• Zalo

Chuyên gia giải đáp mọi thắc mắc về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi

Tin tứcThứ Sáu, 25/03/2022 10:09:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc giải đáp mọi thắc mắc về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi.

Những băn khoăn về sự cần thiết cho trẻ tiêm 5-11 tuổi, những lo lắng tác dụng phụ hay rủi ro khi tiêm vaccine cho trẻ của phụ huynh... sẽ được tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc giải đáp. 

Trẻ nhiễm SARS-CoV-2 đối diện với nguy cơ gì, nhất là với trẻ 5-11 tuổi?

Phần lớn trẻ em bị nhiễm SARS-CoV-2 đều có biểu hiện sốt, đau họng, ho. Sau đó vài ngày các triệu chứng này hết. Tuy nhiên, khá nhiều người sau vài tháng bắt đầu xuất hiện triệu chứng bất thường như hụt hơi, thở nhanh mệt... Thậm chí có trẻ chỉ ngồi học nhưng cũng nhanh mệt, mất tập trung. Tình trạng này xuất hiện sau 1 tháng hoặc 1 vài tháng sau khi khỏi bệnh. Các nhà khoa học ở Úc đã nghiên cứu về dấu hiệu hậu COVID-19 do chủng Omicron nhiều gấp 5 lần so với Delta, đặc biệt là lứa tuổi 5-11 tuổi.

Tại sao không ưu tiên cho trẻ 5-11 tuổi trước?

Nhiều lý do, trong đó có việc thời điểm đó chúng ta chưa có vaccine cho nhóm này. Ngoài ra, cũng xuất hiện nghiên cứu chỉ ra rằng, thời điểm đó, trẻ em 5-11 tuổi khi mắc COVID-19 sẽ nhẹ hơn so với người lớn. Mặt khác, hầu hết những trường hợp mắc COVID-19 người lớn đều bị bệnh nặng, người già. Nguyên tắc nghiên cứu vaccine đều nhắm tới đầu tiên là nhóm khỏe mạnh. Sau đó là nhóm nguy cơ, rồi nhóm trẻ nhỏ. Bên cạnh đó trẻ em cũng là nhóm đặc biệt, sẽ gặp nhiều trở ngại về y đức trong việc xin cấp phép vaccine cho trẻ em. 

Trên thế giới công tác tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi thế nào? Họ dùng vaccine nào?

Nhiều quốc gia đã tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi, một số tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Sản phẩm phổ biến nhất hiện nay thế giới đang tiêm cho trẻ em là Pfizer. Chọn Pfizer vì hãng dược này có nhiều thử nghiệm tốt, thử nghiệm lâm sàng qua nhiều giai đoạn. Hiện khoảng hơn 50 quốc gia đã tiêm Pfizer cho trẻ 5-11 tuổi. Nhiều quốc gia đã thực hiện tiêm cho trẻ nhỏ, nhưng do vaccine chưa dồi dào cho tất cả đều được sử dụng nên các quốc gia vẫn đang ưu tiên vaccine cho nhóm nguy cơ.

Công tác tiêm chủng cho trẻ tại Việt Nam thế nào?

Việt Nam đã đạt bao phủ cao cho gần như toàn bộ người trên 18 tuổi, thậm chí là mũi 3. Trong tháng 4, sẽ bao phủ toàn bộ dân số trên 18 tuổi. Với trẻ từ 12-17 tuổi phần lớn đã được tiêm vaccine 2 mũi. Hiện chúng ta tiếp tục tăng độ bao phủ cho nhóm này. Có thể nói, tất cả điểm tiêm chủng và công tác tiêm được triển khai rất tốt. Đặc biệt, việc tiêm vaccine lưu động, tiêm tại nhà cũng diễn ra an toàn. Vì vậy người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác tiêm chủng. Chúng ta rất tự hào về độ bao phủ vaccine cho toàn dân tới hiện nay.

Vừa qua Việt Nam phê duyệt vaccine Pfizer cho lứa tuổi 12-17 tuổi với liều lượng bằng ½ so với người lớn. Các nước sau khi triển khai tiêm vaccine cho trẻ em với liều lượng như vậy đều an toàn. Tất nhiên vaccine sẽ có những phản ứng phụ, hay một số ý kiến cho rằng sẽ gặp vấn đề về viêm cơ tim... nhưng tỷ lệ rất nhỏ. So với những lợi ích tiêm vaccine mang lại như ngăn thể nặng và tử vong cho trẻ thì những phản ứng có thể gặp phải đều không đáng kể. Chính vì vậy, chúng ta vẫn chọn lựa tiêm vaccine cho trẻ nhỏ.

Chuyên gia giải đáp mọi thắc mắc về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi - 1

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Quang Thái.

Tiêm vaccine cho trẻ nhỏ khác gì so với trẻ lớn?

Bộ Y tế và hội đồng chuyên môn đã nghiên cứu đưa ra quy trình tiêm vaccine cụ thể cho từng lứa tuổi. Vừa qua, Bộ Y tế cũng ban hành hướng dẫn tiêm vaccine cho lứa tuổi 12-17 tuổi. Tất nhiên lứa tuổi trẻ nhỏ khác với trẻ lớn. Hầu hết trẻ từ 5-11 tuổi vẫn còn ham chơi nên cần khám sàng lọc và cần sự tham gia của bố mẹ, người giám sát, người bảo hộ.

Trong hướng dẫn sắp tới, với lứa tuổi 5-11 tuổi, Bộ Y tế sẽ tập trung vào khám sàng lọc kỹ càng hơn rất nhiều, qua đó tìm ra được những phản ứng dị ứng nếu có. Ngoài ra, trong suốt quá trình triển khai trước và sau tiêm cho trẻ đều có sự có mặt của bố mẹ và người giám hộ.

Với trẻ lớn 12-17 tuổi trước đây có thể tiêm trong phòng riêng, không có bố mẹ bên cạnh. Song với lứa tuổi trẻ nhỏ 5-11 tuổi, chúng tôi đang nghiên cứu việc cho phép bố mẹ ngồi bên cạnh để theo dõi, động viên con. Ngoài ra, việc thăm khám cho trẻ ngành y tế cũng sẽ chuẩn bị kỹ càng hơn. Mặc dù lứa tuổi này gặp phản ứng rất ít.

Khoảng cách 2 mũi vaccine cho trẻ 5-11 tuổi là bao lâu?

Theo khuyến cáo, khoảng cách giữa 2 mũi vaccine là 21 ngày với trẻ từ 5-11 tuổi. Vừa rồi cũng có những nghiên cứu đề cập về việc tiêm muộn hơn 21 ngày hoặc tiêm sớm hơn 21 ngày. Tuy nhiên qua theo dõi các nhà khoa học vẫn thấy rằng khoảng cách 21 ngày là hợp lý. Tất nhiên có thể có lý do vaccine được về muộn hay sớm mà ảnh hưởng tới thời gian 2 mũi. Tuy nhiên, khoảng cách 21 ngày vẫn là hợp lý nhất.

Trẻ tiêm vaccine COVID-19 thì có thể tiêm vaccine khác?

Trẻ sau khi tiêm vaccine COVID-19 có thể tiêm vaccine khác bình thường. Thậm chí một số nước còn triển khai tiêm luôn vaccine khác ngay sau khi tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, trong chiến dịch tiêm vaccine sắp tới tại Việt Nam là chiến dịch rất lớn, nên chúng tôi khuyến cáo phụ huynh nên để một thời gian sau tiêm vaccine COVID-19 rồi tiêm các loại vaccine khác. Khoảng cách từ 2 tuần.

Trẻ khỏi COVID-19 có cần tiêm vaccine không?

Trước đây, các nhà khoa học khuyến cáo rằng, trẻ khỏi COVID-19 vẫn cần tiêm vaccine. Omicron đang chiếm ưu thế, chủng này phần lớn gây ảnh hưởng đường hô hấp trên, nên khi mắc COVID-19 có chăng cơ thể sẽ tạo ra miễn dịch không hoàn hảo. Vì vậy, chúng ta vẫn khuyến cáo tiêm vaccine cho trẻ khỏi COVID-19. Trước đây khuyến cáo cho rằng trẻ khỏi COVID-19 sau 3 tháng thì tiêm vaccine. Tuy nhiên, hiện nay cũng nhiều ý kiến cũng cho rằng, trẻ khỏi COVID-19 có thể tiêm ngay vaccine để tạo miễn dịch tốt nhất.

Chuyên gia giải đáp mọi thắc mắc về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ 5-11 tuổi - 2

 

Trường hợp nào trẻ cần phải trì hoãn tiêm?

Theo hướng dẫn hiện nay, nhóm đối tượng cần phải trì hoãn, xem xét là mắc bệnh lý nền, bệnh lý cần phải can thiệp y khoa. Trẻ mắc các bệnh lý về tim mạch cũng cần phải xem xét. Ngoài ra, trẻ bị dị ứng cũng thuộc nhóm này. Tuy nhiên, hầu hết trẻ sẽ được tiêm sau khi xem xét kỹ. Trẻ phản ứng với thành phần có trong vaccine cũng cần xem xét nhưng nhóm này thường ít.

Phân biệt trẻ sốt do tiêm vaccine COVID-19 hay mắc COVID-19?

Những phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 với trẻ có thể xảy ra, nhưng rất ít và thường nhẹ. Trong đó có sốt.

Rất khó xác định trẻ sốt do tiêm vaccine hay do COVID-19. Nhưng nếu trẻ biểu hiện bất thường ngoài sốt thì dù do tiêm vaccine hay mắc COVID-19 hay một lý do nào khác thì đều có nguy cơ. Vì vậy, khi phát hiện con có những dấu hiệu đó cha mẹ cần đưa con đi khám ngay để được can thiệp kịp thời.

Tại sao phải tiêm vaccine khi phần lớn trẻ mắc OVID-19 đều nhẹ?

Không phải trẻ nào mắc COVID-19 cũng nhẹ. Đặt giả thiết nếu như trẻ mắc COVID-19 ở thể nhẹ, nhưng cũng có tỷ lệ nhất định trẻ chuyển biến nặng. Nếu số lượng này cao hoàn toàn có thể gây quá tải hệ thống y tế. Tiếp theo là vấn đều hậu COVID-19. Chúng ta nhắc tới nhiều về hậu COVID-19 gây ra nhiều hậu quả đối với trẻ, trong đó có sức khỏe, sự thiếu tập trung... Và tiêm vaccine là việc quan trọng để phòng hậu COVID-19 cho trẻ em.

Những phản ứng có thể gặp khi trẻ tiêm vaccine COVID-19?

Có thể nói những phản ứng sau khi tiêm vaccine COVID-19 cũng giống các vaccine khác, như những mũi phế cầu, mô cầu... Tất nhiên là cũng có những phản ứng hiếm gặp nhưng sau khi theo dõi, nghiên cứu, các nhà khoa học đều chứng minh rằng, lợi ích tiêm vaccine cao hơn rất nhiều so với những phản ứng này.

Như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào việc tiêm vaccine cho trẻ 5-11 tuổi. Bản thân virus khi trẻ nhiễm tự nhiên có thể gây ra rất nhiều hậu quả đói với sức khỏe trẻ. Trong khi tiêm vaccine những phản ứng phụ xảy ra rất ít, và thông thường đều là rất nhẹ, nhanh hết. Hơn nữa, với hệ thống y tế hiện nay, việc xử trí những vấn đề sau tiêm hoàn toàn có thể thực hiện tốt được.

Sở dĩ chúng ta đang an toàn, yên tâm như hiện nay là nhờ vaccine. Đó chính là lý do tại sao chúng ta không nên chần chừ, lo lắng khi tiêm vaccine COVID-19 để bảo vệ mình và gia đình trước ảnh hưởng của vaccine COVID-19. Theo dõi báo chí thế giới hiện nay, họ đều nhắc rất nhiều tới việc tác dụng bảo vệ của vaccine cho trẻ em. Thậm chí hiện nay nhiều nước dù đã tiêm cho trẻ nhiều nhưng họ vẫn nhắc nhiều tới hiệu quả bảo vệ của vaccine trước nguy cơ của đại dịch.

Vì vậy, người dân nên lắng nghe những kênh thông tin chính thống, nguồn từ Bộ Y tế về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em. Từ đó, đưa ra những quyết định đúng đắn khi đưa con mình đi tiêm. Tránh những luồng thông tin trái chiều, không chính xác, gây tâm lý hoang mang, lo lắng, thậm chí hoảng loạn.

Tháng 12/2021, Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về phương án tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, sớm mở cửa lại trường học. Tháng 1, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch, trình Chính phủ ban hành nghị quyết mua vaccine cho trẻ 5-11 tuổi cho khoảng 11,8 triệu trẻ, tương đương 21,9 triệu liều vaccine (tính theo tỷ lệ tiêm chủng thông thường đạt 95%, tiêm 2 mũi).

Hiện ngành y tế lên phương án tiêm vaccine COVID-19 (về nhân lực, cơ sở hạ tầng) để sẵn sàng tiêm cho trẻ 5-11 tuổi và cả phương án tiêm vaccine mũi thứ 4 đối với người có bệnh nền và một số đối tượng cần bảo vệ.

Thanh Hải - Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn