Ngày 17-18/11, Papua New Guinea sẽ đứng ra đăng cai Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở cảng Moresby.
Ở thủ đô của Papua New Guinea, các công nhân đang gấp rút hoàn thiện tuyến đường do Trung Quốc tài trợ xây dựng để phục vụ diễn đàn sẽ diễn ra trong 2 tuần tới.
Các chuyên gia tin rằng con đường 6 làn xe rộng thênh thang, được thắp sáng đầy đủ là biểu tượng cho một cuộc chơi quyền lực trong khu vực khi các quốc gia đang tranh giành ảnh hưởng bằng các “món quà” và thậm chí là các vấn đề sâu xa hơn.
“Thật khó để tưởng tượng đại lộ này nó sẽ có bất cứ tác dụng nào ngoài phục vụ cho mục đích diễn hành. Nó không thực sự là một con đường dẫn từ một nơi này tới một nơi khác”, Paul Barker - Giám đốc tổ chức Arbor Carbon, Australia nhận định.
Cùng quan điểm này, Allan Bird, một nghị sỹ Papua New Guinea cho rằng một đại lộ bên ngoài tòa nhà quốc hội ít có ý nghĩa thiết thực. Ông này tin rằng “những món quà” đắt đỏ như vậy sẽ chỉ gây áp lực lên các đối tác truyền thống như Australia.
“Chính phủ có thể quay sang các nhà tài trợ khác và yêu cầu họ hoặc bỏ tiền đầu tư hoặc chúng tôi sẽ rất vui khi nhận tiền của Trung Quốc. Họ sẽ dùng đó như đòn bẩy”, ông Bird cho hay.
Trên thực tế, Australia đã bỏ ra 86,5 triệu USD để giúp đảo quốc Thái Bình Dương trong công tác chuẩn bị cho APEC. Canberra cùng với đó sẽ điều động các nhân viên an ninh, tàu tuần tra hỗ trợ quốc gia láng giềng đảm bảo an ninh cho các cuộc họp trong khuôn khổ diễn đàn.
Theo một quan chức Anh, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O’Neill tin rằng APEC đang đưa quốc gia của ông ra trường quốc tế.
“Vì vậy, nếu các nhà tài trợ muốn chiếm ưu thế, họ sẽ tận dụng APEC để làm điều đó”, ông này nói với Reuters.
Chính phủ Papua New Guinea từ chối trả lời câu hỏi về khoản tài trợ xây dựng đại lộ hoặc một số vấn đề khác liên quan tới APEC.
Đảo quốc Thái Bình Dương trước đây từng cảm ơn Trung Quốc về các khoản tài trợ của Bắc Kinh giúp đất nước xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời phủ nhận quốc gia đông dân nhất thế giới gây bất cứ áp lực ngoại giao nào sau khi hào phóng cho vay.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trong một tuyên bố mới đây khẳng định tất cả nên ủng hộ nỗ lực hội nhập kinh tế khu vực bằng việc đứng ra đăng cai APEC của chính phủ Papua New Guinea.
“Theo yêu cầu của Papua New Guinea, Trung Quốc đã chủ động hỗ trợ và giúp đỡ cho việc đăng cai vốn được chính phủ Papua New Guinea chào đón nồng nhiệt”, ông Lục nói với Reuters, nhưng không tiết lộ con số “giúp đỡ” cụ thể.
Phát biểu tại cảng Moresby hôm 31/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh những năm gần đây đã giúp xây dựng hơn 100 dự án ở đảo quốc Thái Bình Dương, bao gồm của trường học và bệnh viện và trường học.
“Dù viện trợ của Trung Quốc tốt hay không, chính phủ và người dân Papua New Guinea là những người có thể đánh giá rõ nhất”, ông Wang nhấn mạnh.
Tầm quan trọng của Papua New Guinea
Nếu ví châu Á-Thái Bình Dương là một kho báu chiến lược, Papua New Guinea là một trong những món trang sức quý giá nhất.
Đảo quốc này kiểm soát vùng biển rộng lớn, giàu tài nguyên khoáng sản và gần các căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam và Australia.
Papua New Guinea từng tìm kiếm sự hỗ trợ từ Canberra, nhưng trong những năm gần đây, quốc gia này đã chuyển hướng sang Trung Quốc khi Bắc Kinh dần trở thành một "người chơi lớn" trong khu vực.
Papua New Guinea hiện nợ Trung Quốc 590 triệu USD, chiếm ¼ trong tổng số nợ nước ngoài của quốc gia này.
Với Australia, số tiền mà Canberra bỏ ra để tài trợ cho APEC đã bằng 1/3 số tiền mà nước này chi ra khi tổ chức hội nghị G20 năm 2014. Theo ước tình trong năm nay, viện trợ của Australia cho Papua New Guinea đã đạt tới mức kỷ lục 572 triệu USD.
Hôm 1/5, Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố sẽ hỗ trợ phát triển một căn cứ hải quân mà Trung Quốc cũng đang ngỏ ý muốn tài trợ. Ông đồng thời nhấn mạnh Canberra sẽ là nước tài trợ chứ không phải Trung Quốc.
Bình luận