• Zalo

Trump đang 'đùa với lửa' khi cố gắng 'đánh lừa' Putin?

Thế giớiThứ Hai, 12/11/2018 17:00:00 +07:00Google News

Nhiều người tin rằng việc Tổng thống Trump đang tỏ ra gần gũi, thân thiện với người đồng cấp Putin chỉ là hỏa mù mà ông tung ra để đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận trong đó có cả nhà lãnh đạo Nga.

Sau gần 2 năm lên nắm quyền, Tổng thống Trump từng không ít lần bị các chính khách Mỹ chỉ trích vì thái độ mà họ cho là “thân Nga”. 

Ông Trump có vẻ không mấy quan tâm vì những chỉ trích đó. Ông vẫn ca ngợi phong cách lãnh đạo mạnh mẽ của Tổng thống Putin và tự hào vì có thể cải thiện mối quan hệ của Washington với Matxcơva.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào tháng 2/2017, khi được hỏi vì sao lại ngưỡng mộ Tổng thống Putin dù nhà lãnh đạo Nga bị lên án vì các hành động đàn áp những người mang quan điểm bất đồng và kẻ thù chính trị, ông Trump hỏi ngược lại phóng viên rằng "Mỹ thực sự trong sạch sao?". 

Mùa hè 2018 tại Helsiki, ông Trump thậm chí còn khẳng định Nga không có lý do để can thiệp bầu cử Mỹ và cũng không đưa ra bất cứ tuyên bố phê phán nào nhằm vào Matxcơva. Dù rằng sau đó, ông chủ Nhà Trắng "chữa cháy" nói rằng ông đã muốn nói "Nga có lý do để làm vậy", nhưng truyền thông Mỹ không tỏ ra tin tưởng. 

7BDB91D7-734C-4F7C-ACE1-9CA95B9C6B7A_w1023_r1_s

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP) 

Theo cây viết Nina Khrushcheva của Project-Syndicate, mặc dù luôn khăng khăng nói tìm cách cải thiện quan hệ song phương Nga-Mỹ, nhưng Tổng thống Trump đưa ra rất ít hành động để thực hiện “mong muốn” đó mặc dù ông vẫn thường xuyên đưa ra những lời mời ngoại giao, đánh tiếng về các hội nghị thượng đỉnh. Thay vào đó, ông tung ra những đòn đánh mạnh vào nhằm vào Nga đôi khi khiến giới quan sát bất ngờ.   

Vào tháng 3/2018, khi thế giới đang nóng lên trước việc Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal, chính quyền Trump ngay lập tức thẳng tay trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, một con số kỷ lục từ thời Xô Viết. Đối với Tổng thống Putin, điều này ít nhiều làm ảnh hưởng tới niềm vui đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 của ông. 

Một tháng sau, Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt 20 cá nhân và công ty Nga, bao gồm cả các ông trùm dầu mỏ Oleg Deripaska và Alexey Miller khiến giá cổ phiếu của các công ty Nga bị giảm đáng kể.  

Vào tháng 8, chính quyền Tổng thống Trump cấm các công ty Mỹ bán tua-bin khí và thiết bị điện tử cho Nga vì lo ngại các sản phẩm này có thể được Nga sử dụng cho mục đích quân sự.

Mới đây nhất, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm ngắn và tầm trung (INF), thỏa thuận kiểm soát vũ khí đượcMỹ và Liên Xô ký kết từ thời Chiến tranh Lạnh. Cả hai bên từ lâu đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF, nhưng chỉ tới khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, ý tưởng từ bỏ hiệp ước này mới trở thành hiện thực. 

Video: Cử chỉ ấm áp Tổng thống Putin dành cho ông Trump tại lễ tưởng niệm ở Paris

Vào thời điểm hiện tại, vẫn có nhiều người tin rằng việc ông chủ Nhà Trắng chưa thể cải thiện quan hệ với Nga phần lớn do chịu áp lực từ Quốc hội, chưa kể tới sự phản đối mạnh mẽ của đảng Dân chủ và truyền thông Mỹ. 

Nhưng bà Khrushcheva cho rằng, không gì có thể ngăn trở Tổng thống Trump làm điều ông muốn làm trừ khi ông thực sự không muốn làm vậy. 

Nhìn vào trường hợp của Trung Quốc, vào thời điểm ông Trump lên nắm quyền, giới chức Bắc Kinh từng đánh giá thấp ông, cho rằng ông dễ đối phó. Bản thân ông Trump cũng dành những lời khen có cánh cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vài tháng sau khi ông chính thức bước vào Nhà Trắng. 

Nhưng giờ đây, Trung Quốc đang phải oằn mình trong một cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết với Mỹ mà Tổng thống Trump được cho là người khởi xướng, dẫn dắt và chưa có dấu hiệu cho thấy ông sẽ dừng lại. 

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có rơi vào tình thế như Trung Quốc hiện tại? Theo bà Khrushcheva, Tổng thống Putin, một cựu sỹ quan KGB lão luyện sẽ dễ dàng nhận ra được dụng ý thực sự của Tổng thống Trump khi lời nói của ông không đi đôi với hành động. 

Nhưng nhà lãnh đạo Nga có thể không mấy bận tâm tới điều đó mà vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ, gần nhất có thể là một cuộc đàm phán bên lề hội nghị thượng định G-20 ở Argentina vào cuối tháng này. 

Bà Khrushcheva cho rằng Tổng thống Putin có thể đánh giá mình cao tay hơn ông Trump một bậc, nhưng ông nên cẩn thận với vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ luôn hành động rất khó đoán định. 

“Vào thời điểm cuối cùng khi Tổng thống Putin nhận ra rằng ông ấy đã bị lừa, thế giới có thể phải trả giá đắt bằng sự mất ổn định an ninh chính trị và thiệt hại về môi trường. Và chính ông Putin cũng sẽ phải trả giá vì điều đó”, bà Khrushcheva kết luận.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn