Trong đa số các cuộc điều tra trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đa số kết quả cho thấy lợi thế nghiêng về bà Hillary Clinton. Vì vậy, giá vàng thế giới liên tục đổ dốc gây thiệt hại nặng nề cho người nắm giữ. Còn giá cổ phiếu tăng mạnh trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, tới gần trưa (giờ Việt Nam), ông Donald Trump bất ngờ dẫn trước bà Hillary Clinton khiến người mua vàng thắng trong chớp mắt còn tỷ phú thế giới, trong đó đáng kể nhất là tỷ phú Nhật Bản thảm bại.
Vàng thắng trong chớp mắt
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay trên thị trường châu Á, giá vàng thế giới chỉ tăng rất nhẹ sau 3 phiên giảm sâu. Đây chỉ được coi là nhịp điều chỉnh nhẹ vì thời điểm đó, bà Hillary Clinton vẫn đang chiếm ưu thế.
Tuy nhiên, khi ông Donald Trump bất ngờ dẫn trước bà Hillary Clinton, giá vàng thế giới liên tục lập các “đỉnh” mới và đạt mức cao nhất 5 tuần trở lại đây. Trên biểu đồ, giá vàng đang nằm trên đường leo dốc thẳng đứng và đang tạm chạm mức 1.317,5 USD/ounce sau khi tăng 42,4 USD/ounce.
Mark Watkins, Giám đốc đầu tư vùng tại The Private Client Group của U.S. Bank phân tích nếu ông Trump chiến thắng “sẽ thiếu sự chắc chắn trong nền tảng và định hướng chính sách. Vì vậy, sẽ có nhiều biến động với tài sản rủi ro và trong ngắn hạn, các bạn sẽ chứng kiến nhà đầu tư đổ xô vào vàng”.
Vishnu Varathan, nhà kinh tế cấp cao tại Mizuho Bank nhận xét sự phản ứng trong thị trường vàng với kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ không lớn như phản ứng của nhà đầu tư tới vàng trong cuộc bầu chọn liệu nước Anh có rời Liên minh châu Âu hay không (Brexit) hồi tháng 6 năm nay.
Trong Brexit, giá vàng đã tăng 8% lên mức cao nhất 2 năm lên 1.358,2 USD/ounce. Còn hiện tại, giá vàng thế giới mới “chỉ” tăng 2%.
Tỷ phú Nhật thảm bại
Trong khi thị trường vàng “nổi sóng”, thị trường chứng khoán châu Á bị “nhấn chìm”. Trong đó, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chỉ số Nikkei 225 giảm 2,23% sau khi tăng 1% đầu phiên.
Ông Donald Trump vượt lên dẫn trước bà Hillary Clinton khiến đồng Yên Nhật suy yếu, từ đó ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Nhật. Tỷ giá USD/JPY giao dịch ở mức 102,66 sau khi tăng lên tới 105,46.
Chỉ số Nikkei 225 giảm sâu khiến cổ phiếu của các tỷ phú Nhật bị ảnh hưởng nặng nề. Người chịu thiệt hại nặng nhất chính là Tadashi Yanai, tỷ phú giàu thứ 2 Nhật Bản và giàu thứ 47 trên thế giới.
Chỉ trong sáng nay, tài sản của ông chủ Fast Retailing “bốc hơi” 488 triệu USD, tương ứng 2,8% xuống còn 17,2 tỷ USD.
Đứng sau tỷ phú Tadashi Yanai về độ mất mát là tỷ phú Masayoshi Son, người giàu nhất Nhật Bản (324 triệu USD0, tỷ phú Takemitsu Takizaki (146 triệu USD), Masatoshi Ito (98 triệu USD), Yusaku Maezawa (86 triệu USD), Kazuo Okada (84 triệu USD),…
Thị trường chứng khoán Hong Kong cũng giảm sâu. Chỉ số Hang Seng mất 1,82% khiến tài sản của ông Li Ka-shing, người giàu nhất Hong Kong hao hụt 481 triệu USD. Hiện tại, ông Li Ka-shing đang nắm giữ khối tài sản lên tới 30 tỷ USD và đứng ở vị trí 21 trong danh sách những người giàu nhất thế giới.
Bên cạnh ông Li Ka-shing, tỷ phú Lee Shau Kee cũng thảm bại khi tài sản “bốc hơi” 447 triệu USD. Đứng sa ông Lee Shau Kee về mức độ hao hụt tài sản là tỷ phú Lui Che Woo (275 triệu USD), Peter Woo (168 triệu USD), Patrick Lee (113 triệu USD),…
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc nằm trong danh sách các thị trường giảm sâu nhất khi chỉ số Kospi giảm 1,18%. Kết quả là Chủ tịch Samsung, ông Lee Kun-Hee phải chứng kiến khối tài sản giảm 329 triệu USD xuống 13,7 tỷ USD. Ông Lee Kun-Hee là người giàu nhất Hàn Quốc.
Ngoài vị Chủ tịch của Tập đoàn Samsung, một số tỷ phú khác của Hàn Quốc cũng mất mát hàng trăm triệu USD. Đó là ông Jay Y. Lee (281 triệu USD), Kim Jung-Ju (233 triệu USD), Seo Jung-Jin (155 triệu USD), Lim Sung-Ki (121 triệu USD).
Bình luận