• Zalo

Tổng thống Trump đang toan tính gì trước bầu cử?

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 25/07/2020 06:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo CNN, động thái gây sức ép mạnh mẽ tới Bắc Kinh sẽ giúp Tổng thống Trump tích lũy thêm sự ủng hộ trước cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Hôm 22/7, Mỹ kêu gọi Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán nước này ở Houston, bang Texas trong vòng 72 giờ. 

Lý giải về quyết định này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nhấn mạnh yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc ở Houston được đưa ra với mục đích "bảo vệ tài sản trí tuệ" của Mỹ và thông tin cá nhân của công dân nước này.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, đây là việc làm "chưa từng có trong lịch sử" ngoại giao và quan hệ Mỹ-Trung. Hành động này không khác gì "trục xuất" các nhà ngoại giao Trung Quốc ra khỏi đất Mỹ. 

Đáp trả, Trung Quốc mới đây yêu cầu Mỹ đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô. 

"Đòn gió" trước bầu cử của Trump?

Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ gọi hành động yêu cầu lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là "bảo vệ tài sản trí tuệ" của Mỹ, giới quan sát tin rằng chính quyền Trump toan tính hơn thế rất nhiều. 

Theo CNN, động thái gây sức ép mạnh mẽ tới Bắc Kinh này sẽ giúp Tổng thống Trump tích lũy thêm sự ủng hộ trước cuộc bầu cử tháng 11 tới. 

Tổng thống Trump đang toan tính gì trước bầu cử? - 1

Tổng thống Trump đang toan tính gì trước cuộc bầu cử tháng 11 này?

Ngoài ra, nó cũng chuyển hưởng sự chú ý của dư luận vốn đang tập trung chỉ trích về cách chống dịch của Nhà Trắng và nguy cơ suy thoái kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Trong khi đó, Daniel Russell, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương nhận định lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston không phải là cái tên nổi cộm trong hoạt động gián điệp của Mỹ tại Trung Quốc. Do đó bà tin rằng việc đóng cửa một lãnh sự quán vì lý do "hoạt động gián điệp" chỉ là một cái cớ. 

Trong họp báo ngày 23/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh Bắc Kinh không hứng thú can thiệp vào bầu cử Mỹ và đồng thời hy vọng Washington không dùng lá bài Trung Quốc trong cuộc bầu cử này. 

Theo kết quả khảo sát dư luận do Washington Post - ABC News thực hiện và công bố ngày 19/7, có 55% cử tri đã đăng ký bầu cử nói rằng họ sẽ bỏ phiếu cho cựu Phó Tổng thống Biden nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngay thời điểm thăm dò, trong khi 40% cho biết sẽ ủng hộ đương kim Tổng thống Trump.

Theo Reuters, ông Trump và ông Biden dường như đang bước vào cuộc cạnh tranh xem ai cứng rắn hơn với Trung Quốc để tìm kiếm lá phiếu của cử tri Mỹ. Với động thái mới đây, ông Trump có vẻ như đang dẫn trước. 

Mỹ-Nga từng căng thẳng ngoại giao

Lời kêu gọi đóng cửa cơ sở ngoại giao qua lại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới làm gợi nhớ lại những lần Mỹ và Nga trục xuất các nhà ngoại giao của nhau vào thời điểm 2 nước leo thang căng thẳng. 

Tháng 6/2016, Mỹ trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga trả đũa vụ việc một cảnh sát Nga tấn công một quan chức ngoại giao Mỹ ngay bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Matxcơva.

Tổng thống Trump đang toan tính gì trước bầu cử? - 2

Lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg (Nga). (Ảnh: Reuters)

Nửa năm sau đó, Mỹ tiếp tục trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga sau cáo buộc Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống tháng trước. 

Tới tháng 7/2017, Tổng thống Putin yêu cầu cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao Mỹ tại nước này. Đây được xem là vụ trục xuất nhà ngoại giao Mỹ lớn nhất kể từ năm 2001.

Tới cuối tháng 3/2018, quan hệ giữa 2 nước bị kéo xuống mức thấp hơn nữa khi Tổng thống Trump ký lệnh trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga với lý do Matxcơva là thủ phạm vụ đầu độc cựu điệp viên Nga tại Salisbury, Anh. 

Đáp trả, Nga trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ, đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg.

Đấy là lần gần nhất các nhà ngoại giao Nga - Mỹ bị đẩy ra làm đầu sóng, ngọn gió trong căng thẳng quan hệ giữa 2 nước. Dù không còn trục xuất nhà ngoại giao của nhau nhưng từ đó cho tới nay, quan hệ giữa Washington và Matxcơva vẫn khá trì trệ và không mấy khởi sắc. 

Tháng 8/2018, Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với Nga vẫn với cáo buộc nước này liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal. 

Nga và Mỹ cũng liên tục cáo buộc nhau vi phạm các thỏa thuận dẫn tới việc 2 nước rút khỏi Hiệp ước các Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF). Mới đây nhất hồi tháng 5, Mỹ cũng rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở - một trong số ít các cơ chế kiểm soát vũ khí còn lại với lý do Nga không tuân thủ hiệp ước. 

Tổng thống Trump là tiếng nói hiếm hoi trong chính quyền của ông bày tỏ thiện chí muốn cải thiện quan hệ với Nga. Dù vậy, giới chuyên gia tin rằng nỗ lực này khó có thể thực hiện khi nhánh hành pháp và Quốc hội Mỹ đều theo đuổi các chính sách chống Nga.

Song Hy(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn