Anh và Liên Xô từng giành quyền lực và khuếch đại ảnh hưởng ở Afghanistan cũng như các vùng lãnh thổ lân cận thuộc Trung và Nam Á. Kết cục, không một cường quốc nào giành được chiến thắng ở Afghanistan - nơi được gọi là "nghĩa địa của các đế chế".
Hai thế kỷ sau, kịch bản tương tự lặp lại với Mỹ.
Việc chính quyền Afghanistan sụp đổ quá nhanh chóng, bất chấp Mỹ đã dành nhiều năm để trang bị và huấn luyện cho quân đội nước này, là lời nhắc nhở về giới hạn sức mạnh của Mỹ ở khu vực Trung Đông rộng lớn.
Sau khi Kabul thất thủ, Mỹ phải vội vàng rút lui khỏi quốc gia mà họ đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD. Vấn đề còn lại là: Điều gì sẽ xảy ra với Trung Đông?
Vấn đề này trải dài từ Maroc ở phía Tây đến Pakistan ở phía Đông, từ Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Bắc xuống vùng Vịnh và qua vùng Sừng châu Phi. Mọi ngóc ngách của Trung Đông và Bắc Phi sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thất bại của chính quyền Mỹ ở Afghanistan.
Vị thế của Mỹ ở Trung Đông
Thất bại của Mỹ ở Afghanistan khiến nhiều khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào hỗn loạn, đặc biệt là trong bối cảnh vị thế của Washington ở khu vực này đang suy giảm. Những năm qua, niềm tin vào khả năng thực hiện các cam kết của Mỹ đã lung lay đến mức nằm trên bờ vực tan vỡ, và quyền lực của cường quốc hàng đầu thế giới đang bị đặt nghi vấn.
Trong khi Mỹ phải cạnh tranh với Trung Quốc và Nga thì trong lòng Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang tìm cách lấp đầy khoảng trống do thất bại của chính sách Afghanistan để lại.
Bắc Kinh và Moskva, vì những lý do riêng, cũng quan tâm đến tương lai của Afghanistan.
Về phía Moskva, họ lo ngại việc Taliban lên nắm quyền sẽ thúc đẩy nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Afghanistan trong quá khứ lan truyền tới cộng đồng Hồi giáo tại Nga và các quốc gia khác.
Trung Quốc lại tích cực liên hệ với các thủ lĩnh Taliban trong thời gian gần đây. Tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tổ chức một cuộc họp công khai với thủ lĩnh chính trị của Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar.
Trong một diễn biến khác, Pakistan đã hỗ trợ Taliban theo phương thức cả bí mật và công khai trong những năm qua. Qua đó, chính quyền Islamabad tìm thấy cơ hội để đảm nhận vai trò quan trọng hơn trong khu vực Trung Đông. Pakistan cũng có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, trong khi quan hệ của nước này với Mỹ ngày càng xuống dốc.
Tại chính Afghanistan, Taliban tuyên bố lực lượng này đã “thay đổi”, các chủ trương của họ không còn khắc nghiệt như xưa. Họ đang tìm cách thiết lập quyền thống trị và thống nhất một đất nước bị chia cắt bởi mâu thuẫn sắc tộc. Nhưng xét dấu hiệu ban đầu về sự trả đũa tàn bạo của các chiến binh Hồi giáo với những người từng đối đầu với họ và phản ứng hoảng loạn của người dân Afghanistan, thật khó mà tin rằng Taliban đã thay đổi.
Thái độ của các nước Trung Đông
Liệu Al-Qaeda và các tổ chức khủng bố Hồi giáo có được phép tái lập tại Afghanistan do Taliban kiểm soát? Liệu Taliban có trở thành một nhà nước tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố? Lực lượng Hồi giáo này có dung túng cho thị trường buôn bán thuốc phiện khổng lồ tiếp tục tồn tại ở Afghanistan?
Nói cách khác, liệu Taliban có thật sự “thay đổi” để không trở thành mối đe dọa đối với các nước láng giềng và khu vực nói chung hay không?
Chính quyền Tehran đặc biệt quan tâm đến các biến động ở nước láng giềng Afghanistan. Mối quan hệ của Iran - Taliban đôi khi khá căng thẳng do Tehran e ngại về việc người dân tộc Shia bị ngược đãi ở Afghanistan.
Việc Mỹ rút lui khỏi Afghanistan khiến nỗ lực của họ nhằm thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), bị bỏ dở. Thỏa thuận đáng lẽ phải đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động của Mỹ ở Trung Đông và là nền tảng cho nỗ lực của chính quyền Biden nhằm can thiệp vào khu vực này.
Việc Tổng thống Iran đi theo đường lối cứng rắn càng làm phức tạp thêm nỗ lực đạt được thỏa hiệp cho JCPOA.
Thất bại trong việc hồi sinh JCPOA có thể khiến các tính toán của Mỹ ở Trung Đông trở nên không chắc chắn và rủi ro.
Xa hơn nữa, những diễn biến mới nhất ở Afghanistan thu hút sự chú ý của cả các quốc gia vùng Vịnh.
Qatar đã cung cấp một thiên đường ngoại giao cho Taliban trong các cuộc đàm phán hòa bình với chính quyền Ghani đã bị lật đổ. Nhưng sáng kiến hòa bình do Mỹ bảo trợ này lại trở thành lá chắn cho tham vọng trở lại nắm quyền của Taliban.
Ả-rập Xê-út cũng bất an trước các diễn biến trong những ngày qua do việc quyền lực của Mỹ trong khu vực bị giảm sút không có lợi cho chính quyền Riyadh. Tuy nhiên, quốc gia này cũng có mối liên hệ riêng với Taliban. Phương pháp đối ngoại của Ả-rập Xê-út đã khéo léo tính toán không để chính sách về Afghanistan hoàn toàn thất bại.
Nhìn chung, việc vị thế của Mỹ ở Trung Đông bị ảnh hưởng sẽ gây e ngại cho các nước đồng minh Ả Rập của họ, bao gồm Ai Cập và Jordan.
Sự thành công của Taliban ở Afghanistan cũng có thể tác động tới những nơi bất ổn nhất của Trung Đông. Nếu hỗn loạn nổ ra ở Iraq và các khu vực Mỹ đóng quân ở Syria, lối ra của Mỹ sẽ rất đáng lo ngại.
Ở Lebanon, nơi mà mọi ý định và mục đích của Washington đều đã thất bại, ảnh hưởng từ sự kiện ở Afghanistan sẽ khiến tình hình càng xấu đi.
Về phía Israel, quốc gia này sẽ tính toán những tác động từ thất bại của Mỹ ở Afghanistan, việc bất ổn gia tăng ở Trung Đông dường như không có lợi cho họ.
Trong giai đoạn tiếp theo, Mỹ nhiều khả năng sẽ chỉ duy trì các cam kết cấp bách nhất ở Trung Đông. Đây là thời điểm cho cường quốc này suy ngẫm về những bài học rút ra từ trải nghiệm đau đớn ở Afghanistan.
Bình luận