16h30: Trả lời câu hỏi của đại biểu nói về giải pháp cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, Thống đốc cho biết đây là nội dung trọng tâm trong chỉ đạo của Chính phủ từ 2016 đến nay. NHNN ý thức sâu sắc việc này. Đã sửa đổi, bổ sung để đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho tổ chức tín dụng. Cải cách quy trình, thủ tục cho vay. Đã báo cáo chi tiết cho Quốc hội về quy trình minh bạch, công khai và giảm chi phí.
Quan trọng hơn, muốn doanh nghiệp tiếp cận vốn ổn định, bền vững thì vĩ mô phải ổn định. Ngân hàng sử dụng công cụ tiền tệ giữ ổn định được lãi suất, giảm lãi suất cho vay, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đặc biệt ở nông nghiệp, nông thôn, SME, có quy định trần lãi suất cho vay 6.5%/năm trong ngắn hạn. Đây là ưu tiên để doanh nghiệp phát triển.
15h50: Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết đang sửa đổi NĐ 55 về chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn. Cá nhân, hộ gia đình cũng có thể được vay vốn. Đối tượng vay vốn được mở rộng.
Liên quan câu hỏi đại biểu Trần Công Thuật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết trên cơ sở đánh giá lại, tổng kết tình hình thực hiện cơ cấu tổ chức tín dụng, kết quả đạt được đã được tổng kết.
Tuy nhiên trên cơ sở đó, NHNN cũng thẳng thắn nhìn nhận các vấn đề còn tồn tại. NHNN có chỉ thị với toàn ngành, triển khai thực hiện quyết định 1058 cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu.
Thời gian qua, tới, NHNN sẽ ban hành văn bản, quy định để đảm bảo an toàn, như tỷ lệ đảm bảo an toàn, thông tư góp vốn mua cổ phần...
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Hưng cho biết, NHNN rất nỗ lực, là một trong những bộ ngành từ 2016 tập trung xây dựng đề án liên quan đến ngân hàng.
Để xử lý nợ xấu, việc đầu tiên là thực hiện tốt Nghị quyết 42 của Quốc hội. NHNN có hội nghị trực tuyến toàn quốc đến cùng dự, chia sẻ nội dung liên quan quy định của Nghị quyết 42 và chọn 6 ngân hàng làm điểm từ nay đến cuối 2017 để làm cơ sở nhân rộng.
Về xử lý các ngân hàng yếu kém, ông Hưng cho biết Chính phủ quyết liệt hoàn thiện phương án xử lý nhưng nguồn lực ngân sách khó khăn, chúng ta huy động nguồn lực xã hội nên phải huy động nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng muốn mời được nhà đầu tư thì lại cần có hành lang pháp lý hoàn thiện.
15h30: Quốc hội nghỉ giải lao
15h20: Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời các câu hỏi của các đại biểu Quốc hội.
Trả lời câu hỏi về Nghị quyết 42 xử lý nợ xấu, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định đây là khuôn khổ pháp lý quan trọng, có ích trong việc hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu. Các cử tri là ngân hàng phấn khích, tin tưởng khuôn khổ pháp lý.
Nghị quyết mới có hiệu lực từ 15/8, NHNN có những giải pháp triển khai rất cụ thể, rà soát quyết liệt.
Tuy nhiên, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết một số vấn đề còn tồn tại, trong đó có việc tài sản còn vướng kê biên.
Với một số vụ việc nợ xấu liên quan vụ án cơ quan pháp luật đang điều tra thì NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, VAMC làm việc với cơ quan chức năng trong từng vụ cụ thể.
Đây là nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức tín dụng phải thực hiện. Hồ sơ pháp lý chủ yếu liên quan đến tài sản là bất động sản. Trong quá trình, việc hoàn thiện giấy tờ pháp lý cho tài sản đảm bảo là vấn đề ưu tiên.
Trả lời câu hỏi về tín dụng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng tín dụng tăng, không gây áp lực lạm phát.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2017 tín dụng tăng trưởng 18% và có điều chỉnh linh hoạt theo quy mô nền kinh tế. Tới cuối tháng 10, tín dụng tăng 13,6%, tăng 1% so với năm 2016. Tốc độ này không có gì đột biến. Tăng tín dụng phải đi kèm với chất lượng và phải đi vào sản xuất, kinh doanh.
Cơ cấu tín dụng 10 tháng đã 'chảy' vào đúng lĩnh vực ưu tiên: doanh nghiệp vừa và nhỏ, chế biến chế tạo... cao hơn so với năm trước và mức bình quân các năm.
"Ngân hàng Nhà nước đảm bảo tăng trưởng tín dụng tăng phù hợp với hấp thụ vốn kinh tế, không gây áp lực lên kinh tế vĩ mô, lạm phát. Tăng trưởng tín dụng sẽ tăng đúng theo định hướng và kiểm soát được chất lượng tín dụng", ông Hưng khẳng định.
15h10: Các đại biểu bắt đầu đặt câu hỏi cho Thống đốc Lê Minh Hưng.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng vốn trong dân còn rất lớn.Ông Nhường lấy ví dụ về việc hiến 5.000 lượng vàng của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô. Còn hiện tại vốn trong dân là “vốn chết”
"Xin hỏi Thống đốc có chính sách gì để huy động vốn trong dân để đầu tư các công trình xây dựng đất nước", ông Nhường nói.
Ông Nhường cũng đề cập, hiện tiền ảo Bitcoin và tiền điện tử đang trở thành chủ đề nóng. "Thống đốc có đồng ý đề xuất cho Đại học FPT thu học phí sinh viên nước bằng tiền Bitcoin, hay Công ty Cốc Cốc thu hút vốn đầu tư từ Đức bằng đồng tiền Bitcoin này?
Đại biểu Nhường cho rằng nếu quản lý được thì đây là kênh thu hút đầu tư cho đất nước.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) phản ánh còn những quỹ tín dụng "đen" ở các vùng nông thôn. Vị đại biểu Thanh Hoá cũng đề nghị Thống đốc đưa ra các giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Đặt câu hỏi cho Thống đốc Lê Minh Hưng, bà Hà Thị Minh Tâm (Hà Nam) quan tâm tới lĩnh vực nợ xấu khi tỷ lệ nợ vẫn cao trong hệ thống: "Giải pháp của ngành khắc phục xử lý nợ xấu thời gian tới là gì"?
Còn đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) hỏi về chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước ra sao để tăng trưởng tín dụng đạt 18% như mục tiêu đề ra. Nếu đẩy vốn bằng mọi cách có thể gây hiệu ứng ngược. "Giải pháp gì để tăng trưởng GDP 6,7%, tín dụng tăng 18% nhưng đảm bảo tính bền vững?", bà Tuyết hỏi.
Nữ đại biểu tỉnh An Giang cũng đề cập tới gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp lĩnh vực công nghệ cao nhưng thực tế ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay. Bà đề nghị Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết giải pháp của ngành ngân hàng tới đây ra sao.
15h: Thống đốc Lê Minh Hưng phát biểu trước khi bước vào phiên chất vấn.
Ông Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước là ngành có chính sách gắn bó gần gũi với sản xuất của doanh nghiệp, xã hội.
Ngân hàng Nhà nước luôn xem việc trả lời ý kiến của cử tri là việc làm thường xuyên. NHNN có báo cáo kết quả thực hiện gửi các đại biểu.
Toàn ngành triển khai quyết liệt, kết quả đạt được tích cực. Mặt bằng lãi suất đảm bảo, tín dụng tăng an toàn, dự trữ ngoại hối tăng cao nhất. Từ đầu phiên khai mạc đến nay thì dự trữ tăng 1 tỷ USD. Đến nay thì dự trữ ngoại hối tăng lên 46 tỷ USD.
Chiều 16/11, Thống đốc Lê Minh Hưng tập trung trả lời chất vấn vào 2 vấn đề lớn:
- Điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý.
- Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp đảm bảo an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Bình luận