14h45: Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập tới vấn đề thu thuế Uber, Grab khi đang phát triển "vô độ, chiếm lĩnh thị phần lớn nhưng đóng góp thuế thấp". Với doanh nghiệp đầu tư ít, lỗ nhiều, nợ thuế nhiều, chủ nước ngoài thì họ lĩnh đủ, hệ luỵ còn lại trong nước gánh.
Ông Quốc cũng đặt câu hỏi về tình trạng thu ngân sách không đủ chi thường xuyên, trả nợ gốc, lãi vay và không có tích luỹ. Có nên phát hành trái phiếu Chính phủ hay không trong khi phải trả lãi hàng ngày?
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) rất quan tâm tạo nguồn thu cho ngân sách quốc gia. Cử tri cho rằng việc khoán thuế dẫn tới thất thu thuế. Vì vậy, đại biểu Dũng đề nghị phải có biện pháp xử lý tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Trí Tài (Thừa Thiên Huế) cho rằng một trong những hạn chế là việc quản lý kỷ cương tài chính chưa nghiêm. Đại biểu Tài cũng đề nghị phải có giải pháp chấn chỉnh.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) đặt câu hỏi: "Bộ Tài chính có giải pháp gì để chống chuyển giá trong nước"
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho biết thực tế khi thuế VAT tăng sẽ kéo theo các mặt hàng tăng và ảnh hưởng đến người nghèo.
Đại biểu Hồ Thanh Bình (Ang Giang) đặt câu hỏi liên quan đến đề thu phí các công trình BOT.
"Bộ Tài chính đã quản lý việc thu phí của các công trình BOT hiện nay như thế nào", ông Bình nêu câu hỏi.
14h40: Các đại biểu Quốc hội tiếp tục đặt câu hỏi:
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế) quan tâm và đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ việc thu thuế tại các dự án bất động sản, đất vàng.
Bộ Tài chính định giá tài sản Nhà nước khi cổ phần hoá có dư luận nói "thất thoát". "Nguyên nhân, trách nhiệm Bộ trưởng ra sao?", ông đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho rằng nguồn lực tiền, bất động sản trong dân rất lớn, trong khi đất nước phải đi vay vốn nước ngoài để đầu tư hạ tầng. Trong khi các tổ chức tài chính huy động ngoại tệ 5-6% thì các tổ chức tín dụng huy động chỉ 0%. Bộ Tài chính có cách nào để tháo gỡ khó khăn này nhằm "huy động nguồn tài chính trong dân?.
14h20: Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời hàng loạt câu hỏi của đại biểu Quốc hội.
Trả lời đại biểu Quốc hội về thu thuế từ Uber, Grab, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết vừa qua các doanh nghiệp này đã tự giác kê khai. Qua thanh tra, cơ quan thuế đã thu truy thu thêm, như với Uber là gần 67 tỷ đồng, Grab hơn 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận, "đúng là hiện nay kinh doanh trên facebook, Goolge... đã kê khai, nhưng chưa thu được".
Tại một số địa phương đã rà soát được nhiều địa chỉ kinh doanh, buộc yêu cầu đăng ký mã số thuế kinh doanh qua mạng, tuy nhiên việc quản lý kinh doanh qua mạng, thu thuế qua mạng hiện rất khó.
"Về lâu dài yêu cầu các tổ chức, kể cả Facebook, phải có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Họ đi theo công nghệ, thì mình cũng phải đi theo", ông nói.
14h: Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nêu số liệu năm 2015 cho thấy, 63% hộ kinh doanh "đi đêm với cán bộ thuế". Thừa nhận con số này nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết đến 2016, tỷ lệ này đã giảm còn 31%. Ông cũng nói thêm, chương trình đánh giá chỉ số hài lòng này do chính Bộ Tài chính giao Tổng cục thuế phối hợp với VCCI tổ chức khảo sát để đánh giá.
Sau khi một loạt đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, Quốc hội nghỉ trưa. Chiều nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng còn 50 phút để trả lời trước khi Quốc hội chuyển qua chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.
Chiều nay, ông Lê Minh Hưng lần đầu tiên trả lời chất vấn Quốc hội trên cương vị trưởng ngành ngân hàng.
11h21: Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) tiếp tục đặt câu hỏi vì sao người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng hoá đơn tài chính. Trong tình trạng hiện nay, người tiêu dùng đã phải chịu thuế trong mặt hàng mua rồi nhưng khi yêu cầu hoá đơn thì lại tiếp tục phải trả kinh phí.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt vấn đề về sử dụng xe công. Ông Trí đề nghị làm rõ việc khoán xe công làm được một thời gian rồi thì vấn đề này có kết quả thế nào.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu vấn đề trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 thì việc quản lý thuế như hiện nay liệu có còn hợp lý.
Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn - Long An đặt vấn đề về lộ trình giảm thuế ô tô từ 2018 và câu chuyện mỗi năm bình quân sẽ thất thu hàng nghìn tỷ đồng. Thị trường ô tô chậm do tâm lý chờ đợi mua xe giá rẻ của người dân, dân đăng ký học lái xe đông cho thấy sự chuẩn bị của người dân để chờ xe giá rẻ. Điều này sẽ tạo áp lực lên hạ tầng giao thông.
"Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này?", đại biểu Tuấn đặt câu hỏi.
11h16: Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời các câu hỏi của đại biểu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Lan, Bộ trưởng Tài chính cho biết đã có chính sách về tái cơ cấu thu ngân sách.
Bộ trưởng Tài chính cho biết sẽ mở rộng cơ sở thu, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Các chính sách này tương thích với các luật đã được Quốc hội thông qua.
11h10: Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị làm rõ chính sách thuế thu nội địa.
Đại biểu Lan cho rằng "tự chủ không có nghĩa là cắt toàn bộ kinh phí của nhà nước". Đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị sớm có cơ chế tài chính cho các trường đại học tự chủ.
10h58: Bộ trưởng Tài chính bắt đầu trả lời các câu hỏi của đại biểu:
Các giải pháp chống chuyển giá, chống thất thu thuế: Bộ Tài chính đã tham mưu cho chính phủ để kiện toàn các giải pháp chống thất thu thuế do chuyển giá.
Đẩy mạnh chương trình hợp tác quốc tế liên quan đến chuyển giá.
Một trong những nội dung hội nghị APEC vừa qua cũng quan tâm bàn đến vấn đề chuyển giá và phải có sự hợp tác quốc tế.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết việc chuyển giá cũng có nhiều khâu, từ khâu đưa máy móc đầu vào đến việc sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính cũng đã tiến hành thanh kiểm tra, kiếm soát vì "tình hình thực tế" rất phức tạp.
Trả lời ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hoà về việc thông đồng, thất thu thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong quá trình làm, mức thuế khoán của từng hộ sẽ công khai tại từng xã phường, công khai tại cơ quan thuế.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thì thực tế cũng có sự thông đồng giữa các cán bộ thuế và các hộ kinh doanh. Vì vậy, chúng ta cũng phải làm minh bạch hơn tình trạng này.
10h48: Đại biểu Triệu Thế Hùng (Lâm Đồng) cho biết hoạt động chuyển giá thời gian qua diễn ra tinh vi. Cử tri muốn hỏi sâu về việc chuyển giá của doanh nghiệp khối FDI.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết về việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong thời gian vừa qua. Cử tri phản ánh một số doanh nghiệp "lãi thật, lỗ giả". Vậy có giải pháp nào không?
Đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) đề nghị Bộ trưởng phân tích so sánh nợ đọng thuế Việt Nam so với các nước trên thế giới
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phản ánh không ít doanh nghiệp lập ra để mua bán hoá đơn, rút tiền của nhà nước. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp đột phá gì để ngăn chặn. Nếu Bộ trưởng không có giải pháp thì không cần trả lời.
Ông Cương cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong việc chi tiêu mua sắm tài sản công, rút ruột ngân sách.
Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Hải Phòng) vừa qua việc thất thu thuế còn lớn. Bộ Tài chính có giải pháp nào khắc phục và tạo chuyển biến tình trạng này.
Đề nghị Bộ trưởng cho biết căn cứ xây dựng trần nợ công, nợ quốc gia.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng đặt hai câu hỏi. Ông Hoà cho rằng việc kê khai, khoán nộp thuế còn mập mờ giữa người nộp và cán bộ thuế.
Đại biểu Hoà đặt nghi vấn nhiều công ty báo lỗ để trốn thuế.
Câu hỏi thứ 2: Bộ trưởng có giải pháp ra sao để giải quyết vấn đề nợ công.
10h40: Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tiếp tục trả lời các câu chất vấn của đại biểu Quốc hội.
10h30: Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ 'chia lửa' với Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng để trả lời về vấn đề nợ công.
10h28: Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An có hai câu hỏi. Một là doanh nghiệp khai thác đá trắng lo lắng, đối diện nguy cơ phá sản cao khi Thông tư 44 của Bộ Tài chính quy định tăng thuế đá trắng tăng 300% so với thuế hiện hành.
Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, hơn 7.000 tỷ đồng nợ xấu phát sinh cho ngân hàng. Ông đặt vấn đề cơ sở nào để đặt khung giá cao như thế.
Bên cạnh đó, khi đặt câu hỏi thứ 2 nhưng đã trùng với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nên đại biểu Cầu cũng thẳng thắn bày tỏ: Bộ trưởng có giải pháp gì mới, đột phá không, nếu không có thì không cần trả lời.
10h25: Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Quảng Bình - nêu câu hỏi 73.000 tỷ đồng nợ đọng thuế làm thế nào để nuôi dưỡng nguồn thu để bù lại khoản này?
Theo ông Phương, cần khắc phục nợ đọng thuế do quá trình cấp giấy phép quá dễ dãi, doanh nghiệp khi thua lỗ lại nợ động thuế, cố tình chuyển thành doanh nghiệp khác để trốn thuế.
Trong khi đó, ngành thuế vẫn còn 1 số cá nhân tiêu cực tiếp tay cho việc trốn thuế. Việc thiếu công khai cơ chế thuế, xử lý không nghiêm khiến tình trạng vẫn diễn ra.
Bộ trưởng có hướng giải quyết như thế nào?
10h20: Đăng ký tranh luật, đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, đoàn Thừa Thiên Huế cho biết lĩnh vực mặt hàng tạm nhập tái xuất lợi ít, hại nhiều, lợi dụng để buôn lậu. Ông đề nghị Bộ Tài chính cho biết thanh tra bộ đã bắt giữ được bao nhiêu vụ và giải pháp nào để chấm dứt.
“Bộ trưởng báo bức tranh thuế tốt nhưng một số lĩnh vực thất thu thuế. Kinh doanh bất động sản, đất vàng ở TP lớn, kinh doanh hàng Google, Uber, Grab, thất thu thuế lớn, có lĩnh vực không thu được đồng thuế nào thì Bộ trưởng có giải pháp gì?”, đại biểu đặt câu hỏi.
Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là câu hỏi, chứ không phải tranh luận.
10h5: Các đại biểu liên tục tranh luận về nợ công. Đại biểu Nguyễn Thanh Thuỷ (Hậu Giang) nói: "Một trong những biện pháp để sử dụng hiệu quả đầu tư công là phải sử dụng hiệu quả. Trong đó tôi thấy có nguyên nhân các bộ trưởng chưa đề cập đến, đó là giải ngân chậm.
Có hai dự án trọng điểm đang rơi vào tình trạng này, đó là dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên và dự án chống ngập TP.HCM. Đề nghị bộ trưởng giải đáp rõ nguyên nhân và trách nhiệm về vấn đề này?"
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tranh luận: "Nghe hai bộ trưởng trả lời về quản lý nợ công và ODA thì tôi rất băn khoăn. Việc sử dụng ODA nhiều năm vượt dự toán, thẳng thắn mà nói thì quản lý ODA hiện nay ngoài tầm kiểm soát. Xin hỏi hai bộ trưởng là các khoản vay ODA có nằm trong giới hạn 300.000 tỉ đồng mà Quốc hội cho phép hay không?"
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo – Lâm Đồng nêu: Công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá XNK trong thời gian qua là trở ngại lớn với DN.
Việc kéo dài thời gian thông quan của hàng hoá tại các cửa khẩu làm tăng chi phí, gây phiền hà cho DN?
Bộ Tài chính là đơn vị thường trực Uỷ ban quốc gia về tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại, Bộ trưởng có giải pháp để góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá XNK, thúc đẩy và làm lành mạnh hoá hơn hoạt động XNK?
Qua báo cáo triển khai thực hiện nhiệm vụ KTXH 2017 cho thấy, nợ công là mối quan tâm lớn của cử tri. Nợ công đã sát trần cho phép, rủi ro lớn.
Do KTXH còn nhiều khó khăn, tỷ lệ huy động thuế, phí/GDP giảm chưa đạt mục tiêu đề ra trong khi đó Chính phủ vẫn thực hiện đàm phán ký kết khoản vay mới? Điều này ảnh hưởng thế nào trong kiểm soát chi tiêu nợ công? Bộ trưởng cho biết giải pháp quản lý rủi ro?
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cũng tranh luận: "Câu trả lời của bộ trưởng Bộ Tài chính có tính khái quát cao, như vậy thì rất khó. Nhưng chính báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra rất nhiều bất cập, đặc biệt là việc thực hiện chính sách pháp luật không nghiêm chứ không phải là thiếu luật. Tôi mong hai bộ trưởng xác định rõ trách nhiệm để khắc phục trong thời gian tới".
Đại biểu Bùi Thu Hằng – Hoà Bình đặt vấn đề: Hiện ngành thuế có nhiều biện pháp quản lý hoá đơn bán hàng. Tuy nhiên tình trạng DN, hộ kinh doanh bán hàng không xuất hoá đơn diễn ra phổ biến, chỉ xuất hoá đơn khi chi tiêu từ NSNN.
Thói quen mua hàng không lấy hoá đơn của người dân đã tạo kẽ hở cho hộ kinh doanh, DN kê khai giảm doanh thu bán hàng từ đó giảm lợi nhuận để tránh thuế thu nhập doanh nghiệp. Tình trạng này không chỉ gây thất thoát nguồn thu cho NSNN mà còn gây mất công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế? Giải pháp của Bộ như thế nào?
Đại biểu Vũ Thị Thuỷ - Hải Dương chất vấn: Trong thời gian qua, tình trạng chuyển giá có chiều hướng gia tăng? Bộ có giải pháp là gì?
Đại biểu Trần Hoàng Ngân, TP HCM nêu: Đánh giá cao nỗ lực của ngành Tài chính trong thời gian vừa qua. Năm 2017, ngành tài chính đã kiểm soát chi chặt chẽ hơn, kéo giảm bội chi ngân sách, nợ công từ 63,6% còn 62,6%.
Tuy nhiên nợ gốc và lãi vay phải trả tăng rất nhanh. Năm 2010 chỉ khoảng 100 nghìn tỷ, đến 2017 đã lên tới 250 nghìn tỷ tỷ đồng.
Bộ trưởng chịu trách nhiệm chính về quản lý nợ công quốc gia, Bộ trưởng có giải pháp cụ thể thế nào để đảm bảo an toàn nợ công nhưng vẫn đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển? Bộ trưởng nêu giải đáp thêm về những giải pháp cụ thể để cải cách hành chính tích cực hơn?
Báo điện tử VTC News tiếp tục cập nhật nội dung phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
>>> Đọc thêm: Cử tri và đại biểu Quốc hội mong đợi gì ở phiên chất vấn?
Bình luận