặt đồ ăn giao tận nơi vì họ không muốn ra ngoài. Nếu họ phải xuống tầng trệt để lấy đồ ăn thì họ thà ăn luôn ở hàng”, Zhao nói.
Vấn đề trách nhiệm
Người nhận hộ đồ ăn giúp cải thiện hiệu quả của việc giao đơn, nhưng cũng có trường hợp giao hàng sai hoặc chậm trễ. Zhao Lei cho biết khi điều này xảy ra, trách nhiệm thuộc về những shipper và họ phải tự bồi thường cho khách hàng.
Luật sư Li Xianliang từ hãng luật Hà Bắc Thời Đại cho biết những người nhận hộ đồ ăn này về bản chất không khác gì các tủ nhận đồ, "khác biệt là họ di động và không có giấy phép hoạt động".
Ông ấy nói thêm: "Nếu không nhận được sự chấp thuận từ khách hàng, những shipper đang vi phạm quy định khi tự ý giao đơn của khách đặt cho người khác. Nếu đơn hàng bị mất, thương nhân, nền tảng và đặc biệt là shipper sẽ phải chịu trách nhiệm".
Luật sự Li cho biết về lý thuyết, các shipper có thể yêu cầu người giao hộ đồ bồi thường, nhưng thực tế lại rất khó giải quyết vì chỉ là "thỏa thuận mồm" nên người nhận giao hộ đồ hoàn toàn có thể chối bỏ trách nhiệm. Ngoài ra, nhiều shipper sẵn sàng bỏ qua và tự chịu trách nhiệm cho đỡ mất thời gian hoặc tâm lý "chẳng đáng là bao" do giá trị món hàng không lớn. Tuy nhiên, nhiều lần "chẳng đáng là bao" như vậy cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của họ.
Bình luận